Triệu trái tim, một tấm lòng hướng về đồng bào vùng bão lũ

(BKTO) - Trong nỗi đau của cơn thiên tai, muôn triệu trái tim đều hướng về với đồng bào vùng lũ. Mỗi người dân, mỗi tổ chức với những hành động nhỏ, thiết thực nhưng ý nghĩa gửi gắm sự sẻ chia, yêu thương đã tạo thành sức mạnh, nguồn động lực tinh thần to lớn để đồng bào kiên cường, cùng dìu nhau qua nỗi đau tột cùng sau bão lũ.

_dsc4510.jpg
Công chức, viên chức, người lao động KTNN xếp hàng chờ đến lượt quyên góp. Ảnh: N.Lộc

Kiểm toán nhà nước - đau với nỗi đau của đồng bào

Trong mất mát, đau thương mỗi người dân, mỗi tấm lòng sẻ chia đã được phát huy ở mức cao nhất, từ đó góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau do thiên tai để lại. Những tình cảm cao quý ấy đã và đang được nhân lên, từ cá nhân lan tỏa ra tổ chức, ra cộng đồng để tạo thành sức mạnh của toàn dân tộc. 

Trước những mất mát, tổn thất do bão lũ gây ra, với tinh thần “tương thân, tương ái”, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tiếp tục phát huy truyền thống của dân tộc, của Ngành để hướng về tâm bão lũ chia sẻ kịp thời với người dân gặp khó khăn.

Thấu cảm, sẻ chia với đồng bào, KTNN với nguồn lực hạn hẹp đã lập tức làm tất cả những gì có thể, trước khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động kêu gọi ủng hộ, để động viên, hỗ trợ giúp san sẻ bớt đau thương, mất mát với người dân vùng bão lũ ngay trong thời điểm thiên tai còn đang hoành hành. 

      Trưa 10/9, ngay sau khi phát động, Công đoàn KTNN đã tiếp nhận số tiền 1,2 tỷ đồng tiền ủng hộ từ các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động KTNN. Ngay trong chiều 10/9 toàn bộ số tiền này đã được KTNN chuyển đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ. 

Theo Chủ tịch Công đoàn KTNN Trần Kim Lộc: “Đây không chỉ là hành động nhường cơm, sẻ áo đối với đồng bào vùng ảnh hưởng bởi bão lũ, mà còn thể hiện một nghĩa cử cao đẹp, một tấm lòng nhân ái và nét đẹp văn hóa của công chức, viên chức, người lao động của KTNN đối với cộng đồng”.

_dsc4505.jpg
Mỗi công chức, kiểm toán viên góp phần lan tỏa sự sẻ chia để góp thêm nguồn lực gửi đến đồng bào vùng bão lũ. Ảnh: N.Lộc

Ông Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán chia sẻ, ngay trong lúc này đây, người dân vùng bão lũ rất cần sự quan tâm, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần để cùng dìu nhau vượt qua khó khăn.

“Điều này đã thúc mỗi công chức, viên chức, người lao động KTNN cần phải thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội thông qua những hành động thiết thực một cách cấp thiết hơn bao giờ hết “ - ông Thuyết chia sẻ.

Những nghĩa cử cao đẹp của KTNN đã mau chóng lan tỏa từng đơn vị, tổ chức trực thuộc. Ngoài hoạt động kêu gọi hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi bão lũ, nhiều đơn vị, tổ chức trực thuộc KTNN cũng có những hoạt động sẻ chia hoặc nhiều kế hoạch thiết thực để lan tỏa tinh thần “tương thân, tương ái” kêu gọi các cá nhân tham gia đóng góp ủng hộ. Số tiền quyên góp được dành để mua lương thực, thực phẩm thiết yếu và hỗ trợ người dân vùng bão lũ ổn định cuộc sống. 

Đối với các đoàn viên, thanh niên KTNN, tất cả đều tham gia ủng hộ với trách nhiệm và niềm tin cao nhất, đó là mong được góp chút sức nhỏ để sẻ chia với khó khăn của người dân vùng lũ. Từ sự sẻ chia, đau với nỗi đau của đồng bào, những chuyến xe của KTNN, với lực lượng đoàn viên, thanh niên làm nòng cốt mang theo nhu yếu phẩm đến với đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra đã và đang trên hành trình nối dài. 

