Cuộc kiểm toán này là một minh chứng thể hiện cam kết mạnh mẽ của KTNN Việt Nam nói riêng, cộng đồng ASOSAI nói chung trong công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu. Kết quả của cuộc kiểm toán là “lời cảnh tỉnh” đối với toàn xã hội cần cấp thiết giảm thiểu sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sớm chuyển sang sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý chặt việc sản xuất, sử dụng và thải bỏ ra môi trường những túi ni lông khó phân hủy.
Kỳ I: Giảm sử dụng túi ni lông: Mục tiêu rõ ràng, thực hiện gian nan
Nhìn nhận rõ nguy cơ đe dọa môi trường của túi ni lông
Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, khối lượng túi ni lông khó phân hủy bị thải bỏ ra môi trường trên địa bàn Thành phố năm 2008 khoảng 40 tấn/ngày; năm 2012 khoảng 50-70 tấn/ngày và khoảng 228 tấn/ngày năm 2017.
Túi ni lông khó phân hủy là loại túi ni lông thông thường và phổ biến trên thị trường. Với tính tiện dụng, giá bán thấp và mẫu mã đa dạng, túi ni lông đã và đang được sử dụng rộng rãi ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước và hầu hết các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà sách, cửa hàng bán lẻ… phát miễn phí túi ni lông cho người mua hàng. Hơn nữa, túi ni lông mỏng, rẻ tiền nên không được các đơn vị thu gom, tái chế. Trong khi đó, túi ni lông khi bị thải bỏ rất khó phân hủy trong môi trường (thời gian phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên khoảng 200-500 năm), gây ra nhiều tác động tiêu cực về mặt môi trường và kinh tế - xã hội.
Nhận thấy rõ nguy cơ của loại chất thải này, ngay từ cuối năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ: “Đến năm 2015, giảm 40% khối lượng túi ni lông sử dụng tại các siêu thị và trung tâm thương mại so với năm 2010 và tỷ lệ này là 65% vào năm 2020”.
Túi ni lông - hiểm họa gây ô nhiễm môi trường
Thực hiện Chiến lược này, ngày 11/4/2013, Chính phủ đã ban hành Đề án “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020” (Đề án).
Đề án bao gồm 02 mục tiêu:Giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt, cụ thể đến năm 2020 giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và giảm 50% tại các chợ dân sinh so với năm 2010;Tăng cường thu gom, tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy, cụ thể đến năm 2020, thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.
Theo các văn bản pháp luật hiện hành, loại túi ni lông khó phân hủy có hại cho môi trường cần hạn chế sản xuất và sử dụng, là đối tượng chịu thuế BVMT 40.000đ/kg; các túi ni lông thân thiện với môi trường là loại túi có khả năng tự phân hủy sinh học tối thiểu 60% trong thời gian không quá 02 năm hoặc loại túi đáp ứng một số điều kiện khác, là đối tượng không chịu thuế BVMT và được khuyến khích sản xuất, sử dụng…
Kết quả 03 năm TP.HCM thực hiện Đề án của Chính phủ
Nhằm đánh giá việc thực hiện các giải pháp giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy của TP.HCM theo Đề án của Chính phủ, từ ngày 12/9-05/11/2018, KTNN đã thực hiện cuộc kiểm toán hoạt động để đánh giá việc lập kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, công tác quản lý thu thuế BVMT trên túi ni lông, công tác thông tin tuyên truyền, việc khuyến khích sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường trên địa bàn TP.HCM.
Thực hiện Đề án của Chính phủ, TP.HCM đã cụ thể hóa bằng Chỉ thị số 23/2014/CT-UBND ngày 09/9/2014 về tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni lông trên địa bàn, kèm theo đó là các giải pháp và phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Đánh giá về kết quả thực hiện Đề án của Chính phủ từ năm 2014 đến năm 2017, báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM nêu rõ: đối với mục tiêu giảm sử dụng túi ni lông đến năm 2015: các siêu thị đạt mục tiêu giảm 78% so với năm 2010; đối tượng trung tâm thương mại không đạt mục tiêu giảm mà còn tăng 119%; đối tượng chợ dân sinh không đạt mục tiêu giảm mà còn tăng 11,7%. Đối với mục tiêu số 2 (Tăng cường thu gom, tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy), năm 2015, các công ty xử lý chất thải của TP.HCM đã thực hiện thu gom, tái chế khoảng 38 tấn/ngày; năm 2017 tăng lên 98,5 tấn/ngày. Tỷ lệ tái chế năm 2015 khoảng 15% và năm 2017 khoảng 38,5%.
Dự báo được TP.HCM đưa ra là đến năm 2020, đối tượng trung tâm thương mại và chợ dân sinh vẫn không đạt mục tiêu giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy, nhưng mục tiêu thu gom, tái chế 50% tổng lượng chất thải ni lông trong sinh hoạt là có thể đạt được.
QUỲNH ANH