Nhiều điểm mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh |
Đáng chú ý, Luật đã bổ sung quy định KTNN xử phạt vi phạm hành chính để tăng cường hiệu lực thực hiện Luật, nhằm lấp khoảng trống pháp lý trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực KTNN. Luật cũng bổ sung quy định về kiểm soát chất lượng kiểm toán; quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Đặc biệt, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN lần này đã quy định rõ đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán; đơn vị được kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về các đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về kết luận, kiến nghị trong Thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khởi kiện một phần hoặc toàn bộ nội dung của Quyết định giải quyết khiếu nại đó.
Các điều khoản sửa đổi, bổ sung trong Luật tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của KTNN, bảo đảm việc kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), nhất là về kiểm toán thuế, kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin, các chế tài trong lĩnh vực KTNN… phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
Ba nhiệm vụ trọng tâm triển khai thi hành Luật
Với ý nghĩa quan trọng đó, KTNN xác định, việc triển khai thi hành đưa Luật vào cuộc sống phải được tiến hành kịp thời, đồng bộ, thống nhất, toàn diện, hiệu quả và tiết kiệm. Hiện KTNN đã chuẩn bị Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật ngay sau khi Luật có hiệu lực. Theo đó, Kế hoạch đã xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong việc triển khai thi hành Luật, tập trung vào các nội dung trọng tâm như sau:
Thứ nhất, định hướng triển khai nhiệm vụ của KTNN trong năm nay và những năm tiếp theo để Luật nhanh chóng phát huy hiệu lực đối với hoạt động của KTNN. Theo đó, KTNN sẽ tập trung phổ biến sâu rộng nội dung Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN tới các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế - xã hội và các tầng lớp nhân dân để biết và thực hiện. Đồng thời, quán triệt đến toàn thể công chức, người lao động KTNN, trong đó, chú trọng giới thiệu những quy định mới so với Luật KTNN năm 2015 nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với việc thực hiện Luật. Đồng thời, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giúp KTNN hoàn thành tốt nhất chức năng, nhiệm vụ; xứng đáng với vị trí Hiến định độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức, biện pháp phổ biến pháp luật; triển khai trên diện rộng những hình thức phổ biến pháp luật mới đang phát huy hiệu quả trên thực tế như: tổ chức các hội nghị tuyên truyền trực tiếp và phát hành sách Luật KTNN (hợp nhất); phát hành tài liệu tuyên truyền đến tận tay từng công chức của Ngành để làm tài liệu nghiên cứu, học tập; tuyên truyền trên Báo Kiểm toán, Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán, Trang thông tin điện tử của KTNN và các phương tiện thông tin đại chúng; in và phát hành các ấn phẩm về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, phục vụ một số cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài Ngành.
Cùng với đó, KTNN tiến hành rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật, rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quản lý làm cơ sở cho tổ chức và hoạt động của KTNN, bảo đảm khả thi, sát thực tiễn. Ngay sau khi Luật được thông qua, KTNN đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi cho phù hợp. Theo đó, đối với văn bản ngoài Ngành, KTNN đã tiến hành rà soát và kiến nghị sửa đổi các Luật liên quan, gồm: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định tư pháp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư… Đối với văn bản trong Ngành, sau khi Chủ tịch nước công bố Luật, bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo đã kịp thời rà soát, tham mưu Tổng Kiểm toán Nhà nước danh mục văn bản triển khai thi hành Luật với 17 văn bản thuộc thẩm quyền của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2020, KTNN sẽ ban hành 17 văn bản, trong đó một số văn bản ban hành mới, đa số là văn bản sửa đổi để thay thế văn bản hiện hành cho phù hợp với quy định mới của Luật.
Bên cạnh đó, để bảo đảm hiệu lực thi hành Luật, KTNN cũng xác định việc nghiên cứu kiến nghị sửa đổi, ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan khác. Đồng thời, nghiên cứu kiến nghị sửa đổi các quy định liên quan để bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN.
Thứ hai, trên cơ sở quán triệt các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, ngoài việc kiểm toán thường niên theo kế hoạch kiểm toán, KTNN sẽ tập trung xây dựng và thực hiện theo kế hoạch trung hạn, đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, đánh giá hiệu lực, hiệu quả kiểm toán lĩnh vực đầu tư công, lĩnh vực quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các DN; đẩy mạnh kiểm toán một số lĩnh vực trọng điểm, những vấn đề Quốc hội và cử tri quan tâm, trong đó tập trung vào việc kiểm toán theo pháp luật về phòng, chống tham nhũng để đáp ứng vai trò là một trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước đã giao phó.
Thứ ba, KTNN đã, đang và sẽ kiện toàn tổ chức cũng như tăng cường năng lực, chuyên môn hóa các đơn vị trực thuộc, nhất là các đơn vị có chức năng tham mưu. Xây dựng đội ngũ công chức bảo đảm đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và đặc biệt là phải có đạo đức nghề nghiệp công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên nhà nước; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm quy chế tổ chức và hoạt động kiểm toán, quy trình, chuẩn mực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật khác để công tác kiểm toán đi vào kỷ cương, nền nếp, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước