Quy định cụ thể về kiểm toán tài chính công đoàn

(BKTO) - Đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh đề nghị, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cần bổ sung quy định, hằng năm, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài chính công đoàn với Quốc hội tại kỳ họp cuối năm, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán tài chính công đoàn theo quy trình và khung thời gian đồng thời với kiểm toán ngân sách nhà nước.

202406181134196697_z5549717296765_68270d6311415119c784c82ab113f70a.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh phát biểu thảo luận về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Thiết kế một chương riêng về tài chính, tài sản công đoàn

Sáng 18/6, dành toàn bộ thời gian thảo luận của mình để góp ý hoàn thiện quy định về tài chính công đoàn trong Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Phạm Thúy Chinh (Đoàn Hà Giang) nêu rõ, tại Dự thảo Luật, tài chính công đoàn được quy định tại Điều 29, Điều 30 và Điều 32. Theo đại biểu, với quy mô, nguồn lực tài chính lớn mạnh và tăng đều qua các năm, trung bình tăng 12%/năm, với ý nghĩa, vai trò, nhiệm vụ của tài chính công đoàn, việc Dự thảo chỉ quy định 3 điều về tài chính công đoàn là chưa tương xứng, chưa đảm bảo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng và phát huy hiệu quả của nguồn lực này.

Từ thực tiễn quản lý, sử dụng tài chính công đoàn cho thấy, tài chính công đoàn mang đầy đủ đặc điểm của một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Tài chính công đoàn có mục đích sử dụng chuyên biệt cho tổ chức hoạt động của công đoàn và đoàn viên, người lao động, độc lập với ngân sách nhà nước, là phương tiện để huy động các nguồn lực tài chính, vừa có tính bắt buộc, vừa có tính tự nguyện.

202406180945239802_img_9690.jpeg
Quang cảnh Phiên thảo luận về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Do đó, đại biểu đề nghị, cùng với việc cần nghiên cứu thiết kế quy định về tài chính, tài sản công đoàn thành một chương riêng, trên cơ sở Điều 29, Điều 30, Điều 32 cần thiết kế thành các điều để quy định rõ về khái niệm, địa vị pháp lý của tài chính công đoàn, nguyên tắc hoạt động, nguồn thu, nhiệm vụ chi, lập, chấp hành dự toán, quyết toán, chế độ kế toán và thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, sử dụng quỹ tài chính công đoàn.

Trong đó, về địa vị pháp lý của quỹ, đại biểu đề nghị tiếp cận theo hướng tài chính công đoàn là một quỹ tài chính công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự tồn tại của quỹ tài chính công đoàn, từ đó có phương thức quản lý phù hợp. “Tài chính công đoàn là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, do Tổng LĐLĐ Việt Nam thành lập và quản lý, có chức năng huy động các nguồn lực nhằm đảm bảo cho tổ chức, hoạt động của các cấp công đoàn” - đại biểu Phạm Thúy Chinh đề xuất.

Cũng theo đại biểu, nguyên tắc hoạt động của quỹ tài chính công đoàn cần tuân thủ theo nguyên tắc chung của quản lý, sử dụng tài chính công như nguyên tắc tập trung thống nhất, công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo toàn và phát triển nguồn vốn. Quy định này có ý nghĩa hết sức quan trọng, đảm bảo cho tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, kiểm toán; đồng thời đề nghị thiết kế thành một điều riêng quy định về nguyên tắc trong Luật.

Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam thì số dư quỹ công đoàn những năm qua tương đối lớn. Việc này đặt ra vấn đề cần nghiên cứu có quy định về đầu tư tài chính công đoàn ngay tại Dự thảo luật, bao gồm danh mục đầu tư, cơ cấu đầu tư, đầu tư vào các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao để phát triển tài chính công đoàn trên nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh

Đề cập đến quy định về nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đại biểu Phạm Thúy Chinh nhấn mạnh, đây là điểm mới và phù hợp với quy định tại Luật Nhà ở năm 2023. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, theo cách phân chia nguồn thu hiện nay thì tỷ lệ kinh phí để lại cho cấp công đoàn cơ sở đang chiếm tỷ trọng rất lớn, trong khi nhiệm vụ này đang được giao cho Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức thực hiện. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần giải trình làm rõ tỷ trọng dự kiến dành cho chi đầu tư nhà ở xã hội trong cơ cấu nhiệm vụ chi và cần có cam kết nhiệm vụ chi này không làm ảnh hưởng tới các nhiệm vụ chi đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên và người lao động.

