Quang cảnh Hội nghị |
Tuy nhiên số nợ BHXH, BHYT, BHTN vẫn tiếp tục gia tăng. Tính đến hết tháng 02/2019, tổng số nợ BHXH phải tính lãi trong toàn quốc là 6.654 tỷ đồng. So với số nợ tại thời điểm 31/12/3018 đã tăng lên 1.305 tỷ đồng, tăng 2,7% so với số phải thu (cuối năm 2018 là 1,7%). Tình hình nợ gia tăng tại tất cả các tỉnh, thành phố, ở tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có số nợ gia tăng mạnh.
Theo ông Thắng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do còn thiếu các văn bản pháp luật về quản lý và xử lý nợ. Đặc biệt, ý thức chấp hành quy định về đóng BHXH, BHYT, BHTN của DN chưa tốt, một bộ phận DN cố tình chây ỳ. “Nhiều DN hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, vẫn có lợi nhuận, lương, thưởng cho người lao động đầy đủ nhưng vẫn nợ BHXH”- ông Thắng thông tin.
Ông Mai Đức Thắng báo cáo về tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, BHXH Việt Nam cũng đã công khai danh sách 20 DN ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, trong đó, Công ty Cổ phần LILAMA3 đứng đầu danh sách này với số nợ hơn 32 tỷ đồng.
Để giảm thiểu số nợ và bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, ngay từ đầu năm BHXH Việt Nam đã yêu cầu cán bộ chuyên quản thu tại địa phương bám sát DN, nhất là những DN nợ để đôn đốc thường xuyên. Nếu định kỳ 15 ngày mà DN không nộp thì lập biên bản và qua 2 lần lập biên bản phải báo cáo với Giám đốc cơ quan BHXH để thành lập các đoàn thanh tra, xử phạt.
Danh sách 20 DN có số nợ BHXH lớn |
Đồng thời, BHXH đang triển khai ban hành phần mềm thanh tra đột xuất nhằm cảnh báo DN nợ quá 3 tháng mà chưa được thanh tra thì yêu cầu thành lập đoàn thanh tra để đôn đốc. Đồng thời, tiếp tục áp dụng hình thức công khai danh tính các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là biện pháp rất hiệu quả để DN chủ động nộp BHXH.
Đặc biệt, đối với những đơn vị cố tình chây ỳ, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương lập hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự; thường xuyên báo cáo về tình hình nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn để cấp ủy, chính quyền địa phương biết và phối hợp thu nợ...
Ông Mai Đức Thắng cũng cho biết, trong quý I/2019, cơ quan BHXH tại 23 tỉnh, thành đã chuyển hồ sơ của 162 DN nợ BHXH sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự, tuy nhiên đến nay chưa xử được vụ nào. Hiện BHXH Việt Nam đang phối hợp với Tòa án để thống nhất về quy trình xử lý, thành phần hồ sơ…tạo thuận lợi cho việc gửi và thụ lý hồ sơ.
Tin và ảnh: N. HỒNG