Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021

(BKTO) - Qua kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN 34.595 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 37.010 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới 270 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.

120520230849-z4337909143929_bf620d301712dffd1ef774de1ceeaa12.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Sáng 12/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Lập dự toán thu chưa phù hợp, giao dự toán chậm

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và tổng hợp một số kết quả kiểm toán chính của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2022, KTNN chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng NSNN.

Theo đó, về lập dự toán thu NSNN, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chưa dự báo được, Chính phủ dự báo thận trọng dẫn đến ước thực hiện thu năm 2020 thấp hơn thực hiện 2020; lập dự toán thu một số chỉ tiêu thu chưa phù hợp, trong đó dự toán thu tiền sử dụng đất do các địa phương lập thấp hơn so với khả năng thu dẫn đến việc thực hiện năm 2021 vượt 74% so với dự toán giao.

Đối với dự toán chi NSNN, kết quả kiểm toán cho thấy, dự toán chi đầu tư phát triển Chính phủ đã giao 461,3 nghìn tỷ đồng (đạt 96,6% kế hoạch). Tuy nhiên, đến hết ngày 31/12/2021, vẫn còn 09 Bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2021 cho các dự án với tổng số vốn 9.027,33 tỷ đồng.

Đến thời điểm tháng 3/2023, số vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa được cấp có thẩm quyền phân bổ, giao cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương 180.420,011 tỷ đồng.

Đối với dự toán chi thường xuyên, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, việc giao dự toán đầu năm cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chậm so với quy định, giao bổ sung vào thời điểm cuối năm dẫn đến các đơn vị không kịp thực hiện phải chuyển nguồn, có đơn vị phải hủy dự toán được giao; điều chỉnh dự toán cho đơn vị sử dụng ngân sách sau ngày 15/11/2021 không đúng quy định; giao dự toán không có trong tiêu chí, định mức phân bổ dự toán hoặc vượt định mức chi thường xuyên của HĐND tỉnh; một số địa phương bố trí dự toán ngân sách chưa xem xét đến việc cắt giảm chỉ tiêu biên chế, sắp xếp lại bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII...

Giải ngân chậm, hủy vốn lớn, chi chuyển nguồn tiếp tục tăng cao

Theo báo cáo của KTNN, quyết toán thu NSNN năm 2021 là 1.591.411 tỷ đồng, bằng 117,2% (tương ứng vượt 233.327 tỷ đồng) so với dự toán giao; trong đó: thu nội địa vượt 15,9% dự toán giao; thu xuất, nhập khẩu vượt 19,7% dự toán giao; thu dầu thô vượt 92,4% dự toán giao.

120520230820-z4337839550309_aec3b2863ff033a259c04aed8c4f24ac.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Qua kiểm toán, đối chiếu, KTNN phát hiện việc hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, tính thiếu thuế cũng như các khoản thu khác, từ đó đã kiến nghị tăng thu NSNN là 4.641,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kết quả chọn mẫu, kiểm toán việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 cho thấy, còn tình trạng khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cho các chi nhánh không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh trong khi các Công ty mẹ của các chi nhánh này vẫn đang hoạt động hoặc tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn là chưa phù hợp quy định (Tổng cục Thuế); khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cho người nộp thuế (NNT) vẫn còn đang hoạt động hoặc tạm nghỉ kinh doanh, khoanh nợ tiền thuế nhưng không có thông tin NNT trên sổ nợ thuế hoặc khoanh cao, thấp hơn số nợ theo dõi trên sổ nợ thuế (Tổng cục Hải quan)...

Trong chi NSNN, KTNN chỉ ra, tỷ lệ giải ngân vốn ngoài nước bằng 36,53% kế hoạch giao, trong đó một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí không giải ngân; số vốn nước ngoài năm 2021 bị hủy khá lớn (trên 20 nghìn tỷ đồng vốn ODA các Bộ, địa phương đề nghị trả lại), ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay.

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Tài chính, các khoản giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2019 trở về trước đối với nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi chưa được hạch toán vào NSNN 3.465,904 tỷ đồng.

“Còn tình trạng một số dự án của địa phương được giao bổ sung kế hoạch vốn nhưng không giải ngân hết trong năm, phải kéo dài sang năm 2022. Kế hoạch vốn năm trước kéo dài sang năm 2021 nhưng một số Bộ, cơ quan trung ương không giải ngân hết, không được phép kéo dài, phải hủy dự toán 4.948,184 tỷ đồng. Ngoài ra, Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 được kéo dài trong năm 2021 nhưng không giải ngân được phải hủy 339,025 tỷ đồng” -Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ rõ.