9.jpg
Những chuyến xe thiện nguyện của KTNN tiếp tục trên hành trình đến với đồng bào vùng lũ. Ảnh TL

Đúng như Bí thư Chi đoàn KTNN khu vực VII Trần Đình Dương chia sẻ, đó là: “Tự hào trong mái nhà KTNN; tuổi trẻ KTNN vì thế càng phải phát huy tinh thần xung kích, có trách nhiệm với cộng đồng mà lãnh đạo KTNN và các thế hệ cán bộ KTNN trao truyền, lan tỏa”. 

Với truyền thống cội nguồn ngàn năm của dân tộc và tinh thần “thương thân, thương ái” được KTNN phát huy, gìn giữ, tinh thần sẻ chia với đồng bào vùng lũ nói riêng, với cộng đồng của các thế hệ KTNN sẽ còn lan tỏa rộng rãi đến các đơn vị trực thuộc KTNN, đến từng con người ở KTNN thông qua các hoạt động thiết thực hôm nay và mãi mai sau. 

Những tấm gương “bình dị mà cao quý” thầm lặng giữa đời thường...

Cùng với các cơ quan, tổ chức, trong đó có KTNN, sự sẻ chia, thấu hiểu nỗi đau thương, mất mát của đồng bào do bão lũ gây ra đã và đang lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng, đến từng cá nhân để góp thêm những việc làm thiện nguyện ý nghĩa.

Những ngày này, khi cơn bão số 3 qua đi và những hoàn lưu của bão gây ảnh hưởng nặng nề đến các địa phương miền núi phía Bắc, ngôi nhà trên ngõ 58 Trần Bình có tên gọi “Nhà ăn không đồng Nhất Tâm”, thường ngày vốn phục vụ các bữa ăn không đồng cho người lao động nghèo, nay liên tục đỏ lửa để chuẩn bị nhu yếu phẩm tiếp tế cho người dân vùng bão lũ Lào Cai - Thái Nguyên.

Là chủ khách sạn, bận rộn với việc kinh doanh, nhưng cô Nguyễn Thị Hải Ngư (Hội Chữ thập đỏ và Hội Phụ nữ phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội), vẫn trực tiếp tham gia các hoạt động thiện nguyện và duy trì hoạt động này từ hàng chục năm nay một cách thầm lặng. Ghi nhận những đóng góp đó, năm 2020, cô Ngư được vinh danh gương “Người tốt, việc tốt” Thủ đô. 

Khi chúng tôi nhắc đến nhóm thiện nguyện này, cũng là lúc nhóm đang tất bật với các hoạt động trao quà tại điểm nóng về lũ lụt, sạt lở các tỉnh Thái Nguyên, Sơn La, Cao Bằng... để cùng sẻ chia với đồng bào nỗi đau đến tận cùng. Trong đó, với người dân trên địa bàn quận Cầu Giấy không ai còn xa lạ với cô Nguyễn Thị Hải Ngư (tổ dân phố số 20, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) và công việc thiện nguyện thầm lặng cô đã làm trong suốt hàng chục năm qua. 

z5830284684670_40594c8c721e4f841a844dfaf5ce106f.jpg
Nhóm thiện nguyện đang có mặt ở xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng để trao quà, động viên người dân vùng lũ

Ngay sau khi tập hợp đủ nguồn lực, ngày 14/9, đoàn thiện nguyện đã có mặt tại xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, một trong những điểm chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi bão lũ vừa qua, khi hàng chục người tử vong do lũ cuốn, nhiều diện tích lúa và hoa màu bị mất trắng; nhiều ngôi nhà bị sập, đổ, tốc mái, hư hỏng nặng. “Trước ngày đi, chúng tôi trằn trọc không sao ngủ được, chỉ mong đến được thật nhanh, thật sớm với bà con” - cô cho biết.

Trong chuyến đi này, đoàn mang nhu yếu phẩm là thuốc men, quần áo, đồ ăn với 350 xuất quà. Ngoài ra, đoàn cũng trao thêm tiền mặt hỗ trợ 13 nhà có người mất là 370 triệu đồng. Trước đó, đoàn đã đến các điểm nóng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ như Sơn La, Thái Nguyên và đang tiếp tục hành trình đến với những vùng khó khăn khác khu vực phía Bắc.

z5830064478040_8c22f5ac13d52159ff6fce7ccd301278.jpg
Nhóm thiện nguyện thăm người dân ở vùng lũ Sơn La

Cô bảo, trong những ngày bão số 3 đổ về, do cảnh báo hạn chế đi lại, nhưng lòng cô như lửa đốt. “Lo lắm khi mình trong vùng ảnh hưởng của bão, nhưng càng lo hơn khi hay tin ở những nơi bão đi qua, bao cảnh đời tan nát, ly tán” - cô bảo và suy nghĩ ngay về việc cần làm cho người dân vùng bão lũ. 

