Triển vọng “sáng” của ngành bán lẻ

(BKTO) - Ngành bán lẻ Việt Nam được dự báo là ngành kinh doanh bền bỉ, ổn định, thu hút sự tham gia đầu tư của nhiều DN nước ngoài, đẩy áp lực cạnh tranh gia tăng. Trước những đối thủ nước ngoài đáng gờm có lợi thế hơn hẳn về vốn, công nghệ, kinh nghiệm, nhân sự…, DN bán lẻ “nội” cần phải có những chiến lược mới để giữ vững thị phần và cải thiện uy tín.



Thị trường sôi động “kẻ bán - người mua”

Những DN bán lẻ uy tín nhất Việt Nam vừa được Vietnam Report công bố theo 2 danh sách: Top 10 nhà bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh thuộc về các DN sở hữu thương hiệu Big C, Saigon Co.op, Lotte, Vinmart, Aeon, Sasco, Bibo Mart, Fivimart, Intimex, TutiCare; và Top 10 nhà bán lẻ hàng tiêu dùng lâu bền với các tên tuổi: Thế giới Di động, PNJ, SJC, Nguyễn Kim, FPT Shop, Pico, Viễn thông A, DOJI, HC, Điện máy Chợ Lớn. Trong danh sách này, ngoài những nhà bán lẻ “thuần” Việt, còn có cả những “đại gia” nước ngoài.

Qua dự án nghiên cứu triển vọng ngành bán lẻ Việt Nam giai đoạn 2017-2020, các chuyên gia phân tích của Vietnam Report đúc rút: ngành bán lẻ Việt Nam sẽ là ngành kinh doanh bền bỉ, ổn định trong nhiều năm tới trước bối cảnh dân số đông, tình hình kinh tế khởi sắc, sức chi tiêu tốt.

Nhận định này được củng cố thêm bằng kết quả nghiên cứu của HSBC được công bố trong báo cáo “ASEAN connect 2016”, tầng lớp trung lưu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á và dự kiến sẽ tăng 33 triệu vào năm 2020. Chi tiêu của người tiêu dùng đang tăng lên do dân số trẻ, đô thị hoá nhanh và nền kinh tế ngày càng mở cửa với cơ hội việc làm, kinh doanh và thu nhập ngày càng tăng. Việt Nam hiện được đánh giá là Top 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia và Thái Lan. Trong báo cáo về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2017 được hãng tư vấn A.T. Kearney công bố hồi tháng 6/2017, Việt Nam đã lên vị trí cao nhất trong 16 năm xếp hạng GRDI, giữ vị trí thứ 6, cải thiện 5 bậc (từ hạng 11) so với xếp hạng năm 2016.

Bên cạnh đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh số bán lẻ năm 2016 đã tăng 10,2%, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng 9,8% năm 2015. Tiếp tục duy trì đà này, doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm 2017 tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2016. Về triển vọng, dự báo của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

Đổi mới để cạnh tranhthành công

Thực hiện theo các cam kết hội nhập, Chính phủ đã cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài. Cùng với các chính sách ưu đãi thì tốc độ đô thị hóa và quy mô dân số tương đối trẻ là những lý do khiến thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, điển hình như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)... đã và đang đầu tư khai thác tại Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Trong năm 2017, khá nhiều DN nước ngoài tiếp tục “để mắt” tới thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua việc tổ chức các diễn đàn đầu tư, kết nối cung - cầu trong ngành bán lẻ. Đồng thời, nhiều DN đã thúc đẩy các loại hình dịch vụ, phát triển các công cụ thanh toán nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhà bán lẻ như kinh doanh online, tiếp thị đa kênh…

Trên thực tế, việc gia tăng các kênh bán lẻ hiện đại ngày một lớn với độ phủ sóng rộng của các trung tâm thương mại, siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi đã đe dọa đến doanh thu của kênh bán lẻ truyền thống. Theo số liệu mới nhất của Nielsen, tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại cộng dồn 12 tháng từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017 là 7,7%, cao hơn mức 6,1% của kênh truyền thống, sản lượng tăng trưởng kênh hiện đại đạt 6,3%, cao gấp 1,34 lần kênh truyền thống.

Cùng với đó, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đang làm thay đổi hành vi tiêu dùng. Khảo sát người tiêu dùng về ngành bán lẻ gần đây nhất của PwC cho thấy, người tiêu dùng đang quen dần với việc ứng dụng công nghệ vào mua sắm. Do đó, việc tập trung phát triển hệ thống thương mại điện tử, kết hợp kinh doanh và quảng cáo sản phẩm qua mạng sẽ làm tăng thêm hiệu quả bán hàng, đồng thời tiết kiệm chi phí bán hàng cho các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, khi khách hàng chuyển sang mua sắm online, các trung tâm thương mại sẽ dần trở nên vắng vẻ nên các nhà bán lẻ cần lựa chọn chiến lược phát triển sao cho phù hợp với mục tiêu kinh doanh và thói quen mua sắm ở từng địa phương khác nhau.

Nhu cầu của người tiêu dùng trong thời gian tới được dự báo sẽ có sự thay đổi lớn, hướng tới nhóm sản phẩm chất lượng cao với mức chi tiêu thông minh hơn. Đây là một ẩn số khó giải cho các nhà bán lẻ. Để cạnh tranh tốt hơn, các nhà bán lẻ cần phải lưu tâm đến việc đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của nhiều nhóm khách hàng khác nhau. Bởi theo khảo sát online của Vietnam Report, đa phần người tiêu dùng cho biết, việc hàng hóa đa dạng, có nhiều chủng loại là nguyên nhân chính đưa họ đến với các nhà bán lẻ, bao gồm cả bán lẻ tiêu dùng nhanh và bán lẻ hàng tiêu dùng lâu bền.

HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 09-11-2017
Cùng chuyên mục
  • Ba trụ cột cho tăng trưởng kinh doanh
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Các CEO Việt Nam đang kỳ vọng vào những cơ hội tăng trưởng kinh doanh trong tương lai khi Việt Nam được dự báo là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, thậm chí còn có thể lọt top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050. Đây là nhận định trong Báo cáo phân tích triển vọng phát triển kinh doanh tại Việt Nam vừa được PwC công bố, bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.
  • Tăng chế tài xử phạt  để dẹp nạn phân bón giả
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Lượng phân bón trong nước đang được lưu hành rất lớn với nhiều chủng loại, mẫu mã khác nhau. Tuy nhiên, việc quản lý còn nhiều bất cập, lỏng lẻo khiến phân bón giả, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan trên thị trường. Yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là phải tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các loại sản phẩm này.
  • Khai thông thị trường  xuất khẩu thịt lợn
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Mặc dù có tiềm năng phát triển và xuất khẩu, nhưng từ nhiều năm nay sản phẩm thịt lợn Việt Nam xuất khẩu ra thế giới bằng con đường chính ngạch vẫn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là do thịt lợn Việt Nam chưa vượt qua được hàng rào kỹ thuật về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm của một số quốc gia trên thế giới.
  • Ứng dụng công nghệ cao  trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tại Diễn đàn nông dân Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với một số Bộ, ngành tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều nông dân đã bày tỏ băn khoăn về việc ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp thông minh (nông nghiệp 4.0).
  • Nhiều rào cản trong phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Thủy sản Việt Nam vốn phong phú, đa dạng và được thế giới ưa chuộng nhưng dường như chưa tiếp cận được với đông đảo người tiêu dùng trong nước. Nguyên nhân của thực trạng này đã được các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện các DN sản xuất, chế biến thủy sản nêu ra tại Hội thảo “Phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Triển vọng “sáng” của ngành bán lẻ