Trường nghề giữamuôn trùng khó
Bắt đầu từ năm 2017, gần 2.000 trường nghề công lập được quyền tự quyết về hình thức tuyển sinh. Thế nhưng, làm thế nào để lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh vẫn là bài toán không dễ giải đáp, khi các trường phải cạnh tranh cật lực mà vẫn không thể hút người học. Sự cạnh tranh không chỉ xảy ra giữa các trường nghề với nhau, mà còn với cả trường đại học; trong cuộc cạnh tranh này, trường nghề luôn yếu thế.
Mùa tuyển sinh năm nay cũng không ngoại lệ. Sự yếu thế của các trường nghề thể hiện rõ trong nhiều “sân chơi” nhằm thu hút học sinh, như: ngày hội tư vấn tuyển sinh, các phiên giới thiệu việc làm, tuyển dụng học nghề... Trong khi nhiều trường đại học liên tục tổ chức hoạt động thu hút người học, khối trường nghề lại khá im ắng.
Nhìn lại năm 2018, dù kết quả tuyển sinh nghề đạt 100% chỉ tiêu đề ra nhưng trên thực tế, số lượng người học nghề vẫn quá thấp so với nhu cầu của thị trường lao động; kết quả tuyển sinh có sự chênh lệch lớn giữa các trường nghề. Tại Hội nghị về triển khai nhiệm vụ, giải pháp tuyển sinh, đào tạo nghề năm 2019 diễn ra mới đây, đại diện Tổng cục GDNN (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - LĐ-TB&XH) cho biết, tuyển sinh GDNN nhìn chung còn gặp khó khăn, đặc biệt ở những ngành, nghề nặng nhọc độc hại, ngành nghề năng khiếu. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do ảnh hưởng của tuyển sinh đại học. Cụ thể, phương thức tuyển sinh đại học có nhiều sự thay đổi (nhiều trường chỉ xét học bạ, điểm chuẩn hạ thấp, thời gian tuyển sinh dài) đã tạo điều kiện thu hút học sinh vào học, gây áp lực cho các trường nghề trong công tác tuyển sinh. Hệ quả là nhiều trường nghề tuyển không đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường tuyển sinh được rất ít.
Đó là lý do khách quan, song theo TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN), bản thân trường nghề cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là các trường chưa thực sự năng động, tích cực trong việc đổi mới, tìm kiếm nguồn tuyển sinh cũng như chưa tạo được sức hút với người học. Nếu xã hội chờ mong trường nghề là “vườn ươm” lao động có tay nghề, kỹ năng cho DN và được DN quan tâm, đón nhận sau tốt nghiệp, thì xét về góc độ này, tính kết nối giữa trường nghề và DN chưa cao.
Trường nghề phải tựđổi mới mình
Trên thực tế, những nỗ lực trong công tác tuyển sinh thông qua việc đổi mới các hình thức đào tạo, nội dung chương trình đào tạo của trường nghề là đáng ghi nhận. Điển hình như đối với tuyển sinh hệ trung cấp, chỉ cần từ tốt nghiệp trung học cở sở, học viên có thể lựa chọn học thêm bổ túc văn hóa hoặc chỉ học riêng lĩnh vực nghề (thay vì bắt buộc phải học cả nghề và bổ túc văn hóa như trước). Nếu chọn học nghề và bổ túc văn hóa, học viên tốt nghiệp ra trường sẽ có Chứng chỉ nghề và Bằng Tốt nghiệp bổ túc văn hóa, đủ điều kiện để học liên thông lên cao đẳng, đại học...
Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để trường nghề có thể cạnh tranh với các trường đại học, hay ít nhất là có thể thu hút người học đến với mình. Bởi lẽ, bản thân công tác đào tạo nghề, cơ cấu trình độ đào tạo hiện vẫn còn nhiều bất cập. Với 2,2 triệu người học nghề năm 2018, số người học chủ yếu tập trung vào học trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác (chiếm 75%); còn trình độ trung cấp và cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25%. Điều này phản ánh việc đào tạo một cách bài bản vẫn gặp khó khăn, khi đào tạo nghề vẫn chủ yếu là “ăn xổi”. Chưa kể, chất lượng đào tạo nghề hiện nay chưa thực sự cao, sự năng động của các trường nghề còn hạn chế.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019 của ngành LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, GDNN tiếp tục được xác định là một trong ba khâu đột phá của ngành năm 2019. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, như: tăng chỉ tiêu tuyển sinh, nâng cao tỷ lệ việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp... Bộ sẽ thực hiện các giải pháp phát triển, đổi mới GDNN gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Cùng với việc sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường nghề, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường tư vấn hướng nghiệp; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở GDNN công lập; gắn kết trường nghề với DN.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng, Bộ LĐ-TB&XH đang khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ cơ sở GDNN. Nghị định sẽ mở ra nhiều cơ chế thuận lợi, tạo động lực cho các trường nghề đột phá. “Đối với các trường nghề tự chủ toàn diện đang được thí điểm, nỗi lo tuyển sinh đã giảm bớt rất nhiều, khi các trường luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra” - ông Dũng nêu.
Thực tế, trong bối cảnh trường nghề đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với các loại hình đào tạo khác để thu hút người học, yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề đang được đặt ra bức thiết. Việc đổi mới này không chỉ giải quyết khó khăn trong công tác tuyển sinh mà còn góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 13 ra ngày 28-3-2019