Chủ đề của Tháng Hành động năm nay được Bộ Y tế lựa chọn là “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. Nước talà quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Liên Hợp Quốc (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác).
Ảnh minh họa |
Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân.
Tháng Hành động sẽ diễn ra với các hoạt động: Tổ chức các hội nghị, hội thảo về các chủ đề: xét nghiệm HIV tại cộng đồng; đánh giá việc thực hiện các mục tiêu 90-90-90 để hướng tới kết thúc AIDS; huy động và bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; hoàn thiện việc kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS đủ điều kiện và ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm y tế để sẵn sàng chi trả các chi phí điều trị HIV/AIDS cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế; kiểm điểm việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; chống kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng, tại trường học và nơi làm việc; kiểm điểm việc thực hiện Chỉ thị số 10 của Bộ Y tế về tăng cường các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế.
Tổ chức gặp mặt, sinh hoạt, hội thảo với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV; truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV tiếp tục thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng; lợi ích của tư vấn xét nghiệm HIV sớm; lợi ích điều trị sớm HIV/AIDS; lợi ích của bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV, vận động người nhiễm HIV chủ động tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh cũng như các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong cơ sở y tế.
Bên cạnh đó là các hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình có hiệu quả như: xét nghiệm HIV tại cộng đồng do cán bộ y tế và nhân viên cộng đồng thực hiện, mô hình trong dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và chống kỳ thị phân biệt đối xử, các mô hình, các gương điển hình mà người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao đã chủ động tham gia phòng, chống HIV/AIDS, vươn lên làm chủ, tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập và giúp nhau trong cuộc sống.
Trong khuôn khổ Tháng Hành động cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động truyền thông, vận động như: Lễ phát động Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; Lễ mít tinh và diễu hành quần chúng hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS; các hoạt động truyền thông, vận động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS...
Đ. KHOA