Truyền thông chính sách cần được đặt ở vị trí quan trọng trong chỉ đạo, điều hành

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề “Nhận thức - Hành động - Nguồn lực”, chiều 24/11.

9.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Làm truyền thông giỏi phải dựa trên khoa học, có tính nghệ thuật, linh hoạt, sáng tạo, chủ động. Ảnh: Chính phủ

Hội nghị được kết nối đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phải xây dựng được niềm tin của người dân

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách.

Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách. Điều này sẽ gia tăng hiệu quả, hiệu lực của chính sách.

Theo Thủ tướng, thông qua truyền thông, phản ánh của dư luận về một số chính sách không phù hợp, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, tìm hiểu để kịp thời điều chỉnh, tránh gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.

Để làm tốt công tác truyền thông chính sách thì không chỉ có quyết tâm, mà phải có phương pháp, cách làm khoa học và phù hợp với tình hình, điều kiện, bối cảnh từng cơ quan, đơn vị, phù hợp với nội dung chúng ta thực hiện, vừa có tính khoa học, vừa có tính nghệ thuật.

Truyền thông chính sách là một phần quan trọng trong hoạt động truyền thông Nhà nước nói chung và truyền thông Chính phủ nói riêng, bao gồm truyền thông về chính trị, truyền thông về chính sách, truyền thông về nhân sự, truyền thông về tổ chức và các công tác khác khi chúng ta cần có sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.

Truyền thông chính sách là khâu quan trọng trong quá trình ban hành chính sách, như chính sách ban hành phải được quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện, dựa trên nguyên tắc bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Chính phủ xác định công tác truyền thông chính sách có vai trò hết sức quan trọng để thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần giáo dục chính sách pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

“Một trong những mục tiêu của truyền thông phải là xây dựng được niềm tin của người dân” - Thủ tướng nêu rõ. Muốn có niềm tin thì phải nói đi đôi với làm.

Theo Thủ tướng, muốn truyền thông thì phải có chất liệu, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực. Công tác truyền thông chính sách cần được đặt ở vị trí quan trọng trong chỉ đạo, điều hành trong toàn hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Công tác truyền thông chính sách cần được tiến hành khoa học, bài bản. “Làm truyền thông giỏi phải dựa trên khoa học, có tính nghệ thuật, linh hoạt, sáng tạo, chủ động”.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, nặng nề, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển mới, chúng ta vừa phải xử lý các tồn đọng kéo dài nhiều năm, phải ứng phó phù hợp hiệu quả với những vấn đề mới phát sinh. Công tác truyền thông phải làm rõ vấn đề này, để người dân chia sẻ với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp trước những khó khăn, thách thức mà chúng ta phải vượt qua, Thủ tướng nêu yêu cầu.

8.jpg
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới. Ảnh: Chính phủ

Đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về truyền thông chính sách

Thời gian tới, nhiệm vụ được giao rất nặng nề, trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, đòi hỏi công tác truyền thông quán triệt đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan để tổ chức thực hiện tốt.  

Thủ tướng nhấn mạnh: Truyền thông chính sách là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan hành chính, cơ quan báo chí trong việc xây dựng, phổ biến, tổ chức thực hiện và đánh giá tác động để mọi chính sách đến với nhân dân.

Phải làm truyền thông cả trước, trong và sau ban hành chính sách. Tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Phải quán triệt Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Thúc đẩy, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật; đồng thời bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy vai trò tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông trong thực hiện truyền thông chính sách… Gắn công tác truyền thông chính sách với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch.

Khuyến khích sáng tạo, đổi mới nội dung và hình thức truyền thông chính sách, làm sao truyền tải thông tin đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá, dễ đi vào lòng dân, từ đó người dân tự giác thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu, phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, vị trí của công tác truyền thông chính sách, “từ nhận thức thì phải hành động, hành động thì phải nỗ lực, quyết liệt”. Phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về truyền thông chính sách, sát với tình hình thực tiễn, với điều kiện, khả năng, bối cảnh của đất nước.

Cần chủ động cung cấp thông tin trung thực, khách quan. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông chính sách. Không nên chỉ coi truyền thông chính sách là công việc của các cơ quan báo chí, truyền thông.

“Muốn truyền thông mà các Bộ, ngành, địa phương ngại cung cấp thông tin thì lấy chất liệu đâu mà truyền thông” - Thủ tướng lưu ý.

Cần đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới, để giúp Chính phủ xây dựng thành công chính sách, tiếp tục hoàn thiện chính sách, đánh giá chính sách và giám sát việc thực hiện chính sách theo nhiều chiều, khía cạnh khác nhau.

Cho ý kiến đối với một số kiến nghị tại Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì xử lý vấn đề tăng cường đội ngũ truyền thông chính sách tại các Bộ, ngành địa phương. Thủ tướng nhất trí giải quyết vấn đề kinh phí cho công tác này theo hướng đặt hàng.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan, rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách.

Nêu rõ trong công tác truyền thông phải “nghĩ thật, nói thật, làm thật, nhân dân, doanh nghiệp được hưởng thụ thật” thành quả của chúng ta, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu ý kiến đóng góp tại Hội nghị để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác truyền thông chính sách thời gian tới./.

Cùng chuyên mục
Truyền thông chính sách cần được đặt ở vị trí quan trọng trong chỉ đạo, điều hành