Trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai sớm hơn 5 tháng

(BKTO) - Chính phủ chính thức trình Quốc hội xem xét điều chỉnh Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024 thay vì 01/01/2025.

khanh.jpeg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày Tờ trình tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Khắc phục tồn tại trong định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư

Chiều 19/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Theo đó, Chính phủ đề xuất cho phép 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản, là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 01/8, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội.

Cùng với đó, hai khoản của Điều 200 và Điều 210 của Luật Các tổ chức tín dụng cũng được đề nghị có hiệu lực sớm từ 01/8 để đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ khi nhận tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, với các quy định chuyển tiếp tại Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá tác động vướng mắc có thể phát sinh, gồm doanh nghiệp đang làm dự án đầu tư có sử dụng đất.

Chính phủ cho rằng, việc cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn sẽ khắc phục tồn tại trong định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư - vốn là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm.

Việc này cũng tạo hành lang pháp lý, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội. Về phía doanh nghiệp, người dân được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.

Đối với một số quy định chuyển tiếp tại 7 điều (từ điều 253 đến 260) của Luật Đất đai vẫn có hiệu lực từ 01/01/2025.

2222.jpeg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Theo Chính phủ, việc đẩy sớm có hiệu lực của Luật Đất đai 2024 lên trước 5 tháng có thể dẫn tới vướng mắc cho một số dự án đang thực hiện dở dang thủ tục chọn nhà đầu tư từ đầu với một số thay đổi về quy định liên quan tới sử dụng đất, tức là việc đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp (như tiến độ thực hiện dự án) có thể bị ảnh hưởng. Điều này khiến chi phí tuân thủ tăng, ảnh hưởng tới đầu tư và không loại trừ phản ứng tiêu cực từ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là với dự án bất động sản đang gặp khó về thủ tục.

Do vậy, Chính phủ đề nghị giữ nguyên hiệu lực của khoản 10 Điều 255 là từ ngày 01/01/2025, để đảm bảo quyền lợi, lợi ích của nhà đầu tư, hạn chế lãng phí thời gian, của cải của xã hội.

Tương tự, khoản 4 Điều 260 Luật Đất đai 2024 quy định xử lý chuyển tiếp với phương án sử dụng đất, xử lý, sắp xếp lại nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, qua rà soát, Chính phủ cho hay, nếu áp dụng ngay quy định này từ 01/8 có thể rút ngắn thời gian để hoàn thiện thủ tục trình phương án sử dụng, xử lý nhà đất của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc Phòng, Công an.

Vì thế, Chính phủ đề nghị quy định này áp dụng từ 01/01/2025 để các cơ quan, đơn vị hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý, sắp xếp lại với nhà, đất khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh nằm trong quy hoạch.

Tính toán kỹ mức độ đáp ứng các điều kiện bảo đảm thi hành Luật

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này. “Ủy ban Kinh tế ủng hộ chủ trương để các luật trên sớm đi vào cuộc sống” - ông Vũ Hồng Thanh nói.

thanh.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ tính toán kỹ thời điểm điều chỉnh hiệu lực sớm và thời gian sớm bao nhiêu trên cơ sở xem xét hết sức thận trọng 2 khía cạnh. Thứ nhất là tính cấp bách, cấp thiết của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của Luật từ ngày 01/8/2024. Thứ hai là mức độ đáp ứng của các điều kiện bảo đảm thi hành Luật trong trường hợp Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc luật có hiệu lực sớm khi chưa ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết. Có ý kiến đề nghị không điều chỉnh thời gian hiệu lực của các luật.

Ủy ban Kinh tế cũng nhận thấy, việc sửa đổi hiệu lực của các luật sớm hơn 5 tháng sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành, nhất là các văn bản do các địa phương ban hành. Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai thi hành luật tại các địa phương.

Đối với văn bản quy định chi tiết do cơ quan Trung ương ban hành, đến ngày 18/6/2024, mới chỉ có 01/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được ban hành; 07 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và 04 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản đều chưa được ban hành. Bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng sửa đổi một số điều, khoản của các luật khác có liên quan và theo đó có 02 nội dung cần hướng dẫn cũng chưa được ban hành.

Đối với các văn bản của các địa phương quy định chi tiết nội dung được giao trong các luật, hồ sơ Dự án Luật chưa có thông tin cụ thể về tiến độ, khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong việc dự thảo và ban hành văn bản cho kịp với thời hạn hiệu lực sớm của 04 luật (văn bản hướng dẫn của địa phương gồm 20 nội dung đối với Luật Đất đai, 10 nội dung đối với Luật Nhà ở.

Một số địa phương quan ngại về việc chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn khi luật có hiệu lực sớm; một số địa phương đề nghị giữ nguyên hiệu lực của luật. Trường hợp các địa phương không thể hoàn thành các văn bản hướng dẫn có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thi hành luật, nhất là Luật Đất đai, do có nhiều nội dung quan trọng đã được phân cấp cho chính quyền địa phương.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả, tiến độ soạn thảo và ban hành trên thực tế các văn bản của địa phương, làm rõ ngoài những văn bản mà theo yêu cầu của các luật còn có những văn bản nào khác mà các địa phương phải ban hành căn cứ vào các quyết định, nghị định, thông tư sắp được ban hành, làm rõ tác động và giải pháp xử lý...

Nội dung này sẽ được các Đại biểu Quốc hội thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường trước khi xem xét biểu quyết thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại một kỳ họp.

Cùng chuyên mục
  • Quy định cụ thể về kiểm toán tài chính công đoàn
    2 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh đề nghị, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cần bổ sung quy định, hằng năm, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài chính công đoàn với Quốc hội tại kỳ họp cuối năm, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán tài chính công đoàn theo quy trình và khung thời gian đồng thời với kiểm toán ngân sách nhà nước.
  • Đại biểu Quốc hội đề nghị duy trì đóng 2% phí công đoàn
    2 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Theo đại biểu Quốc hội, việc thu kinh phí Công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là phù hợp. Đây là điều kiện tiên quyết để Công đoàn chủ động, độc lập hơn trong tổ chức và hoạt động tại cơ sở; góp phần thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động.
  • Thúc đẩy xã hội hóa hoạt động công chứng
    2 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Để thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, đại biểu Quốc hội đề nghị, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) không nên quy định điều kiện thành lập Văn phòng công chứng bắt buộc phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên.
  • Cân nhắc việc áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với phân bón
    2 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn việc áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% đối với mặt hàng phân bón có thể tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp.
  • Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản
    2 tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Sáng 17/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản (Dự thảo Nghị định).
Trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai sớm hơn 5 tháng