Giãn cách xã hội, không giãn việc
Những ngày này, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội) vắng vẻ khi toàn Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND Thành phố. Song giãn cách không có nghĩa là ngừng giao dịch, mà trái lại, đây là khoảng thời gian cán bộ, nhân viên của Trung tâm phải tăng công suất làm việc gấp đôi so với ngày thường. Lý do là bởi, người dân không thể đến giao dịch trực tiếp vì lệnh giãn cách, nhưng số hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ gửi đến Trung tâm tăng lên, do nhiều trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải nghỉ việc, kéo theo nhu cầu cần giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng cao.
Thay bằng hình thức nhận hồ sơ trực tiếp như trước đây, Trung tâm đã chuyển sang giải quyết online để đảm bảo chấp hành quy định phòng, chống dịch bệnh của Thành phố; đồng thời vẫn đảm bảo giải quyết chính sách cho NLĐ được kịp thời.
Theo ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận được hàng trăm hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, con số lớn hơn gấp nhiều lần so với thời điểm trước khi diễn ra dịch bệnh. “Sau khi tiếp nhận hồ sơ, các bộ phận chức năng sẽ giải quyết nhanh chóng, kịp thời cho NLĐ, bởi hơn bao giờ hết, NLĐ không có thu nhập đang trông chờ từng ngày vào khoản tiền này để duy trì cuộc sống” - ông Thảo cho biết.
Nhiều cơ quan thực hiện chính sách chuyển sang giải quyết hồ sơ online để kịp thời đáp ứng yêu cầu của người dân. Ảnh minh họa: N.LỘC |
Để giải quyết quyền lợi cho NLĐ, ngoài cơ quan thực hiện chính sách, các cơ quan BHXH cũng phải "chạy" hết công suất để giải quyết công việc. Là một trong những địa bàn tập trung đông NLĐ làm việc, Giám đốc BHXH quận Hà Đông Lê Thành Long cho biết, trong điều kiện dịch bệnh, song BHXH quận đã linh hoạt điều chỉnh thời gian, cách thức làm việc để vừa tuân thủ quy định phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo giải quyết chính sách cho NLĐ do cơ quan thực hiện chính sách chuyển sang. Quá trình tiếp nhận, giải quyết chính sách được đơn vị thực hiện khẩn trương, đúng theo quy định của ngành BHXH.
Đây là những minh chứng cho thấy chủ trương nhất quán, bao trùm của Nhà nước khi xây dựng các chính sách an sinh, đó là luôn ở bên NLĐ, dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất.
Không chỉ có chính sách bảo hiểm thất nghiệp, mà các chính sách trong hệ thống an sinh xã hội như chi trả lương hưu, thanh toán bảo hiểm y tế khi người dân khi đi khám, chữa bệnh... cũng được vận hành trơn tru, đảm bảo quyền thụ hưởng chính sách của người dân.
Linh hoạt giải quyết vì quyền lợi của người tham gia
Là một trong những địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp nhất cả nước, với mục tiêu “không để ai ở lại phía sau”, ngay từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều gói an sinh, chăm lo cho các đối tượng chính sách, NLĐ, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch. Trong đó, cơ quan BHXH và các đơn vị chức năng của Thành phố cũng thực hiện nhiều giải pháp, đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng dịch bệnh đến quyền lợi của người dân tham gia các chính sách xã hội.
Đơn cử, để giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ, Thành phố cho biết sẽ linh động giải quyết với trường hợp NLĐ đến thời hạn cuối của 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không thể thực hiện nộp hồ sơ theo đúng thời gian quy định… thì liên hệ đường dây nóng của các điểm tiếp nhận của Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố để được tư vấn hướng dẫn cụ thể. “Cách thức, thủ tục giải quyết chính sách được vận dụng linh hoạt để giúp người dân thụ hưởng chính sách được kịp thời nhất” - ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH Thành phố cho biết.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để công tác chi trả cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm đầy đủ, kịp thời, an toàn, BHXH tỉnh Hưng Yên thực hiện việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tháng 7 và tháng 8/2021 vào cùng một kỳ chi trả.
Người dân đi khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế vẫn được đảm bảo quyền lợi. Ảnh minh họa: N.LỘC |
Còn theo BHXH TP. Hải Phòng, dù ảnh hưởng của dịch bệnh, song việc giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ trên địa bàn vẫn được đảm bảo. Theo đó, 7 tháng đầu năm 2021, BHXH Thành phố đã giải quyết 103.553 hồ sơ hưởng các chế độ BHXH; chi lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng cho 150.936 người; chi trợ cấp ốm đau, thai sản cho 91.177 lượt người; chi trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 61.865 lượt người. Thực hiện giám định và thanh toán cho 1.136.062 lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Còn tại tỉnh Bình Dương, qua rà soát phát hiện còn khoảng 109.000 NLĐ chưa tham gia BHXH đang làm việc trong các DN tại tỉnh gặp khó khăn cần hỗ trợ. Theo Sở Lao động - Thương binh và xã hội Bình Dương, những lao động này không đáp ứng về điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, với tinh thần không để NLĐ bị thiếu đói, Sở đã đề nghị UBND tỉnh Bình Dương bổ sung các đối tượng trên vào nhóm đối tượng được hỗ trợ do tạm dừng công việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người (hưởng 1 lần duy nhất).