Nghĩ là làm, cô nêu gương, làm trước khi tự nguyện dành số tiền hàng trăm triệu đồng để mua nhu yếu phẩm và trực tiếp chuyển đến vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Đoàn thiện nguyện Nhất Tâm vào xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, một trong những điểm chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi bão lũ vừa qua

Cô bảo, một người có cố gắng nỗ lực đóng góp bao nhiêu cũng không thể đáp ứng được nhu cầu cấp bách hiện nay. Nhưng nếu mọi người cung chung tay, người góp của, người góp công, thì hiệu quả sẽ nhân lên.

“Hiện nay, người dân vùng lũ cần nhu yếu phẩm, nhưng thời gian tới, khi tình hình ổn định, nhu cầu kiến thiết, xây dựng nhà cửa gắn với yêu cầu mới. Khi đó, nhóm sẽ chuyển sang tìm kiếm nguồn kinh phí để xây dựng nhà cửa cho người dân” – cô bảo và tiết lộ thêm, hiện, nhóm đang ấp ủ kế hoạch xây dựng các căn nhà mái tôn, được càng nhiều càng tốt, mỗi căn trị giá khoảng 65 triệu đồng.

z5830187883585_27bc603f7b71a1f60598d9db6749252b.jpg
Cô Nguyễn Thị Hải Ngư (bên phải ảnh) và nhóm thiện nguyện đang có mặt tại xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng

Do điều kiện công việc không thể trực tiếp đến với bà con thuộc các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, song nữ bác sỹ Nguyễn Lương Huyền (quận Đống Đa, hiện phụ trách một đơn vị y tế công lập trên địa bàn) cũng là một trong những tấm gương thầm lặng trong các hoạt động thiện nguyện.

Thông qua các tổ chức thiện nguyện chị và gia đình, cơ sở khám, chữa bệnh đã huy động được nguồn lực lớn hàng trăm triệu đồng với các nhu yếu phẩm thuốc men, quần áo để chuyển đến người dân chịu ảnh hưởng bởi bão lũ. “Xót xa lắm, dù không thể đến tận nơi, nhưng tiếng vọng của bao hoàn cảnh mất người thân, mất nhà cửa luôn giằng xé, thôi thúc tôi cần phải làm nhiều hơn nữa” - chị đau đáu. 

457056171_1050232983777638_7796889434866135181_n-copy(1).jpg
Nữ bác sỹ với những nét đẹp bình dị trong đời thường

Còn nhớ, trong đại dịch Covid-19, khi nhu cầu sử dụng khẩu trang khan hiếm, chị và gia đình đã quyên góp tặng hàng nghìn hộp khẩu trang miễn phí cho người dân; đồng thời huy động các nguồn lực hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và bản thân cũng trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống dịch. 

Điều lạ ở nữ bác sỹ này, đó là chị không nỡ từ chối trước bất cứ lời kêu gọi thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân nào dù điều kiện kinh tế cũng không mấy khá giả. Chị nghĩ, “của ít lòng nhiều”, nên không đắn đo suy nghĩ dù trước đó, bản thân chị và gia đình đã quyên góp cả trăm triệu đồng để chuyển đến người dân vùng lũ thông qua các tổ chức, cá nhân. Bởi theo chị “cho đi là còn mãi” và sự cứu trợ phải cấp thiết, kịp thời. 

Đây là một trong những tấm gương sáng ngời, “bình dị mà cao quý” thầm lặng giữa đời thường thể hiện truyền thống "thương người như thể thương thân" của mỗi người dân Việt Nam. 

Nói như Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Đống Đa Nguyễn Thị Minh Hiền, trong bối cảnh khó khăn, nhất là với người dân đang vật lộn với bão lũ, mọi sự sẻ chia đều rất đáng quý. Những cá nhân như bác sỹ Nguyễn Lương Huyền chính là những bông hoa trong vườn hoa "người tốt, việc tốt" của Thủ đô. 

Cùng chuyên mục
Triệu trái tim, một tấm lòng hướng về đồng bào vùng bão lũ