Tài chính công đoàn được Kiểm toán nhà nước định kỳ kiểm toán 2 năm/1 lần

Về lập, chấp hành dự toán quyết toán tài chính công đoàn, đại biểu Phạm Thúy Chinh chỉ rõ, đây là nội dung đòi hỏi phải được quy định một cách rõ ràng và tuân theo nguyên tắc của quản lý tài chính công. Thực tiễn cho thấy, việc đồng thời thực hiện những quy định khác nhau trong lập, chấp hành dự toán và quyết toán dễ dẫn đến sự trùng chéo, không minh bạch, thêm quy trình, thủ tục, khó tổ chức thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm.

202406181134196853_z5549841944670_1dc30a6c6d5e906f2c030e454eda862d.jpg
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: VPQH

Với yêu cầu tăng cường quản lý và tuân theo các nguyên tắc thống nhất, đại biểu đề nghị thiết kế một điều về lập, chấp hành dự toán, quyết toán tài chính công đoàn theo hướng phải thực hiện duy nhất theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Chính phủ quy định chi tiết việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán; Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ quy định những vấn đề có tính kỹ thuật, hướng dẫn nội bộ.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung một điều quy định chế độ kế toán của tài chính công đoàn theo quy định của Luật Kế toán. Theo đó, phải tuân thủ các yêu cầu thống nhất về kế toán, báo cáo, kiểm soát nội bộ. “Việc này đảm bảo quản lý tập trung dòng tiền, các khoản chi tiêu phải thực hiện đúng pháp luật, ngăn ngừa và hạn chế những sai phạm tiềm ẩn có thể xảy ra” - đại biểu Phạm Thúy Chinh nhấn mạnh.

Liên quan đến quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính công đoàn đang quy định tại Điều 32, đại biểu Phạm Thúy Chinh đề nghị nghiên cứu quy định chi tiết hơn, đồng thời bổ sung 2 điểm về giám sát và kiểm toán. Cụ thể, bổ sung quy định hằng năm Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài chính công đoàn với Quốc hội tại kỳ họp cuối năm; Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán tài chính công đoàn theo quy trình và khung thời gian đồng thời với kiểm toán ngân sách nhà nước.

Mặc dù tài chính công đoàn được hình thành từ nhiều nguồn nhưng suy cho cùng đều là nguồn lực được huy động từ nhân dân, từ đoàn viên và người lao động. Do đó, cần có cơ chế giám sát, kiểm toán tương ứng để bảo đảm mọi đồng tiền đóng góp của nhân dân, của đoàn viên lao động đều được sử dụng một cách hiệu quả và được báo cáo đầy đủ và minh bạch.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh

Giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội qua tâm tại phiên thảo luận, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nêu rõ, ngay sau khi Luật Công đoàn năm 2012 được ban hành, Chính phủ đã có Nghị định 191/2013/NĐ-CP quy định rất cụ thể về tài chính công đoàn, về từng danh mục các khoản chi của tài chính công đoàn.

“Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện đúng các quy định về chế độ dự toán như các quy định đối với các cơ quan ở trung ương khác, theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách và các luật tài chính khác” - ông Nguyễn Đình Khang cho biết.

Vấn đề công khai tài chính công đoàn cũng được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Theo đó, ở cấp nào thì công khai ở phiên họp Ban chấp hành của 6 tháng đầu năm sau của năm liền kề. Tài chính công đoàn được Kiểm toán nhà nước định kỳ kiểm toán 2 năm/1 lần và kết quả kiểm toán được báo cáo Quốc hội và tổng hợp chung trong báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

Ngoài ra việc quản lý tài chính công đoàn cũng chịu sự thanh tra, giám sát của các cơ quan khác như Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính…

Cùng chuyên mục
Quy định cụ thể về kiểm toán tài chính công đoàn