Cũng theo kết quả kiểm toán, số liệu tổng hợp nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên Hệ thống thông tin giám sát về đầu tư công 4.465 tỷ đồng còn chênh lệch lớn so với số liệu tổng hợp từ kết quả kiểm toán tại 05 Bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương (23.608,9 tỷ đồng).

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, trong chi thường xuyên, quyết toán 1.061.316 tỷ đồng, bằng 101,2% dự toán (tăng 12.141 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 62,13% tổng chi NSNN, cao hơn năm 2020, đảm bảo tỷ trọng bình quân nhưng chưa đảm bảo mức phấn đấu theo định hướng Nghị quyết số 23/2021/QH14 của Quốc hội.

Một số khoản chi sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương có tỷ lệ thực hiện khá thấp so với dự toán (chi lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề chỉ đạt 59,2% dự toán, lĩnh vực khoa học và công nghệ chỉ đạt 71% dự toán, lĩnh vực bảo vệ môi trường đạt 75% dự toán).

Đáng chú ý, số chi chuyển nguồn tiếp tục tăng cao cả về số tương đối và số tuyệt đối so với những năm gần đây. Tổng chi chuyển nguồn 776.403 tỷ đồng, bằng 31,2% tổng chi NSNN.

Qua kiểm toán cho thấy, Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 chưa thuyết minh chi tiết từng nội dung, số liệu chuyển nguồn theo quy định của Luật NSNN.

Về chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 82/2023/QH15 (5.016,674 tỷ đồng), KTNN chỉ ra, quá trình Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan tổng hợp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ trình UBTVQH phê duyệt nghị quyết chuyển nguồn kinh phí còn chậm, sau thời điểm HĐND địa phương phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. Thực tế trong 24 địa phương được chuyển nguồn có trường hợp địa phương không còn nhu cầu chuyển nguồn.

KTNN xác nhận, quyết toán số bội chi NSNN năm 2021 là 214.105 tỷ đồng, bằng 2,52% GDP thực hiện.

Dư nợ công đến 31/12/2021 là 3.616.484 tỷ đồng tăng 2,72% so với năm 2020, bằng 42,65% so với GDP. Nợ công bình quân đầu người là 36,71 triệu đồng/người (năm 2018 là 31,69 triệu đồng/người; năm 2019 là 33,62 triệu đồng/người; năm 2020 là 35,10 triệu đồng/người).

Qua kiểm toán cho thấy, trong năm 2021 có 03 khoản vay ngân quỹ nhà nước của ngân sách trung ương đến hạn trả nợ nhưng phải gia hạn nợ 198.864 tỷ đồng; một số chỉ tiêu nợ công phản ánh trên các báo cáo tại Kho bạc nhà nước và Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) còn chưa thống nhất.

Thực hiện kiến nghị xử lý tài chính đạt 88,5%

Liên quan đến tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, kết quả kiểm tra trong năm 2022 cho thấy, đến 31/12/2022, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN 22.492,1 tỷ đồng, đạt 88,57%; kiến nghị xử lý khác được thực hiện 33.284,7 tỷ đồng, đạt 80,08%.

Ngoài ra, đến 31/12/2022, các đơn vị được kiểm toán thực hiện thêm 18.248,3 tỷ đồng (trong đó, kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN 6.957,21 tỷ đồng) kiến nghị từ niên độ 2019 trở về trước, bằng 21,4% tổng số kiến nghị chưa thực hiện tính đến 31/12/2021.

Có 50/198 văn bản đã được Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản; có 57/95 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể đã được các đơn vị thực hiện.

Về nguyên nhân chưa thực hiện kiến nghị của KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ, nhóm nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán chiếm 56,65%; nhóm nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của KTNN chiếm 3%; nhóm nguyên nhân thuộc về bên thứ 3 là 18.763,8 tỷ đồng chiếm 23,6%; nhóm nguyên nhân khác chiếm 15,86%; chưa nêu rõ nguyên nhân 698,7 tỷ đồng chiếm 0,87%.

KTNN đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến đối với quyết toán NSNN năm 2021 do Chính phủ trình để báo cáo Quốc hội phê chuẩn: Thu cân đối NSNN 2.387.906 tỷ đồng; chi cân đối NSNN 2.484.491 tỷ đồng; bội chi NSNN 214.105 tỷ đồng, bằng 2,52% GDP thực hiện. Đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát số liệu quyết toán một số khoản chi chuyển nguồn đã được HĐND các địa phương phê chuẩn, báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định của Luật NSNN.

Cùng chuyên mục
Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021