Tự lực tự cường kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế

(BKTO) - Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nỗ lực huy động sức mạnh toàn diện của cả nước để thực hiện kháng chiến, kiến quốc. Trong đó, vấn đề huy động sức mạnh kinh tế được Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Cuộc kháng chiến lâu dài của chúng ta được thắng lợi là do nơi chúng ta động viên kinh tế được thành công, vì chúng ta có biết động viên kinh tế một cách khôn khéo, thực lực của chúng ta mới được đầy đủ và bề

2-.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp ký bản Tạm ước Việt - Pháp, ngày 14/9/1946. Ảnh: ST

Hồ Chủ tịch luôn nhấn mạnh tinh thần độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh trong phát triển, huy động nền kinh tế trong nước, đồng thời, cũng yêu cầu phải thiết lập, phát huy hiệu quả mối quan hệ với kinh tế thế giới để huy động được sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp cách mạng chung cả dân tộc.

Hồ Chủ tịch sớm đưa ra quan điểm mở rộng mối quan hệ kinh tế với thế giới, trong đó có cả chính nước Pháp. Trên Báo Cứu quốc số 74 ra ngày 23/10/1945, đăng bài của Hồ Chủ tịch trả lời các nhà báo về thái độ hiện thời của Chính phủ Việt Nam, Người viết: “Có thể rằng: Chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu, đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia”.

Ngay cả với những nhà tư bản Pháp, Hồ Chủ tịch cũng nêu rõ quan điểm: “Có thể rằng: Những cơ sở mà người Pháp đã bỏ vốn ra gây dựng ở đây từ trước đến giờ, nếu xét ra cần thiết cho nền kinh tế quốc gia Việt Nam, sẽ được chúng ta chuộc lại dần dần. Có thể rằng: Chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác”.

Vào những ngày khẩn trương, bận rộn chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến, Hồ Chủ tịch vẫn hết sức quan tâm đến việc mở rộng quan hệ kinh tế với các nước trên thế giới. Tháng 11/1946, Hồ Chủ tịch có Lời kêu gọi Liên hợp quốc, trong đó nêu rất rõ ràng:

- Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực.

- Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.

- Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường xá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.

- Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.

Trong mối quan hệ kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới, Hồ Chủ tịch thường xuyên, đặc biệt nhấn mạnh và yêu cầu phải thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trước hết, Hồ Chủ tịch yêu cầu phải tuyệt đối đảm bảo giữ vững độc lập chủ quyền của Việt Nam trong quan hệ kinh tế với các nước. Trong bài đăng Báo Cứu quốc số 74 ra ngày 23/10/1945, đã dẫn ở trên, Hồ Chủ tịch khẳng định rằng, Việt Nam chỉ có thể làm những việc liên quan đến quan hệ kinh tế với các nước, với điều kiện: “Nhưng phải nhắc lại rằng, điều kiện chính vẫn là họ phải thừa nhận nền độc lập của xứ này.

Nếu không vậy, thì không thể nói chuyện gì được cả”. Người luôn có sự nhìn nhận, đánh giá rất khách quan, chính xác về mối quan hệ kinh tế hữu nghị giữa Việt Nam với các nước anh em, bè bạn cũng như thực chất mối quan hệ làm ăn, “viện trợ”, “giúp nhau” của các nước đế quốc. Tháng 7/1955, Báo cáo về việc đoàn đại biểu của Chính phủ ta đi thăm một số nước xã hội chủ nghĩa trở về, Hồ Chủ tịch cho biết: “Các nước bạn đã giúp ta tiền bạc và vật liệu, lại còn phái những nhà chuyên môn giúp ta về việc xây dựng kinh tế, văn hóa xã hội; còn giúp đào tạo cán bộ cho ta” và “Các nước bạn giúp ta một cách vô tư, khẳng khái.

Ta không phải trả lại những khoản giúp ấy. Đó là sự giúp đỡ không có điều kiện. Các nước bạn ra sức giúp ta, đồng thời tuyệt đối tôn trọng chủ quyền của ta. Khác hẳn với “viện trợ” của các nước đế quốc “Giúp một để lột mười”, “giúp” để nô dịch”.

Hồ Chủ tịch cũng khẳng định tinh thần tôn trọng, giữ chữ tín của Việt Nam với những người, những nước có quan hệ kinh tế. Tháng 10/1945, trong Thư gửi những người Pháp ở Đông Dương đăng trên Báo Cứu quốc, Người viết: “Tôi trịnh trọng cam đoan rằng những người Pháp làm ăn lương thiện và sống yên ổn sẽ mãi mãi được chúng tôi trọng đãi như bè bạn, như anh em. Chúng tôi là một dân tộc ưa hòa bình, trọng quyền lợi và tự do của người khác”.

Hồ Chủ tịch luôn chú trọng đến vấn đề độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh trong quan hệ kinh tế với các nước, xác định đó là nhân tố cơ bản, nguồn nội lực chính, sức mạnh nội sinh quyết định thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Tháng 7/1955, Người nhắc nhở: “Cũng như trong thời kỳ kháng chiến, phương châm của ta hiện nay là: Tự lực cánh sinh là chính, việc các nước bạn giúp ta là phụ. Các nước bạn giúp ta cũng như thêm vốn cho ta. Ta phải khéo dùng cái vốn ấy để bồi bổ lực lượng của ta, phát triển khả năng của ta.

Song nhân dân và cán bộ ta tuyệt đối chớ vì bạn ta giúp nhiều mà đâm ra ỷ lại. Trái lại, chúng ta phải học tinh thần tự lập tự cường, tinh thần hăng hái thi đua sản xuất và tiết kiệm của nhân dân các nước bạn”.

Cùng với tư tưởng đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, Hồ Chủ tịch còn gương mẫu trực tiếp có những việc làm rất thiết thực, hiệu quả có ý nghĩa sâu sắc trong thực hiện quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các nước. Qua các chuyến đi thăm các nước trên thế giới, những kinh nghiệm, cách làm hay, các tập thể, cá nhân sản xuất, kinh doanh tốt ở các nước đã được Hồ Chủ tịch trực tiếp viết bài trên các báo, nói chuyện, gửi thư… để phổ biến sâu rộng ở Việt Nam. Hồ Chủ tịch rất chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ nhân tài cho đất nước, chủ trương cử người đi học tập ở các nước.

Ngày 01/11/1945, trên cương vị là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Giêm Biếcnơ, Hồ Chủ tịch đề nghị “được gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”.

Hồ Chủ tịch còn quan tâm đến việc huy động sức mạnh của bà con Việt kiều đóng góp vào việc xây dựng quê hương. Trong Thư gửi một Việt kiều báo tin nước nhà đã độc lập vào tháng 9/1945, Người viết: “Mong rằng ở chốn xa xôi, ông vẫn luôn nhớ đến Tổ quốc và gắng sức làm việc ích lợi cho nhân dân”.

Với sự vận động, kêu gọi của Hồ Chủ tịch và bằng uy tín của Người, đã có nhiều trí thức, doanh nhân… là Việt kiều tích cực đóng góp tài năng, trí tuệ, công sức vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã quán triệt, vận dụng hiệu quả những tư tưởng, lời dạy, việc làm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ cách mạng, nhất là trong giai đoạn đổi mới vừa qua.

Nhờ vậy, Việt Nam đã thu được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực này, đúng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Hội nhập kinh tế quốc tế phát triển sâu, rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới; xuất, nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đất nước”.

Đó là niềm tự hào, là cơ sở, niềm tin và động lực to lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế”./.

Cùng chuyên mục
Tự lực tự cường kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế