Ảnh minh họa- Nguồn: tapchitaichinh.vn |
Việc triển khai thực hiện Thông báo số 53-TB/TW ngày 30/3/2019 của Bộ Chính trị phải cụ thể hóa các yêu cầu bằng việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thành các công trình dự án quan trọng quốc gia, các dự án có sức lan tỏa, tạo sự đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng.
Nhiệm vụ chủ yếu phải khắc phục được những hạn chế, thể hiện rõ vai trò kiến tạo, chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ và cơ quan nhà nước các cấp trước Quốc hội và nhân dân.
Nghị quyết đề ra các nhiệm vụ chủ yếu triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 53-TB/TW gồm:
Khẩn trương xây dựng và hoàn thành các nhiệm vụ của các ngành và địa phương đã được phân công tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/6/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW. Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sớm hoàn thành các công trình dự án quan trọng quốc gia, các dự án có sức lan tỏa, tạo nền tảng tiếp cận, nắm bắt cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng kinh tế số.
Tiếp tục hoàn thành nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP)...; tập trung hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai... đảm bảo chất lượng, tiến độ trình Chính phủ, Quốc hội; rà soát, hoàn thiện văn bản hướng dẫn các Luật liên quan.
Thực hiện các giải pháp quyết liệt, đặc biệt các giải pháp về cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực nhằm tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước theo các mục tiêu Nghị quyết đề ra; phát triển kết cấu hạ tầng gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, đấu thầu, bảo đảm sự hài hoà lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng kết cấu hạ tầng; thực hiện giải pháp công khai, minh bạch thông tin và xây dựng cơ chế giám sát để các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, tập trung huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là triển khai các biện pháp thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên cơ sở bảo đảm hiệu quả đầu tư, cân bằng lợi ích của các chủ thể. Nguồn lực từ ngân sách nhà nước tập trung đầu tư các công trình, dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc các công trình, dự án không kêu gọi, thu hút được các nhà đầu tư... Đồng thời, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ tài sản công (theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) tạo vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Các ngành, lĩnh vực và các địa phương tập trung rà soát, xây dựng danh mục các công trình dự án kết cấu hạ tầng để tập trung ưu tiên đầu tư, bao gồm danh mục thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước; tiếp tục tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng điểm, cấp bách và hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án dở dang.
Nghiên cứu đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021-2030 theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW nhằm xác định những nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Căn cứ Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn được ban hành, tập trung lập quy hoạch các ngành, lĩnh vực kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đảm bảo cân đối nguồn lực, khả thi và hiệu quả công trình, dự án kết cấu hạ tầng.
PHÙNG NGUYÊN