Tuyên truyền Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước cho các đơn vị được kiểm toán

(BKTO) - Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (KTNN), chiều 29/11, tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Vụ Pháp chế phối hợp với KTNN khu vực XII tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh cho các đơn vị được kiểm toán trên địa bàn các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông.

bang.jpg
Ông Phan Văn Bảng - Chánh Văn phòng KTNN khu vực XII khai mạc Hội nghị. Ảnh: QUANG TRUNG

Tham dự Hội nghị có: ông Trương Văn Đạt - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai; ông Nguyễn Ngọc Sâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum và đại diện lãnh đạo các Ban, Sở, ngành của các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phan Văn Bảng - Chánh Văn phòng KTNN khu vực XII cho biết: Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/02/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2023.

Việc kịp thời tuyên truyền, phổ biến những quy định của Pháp lệnh tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy tốt vai trò của Pháp lệnh trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN, tăng cường công tác phối hợp giữa KTNN với HĐND các cấp và các đơn vị được kiểm toán.

Tại Hội nghị, TS. Vũ Thanh Hải - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV đã phổ biến, tuyên truyền về sự cần thiết phải ban hành và những nội dung cơ bản của Pháp lệnh.

Theo đó, Pháp lệnh gồm 5 chương, 21 điều, quy định cụ thể về: đối tượng, hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; điều khoản thi hành.

Pháp lệnh quy định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là những chủ thể có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của Luật KTNN.

Các hành vi bao gồm: Vi phạm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm; vi phạm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán; vi phạm quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động KTNN.

Bên cạnh đó, Pháp lệnh đã quy định 07 điều (từ Điều 8 đến Điều 14) tương ứng với 07 nhóm hành vi vi phạm (là các hành vi phổ biến, xảy ra thường xuyên trên thực tế) tương ứng với đó là hình thức, mức phạt tiền và các biện pháp khắc phục hậu quả.

Cụ thể là: Hành vi vi phạm các quy định về gửi báo cáo định kỳ (Điều 8); Hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán (Điều 9); Hành vi vi phạm quy định về trả lời và giải trình liên quan đến nội dung kiểm toán (Điều 10); Hành vi không ký biên bản kiểm toán, không chấp hành quyết định kiểm toán (Điều 11); Hành vi mua chuộc, hối lộ thành viên Đoàn kiểm toán, cản trở công việc của KTNN (Điều 12); Hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán (Điều 13); Hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN (Điều 14).

tc3011-2-.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: QUANG TRUNG

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính, bao gồm: phạt cảnh cáo; phạt tiền. Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN của cá nhân là 50 triệu đồng; của tổ chức là 100 triệu đồng.

Căn cứ quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và để phù hợp với đặc thù hoạt động KTNN, Pháp lệnh quy định 2 biện pháp khắc phục hậu quả gồm: buộc cải chính thông tin, tài liệu, dữ liệu có nội dung sai lệch, không chính xác hoặc không trung thực; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp (nếu có) do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, Pháp lệnh quy định, người có thẩm quyền lập biên bản bao gồm: Kiểm toán viên nhà nước; Tổ trưởng Tổ kiểm toán; Phó trưởng Đoàn kiểm toán; Trưởng đoàn kiểm toán; Kiểm toán trưởng. Đồng thời, quy định thẩm quyền của Trưởng đoàn kiểm toán và Kiểm toán trưởng trong việc xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, Pháp lệnh cũng quy định thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

Cùng chuyên mục
  • Tiểu dự án TP. Vĩnh Long: Nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ, mục tiêu và hiệu quả đầu tư
    5 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Kiểm toán Tiểu dự án TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long (Dự án), thuộc Dự án mở rộng, nâng cấp đô thị Việt Nam, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đánh giá, việc chậm tiến độ triển khai Dự án, lập kế hoạch vốn chưa phù hợp với khả năng thực hiện cùng với những hạn chế, sai sót trong các khâu thực hiện nếu không được xử lý, khắc phục kịp thời sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ, mục tiêu và hiệu quả đầu tư Dự án.
  • Phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn
    5 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Qua hơn 10 năm thực hiện Quy chế phối hợp, ngày 28/11/2023, Kiểm toán nhà nước (KTNN) và Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị sơ kết và ký Quy chế phối hợp trong giai đoạn tới. Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn mong muốn, Quy chế sẽ đưa công tác phối hợp vươn lên một tầm cao mới, chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.
  • Chia sẻ kinh nghiệm về các sai sót thường gặp khi kiểm toán doanh nghiệp
    5 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Sáng 29/11, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành VI chủ trì, phối hợp với KTNN chuyên ngành Ia, Ib, KTNN khu vực I và IV tổ chức Tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán về các sai sót thường gặp trong hoạt động kiểm toán lĩnh vực kiểm toán doanh nghiệp (DN).
  • Phát huy tính tiên phong, xung kích của tuổi trẻ
    5 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Chiều 27/11, Chi đoàn thanh niên Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực VII đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai chương trình công tác năm 2024 tại trụ sở đơn vị.
  • Nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật của Kiểm toán nhà nước
    5 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Nhấn mạnh việc hiểu rõ, đầy đủ các quy định trong văn bản pháp luật của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, cũng như xây dựng hình ảnh KTNN, báo cáo viên đề nghị công chức, viên chức, người lao động nghiêm túc khi tiếp cận các vấn đề này.
Tuyên truyền Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước cho các đơn vị được kiểm toán