Các bên vẫn... ngại tự chủ
Theo Tổng cục GDNN (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), nước ta hiện có gần 2.000 cơ sở GDNN, 2/3 trong đó là công lập, đào tạo khoảng 2 triệu người học dưới sự quản lý của các Bộ, ngành, địa phương và khu vực tư nhân trên toàn quốc. Từ năm 2017, các cơ sở đào tạo nghề công lập (gồm các trường trung cấp, cao đẳng, trừ ngành sư phạm) chính thức được chuyển giao về Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội quản lý tập trung.
Mặc dù vậy, nhìn vào cơ cấu việc làm, trình độ, năng lực của đội ngũ lao động nghề hiện nay vẫn thấy nhiều bất cập. Lao động Việt Nam tập trung ở những việc làm có mức thu nhập thấp, không cố định, không có chế độ phúc lợi xã hội. Trong khi đó, lao động nghề thiếu kỹ năng đang trở thành vấn đề đáng báo động, làm ảnh hưởng đến hiệu quả, năng suất lao động. Thực trạng này đang đặt ra yêu cầu đổi mới một cách toàn diện lĩnh vực GDNN để có thể tồn tại và đứng vững trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong đó, thực hiện tự chủ được xác định là giải pháp sống còn để đưa đến sự đổi mới toàn diện này.
Giáo dục nghề nghiệp đang đứng trước yêu cầu tự chủ toàn diện - Ảnh: PHẠM NGỌC TÚ
Tuy nhiên, theo chia sẻ của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng, tâm lý quen cũ, ngại mới cộng với nỗi lo bị cắt giảm ngân sách đang tạo ra sức ỳ lớn cho hành trình tự chủ của các cơ sở GDNN công lập hiện nay. Trong bối cảnh người học chưa mặn mà với GDNN, nguồn thu từ học phí thấp, các trường cũng không dám mạo hiểm. Điều này dẫn đến việc cơ chế tự chủ cho các cơ sở GDNN được triển khai từ năm 2006 nhưng đến nay, hầu hết các cơ sở này đều tự chủ rất chậm. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng thừa nhận, bản thân các cơ quan quản lý cũng còn lúng túng và chưa mạnh dạn giao quyền tự chủ một cách tuyệt đối. “Các cơ quan quản lý thì lo ngại rằng tự chủ sẽ mất chức năng quản lý. Các trường thì lo không có nguồn kinh phí để hoạt động do ngân sách cho chi thường xuyên sẽ bị cắt giảm” - ông Dũng nói.
Ngoài ra, sự bất cập, thiếu đồng bộ trong cơ chế, chính sách cũng tạo ra rào cản trong thực hiện tự chủ của các cơ sở GDNN. Một trong những rào cản, theo lãnh đạo Tổng cục GDNN, là các trường nghề bị khống chế chỉ tiêu đào tạo và mức thu học phí theo khung quy định...
Đảm bảo cơ chế thông thoáng để thực hiện tự chủ theo lộ trình
Với mong muốn tháo gỡ những rào cản vướng mắc trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ cơ sở GDNN. Nghị định này được hy vọng là bước đột phá với cơ chế thông thoáng, khuyến khích các cơ sở GDNN tự chủ cũng như khuyến khích sự tham gia của DN vào lĩnh vực này.
TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN) - cho biết, lộ trình tự chủ về tài chính đối với các cơ sở GDNN công lập được thực hiện theo hướng NSNN tiếp tục cấp chi thường xuyên GDNN trong giai đoạn 2018-2020 với mức cấp hằng năm tối đa bằng năm 2017. Cùng với đó, các cơ sở GDNN phải hoàn tất thủ tục để từ sau năm 2018 sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm quyền tự chủ toàn diện về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy và biên chế. Các cơ sở GDNN phải thực hiện cơ cấu lại chi thường xuyên, giảm dần tỷ lệ cấp ngân sách theo đầu vào như hiện nay và tăng dần tỷ lệ ngân sách dành cho đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ công dựa trên cạnh tranh về chất lượng, hiệu quả và kết quả đầu ra. NSNN sẽ chỉ tập trung đầu tư cho các cơ sở GDNN chất lượng cao, vùng khó khăn; ngành, nghề trọng điểm quốc gia.
Khi thực hiện tự chủ, giá dịch vụ đào tạo nghề nghiệp sẽ được tính đủ chi phí dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật. Nhà trường được thu học phí đủ trang trải chi phí, đảm bảo chất lượng đào tạo; được phát triển dịch vụ sản xuất kinh doanh gắn với đào tạo nghề nghiệp. Tổng cục GDNN sẽ tiếp tục triển khai các chính sách như: miễn giảm, cấp bù học phí cho các đối tượng yếu thế học tại các cơ sở GDNN...
Theo Phó Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, Dự thảo Nghị định xác định giải pháp đột phá là hướng tới chuyển đổi cơ chế hoạt động của cơ sở GDNN công lập từ hành chính bị động sang cơ chế năng động, chủ động, linh hoạt. Cơ chế tài chính từ cấp phát, dự toán bình quân, quản lý theo đầu vào sang quản lý theo kết quả, đầu ra. “Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là Nhà nước buông bỏ, mà quá trình tự chủ sẽ được triển khai theo lộ trình và đảm bảo nguồn lực nhất định để các cơ sở GDNN có thể đứng vững sau khi tự chủ” - ông Dũng nhấn mạnh.
Cơ chế tự chủ cơ sở GDNN được thực hiện từ năm 2006 theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính, tuy nhiên, hiện nay, chỉ có 3 trường đang thực hiện thí điểm là: Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II; Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn và Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2. |
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 01-11-2018