Tuyên Quang giải ngân vốn đầu tư công đạt 41,46%

(BKT) - Kho bạc Nhà nước Tuyên Quang cho biết, đến hết ngày 21/11/2023, giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Tuyên Quang đạt 2.883.544/6.954.567 triệu đồng, đạt 41,46% kế hoạch.

tq-2411.jpg
Tuyến trục phát triển đô thị mới phường Tân Hà, Thành phố Tuyên Quang. Ảnh: baotuyenquang

Toàn tỉnh có 24 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của tỉnh; 13 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung.

Các đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30% kế hoạch, gồm: Sở Thông tin và Truyền thông đạt 26,79%; Sở Xây dựng đạt 5,3%; Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật – Công nghệ Tuyên Quang đạt 4,94%; Thành phố Tuyên Quang đạt 27,16%; Huyện Hàm Yên đạt 20,98%.

Báo cáo Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tuyên Quang nêu rõ, từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách về đất đai, tài nguyên, vật liệu xây dựng, điều chỉnh kế hoạch vốn, tạm ứng vốn.

Tuy nhiên, đến nay tiến độ thi công một số công trình, dự án vẫn còn chậm; tỷ lệ giải ngân chậm do vướng mắc liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu các chủ đầu tư phải quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án, vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó; chủ động giải quyết công việc theo nhiệm vụ, thẩm quyền, đồng thời phải có báo cáo đánh giá tiến độ thực hiện từng ngày để đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị “3 ca, 4 kíp” thi công, đi đôi với đó là phải đảm bảo chất lượng công trình; tập trung cao độ giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, xử lý nghiêm các vi phạm.

Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024 tỉnh Tuyên Quang dự kiến phân bổ hơn 1.932 tỷ đồng, gồm: chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước; đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn thu xổ số kiến thiết; bổ sung từ nguồn thu ngân sách, nguồn tiết kiệm chi thường xuyên cần thực hiện theo Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Những công trình chưa có trong kế hoạch vốn trung hạn, chưa có chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt dự án thì chưa bố trí vốn.

UBND các huyện, thành phố phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trên địa bàn, hoàn thiện hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất; giám đốc các sở, ngành, các chủ đầu tư đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, tháo gỡ vướng mắc để đưa các dự án vào sản xuất./.

Đến hết tháng 11, thu nội địa trên địa bàn Tuyên Quang đạt 2.457,8 tỷ đồng, đạt 84,2% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 77,8% dự toán UBND tỉnh giao. Ước thu năm 2023 là 3.160,4 tỷ đồng, đạt 108,2% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 100% dự toán UBND tỉnh giao, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Cùng chuyên mục
Tuyên Quang giải ngân vốn đầu tư công đạt 41,46%