Phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn

(BKTO) - Qua hơn 10 năm thực hiện Quy chế phối hợp, ngày 28/11/2023, Kiểm toán nhà nước (KTNN) và Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị sơ kết và ký Quy chế phối hợp trong giai đoạn tới. Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn mong muốn, Quy chế sẽ đưa công tác phối hợp vươn lên một tầm cao mới, chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.

1(2).jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán nhà nước” cho các cá nhân thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc. Ảnh: N.LỘC

Nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan

Theo báo cáo đánh giá của KTNN khu vực I, sau khi Quy chế phối hợp được ký kết, KTNN và HĐND, UBND các tỉnh, thành phố đã tích cực, nghiêm túc triển khai thực hiện. Các nội dung phối hợp đều thiết thực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Công tác phối hợp khá chặt chẽ, đi vào thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi bên.

Hằng năm, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã tư vấn và giúp HĐND tỉnh, thành phố hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách. Những thông tin, dữ liệu trao đổi giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố đã có tác dụng tích cực, giúp cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng tiền và tài sản nhà nước. Nhờ sự phối hợp tích cực và hiệu quả, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động KTNN khu vực I, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố đã góp phần giúp KTNN hoàn thành tốt kế hoạch kiểm toán hằng năm được Quốc hội giao.

Nhìn lại quá trình phối hợp với KTNN từ năm 2012 đến nay, lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết, Thành phố đã chỉ đạo, giao 1 sở chủ trì làm đầu mối và chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện về nhân lực, địa điểm, thời gian, cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin, tài liệu theo đề nghị của KTNN để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm toán. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị giải trình đầy đủ, kịp thời các vấn đề do KTNN yêu cầu; cũng như chủ động kiến nghị, giải trình các nội dung còn chưa thống nhất, làm rõ các nội dung bất cập giữa cơ chế chính sách và thực tế triển khai tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm toán và tính khả thi của kiến nghị kiểm toán.

Ông Ngô Tân Phượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - cũng bày tỏ, hằng năm, ngoài việc tư vấn cho địa phương hoàn thiện công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách, hoạt động của KTNN còn tích cực giúp cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng địa phương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

Còn theo lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, công tác kiểm toán của KTNN không chỉ giúp địa phương chấn chỉnh hoạt động quản lý tiền và tài sản nhà nước, sử dụng có hiệu quả nguồn lực, đặc biệt hơn, thông qua các cuộc kiểm toán chuyên đề, trong đó có các chuyên đề gắn với những vấn đề nóng, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường… đã giúp địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong từng lĩnh vực.

6.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị. Ảnh: N.LỘC

Tiếp tục cải thiện hiệu lực, hiệu quả phối hợp

Quyết tâm thực hiện và nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực phối hợp công tác trong thời gian tới là mong muốn của lãnh đạo KTNN, cũng như lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố khi tiếp tục ký kết Quy chế phối hợp công tác. Bởi việc thực hiện tốt Quy chế sẽ góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phát hiện kịp thời và phòng ngừa từ xa các biểu hiện vi phạm pháp luật; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và trong phối hợp kiểm soát chất lượng kiểm toán, theo dõi, thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

KTNN và các địa phương đều cho rằng, lĩnh vực phối hợp cần chú trọng gồm: Lập và giao dự toán và quyết toán ngân sách địa phương; cung cấp kịp thời các thông tin về kế hoạch kiểm toán, chương trình, kế hoạch thanh tra, giám sát; thông tin về kết quả kiểm toán, kết quả thanh tra của UBND, giám sát của HĐND tỉnh có liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách. Tổ chức họp giao ban định kỳ giữa KTNN với địa phương để trao đổi, thảo luận, rút kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, giám sát ngân sách và tài sản nhà nước tại địa phương.

Các địa phương đề xuất, để cải thiện hiệu quả phối hợp, KTNN cần thông báo kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là các vấn đề có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của HĐND tỉnh, thành phố trong công tác quyết định và giám sát để Thường trực HĐND chỉ đạo các Ban, các đại biểu HĐND tăng cường công tác giám sát. “KTNN và Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình cần tiếp tục phối hợp trong quá trình kiểm toán, thường xuyên trao đổi về tiến độ kiểm toán, những vướng mắc phát sinh để kịp thời phối hợp xử lý” - lãnh đạo tỉnh Hòa Bình góp ý. Để hoạt động của từng cơ quan phát huy hiệu quả tối đa, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa KTNN với HĐND các tỉnh, thành phố trong hoạt động hỗ trợ và cung cấp thông tin cho nhau - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nêu ý kiến.

Định kỳ 2 năm một lần, KTNN cần tổ chức sơ kết nhằm đánh giá hoạt động phối hợp giữa các bên, đề xuất các giải pháp khắc phục hạn chế để việc phối hợp thực sự đi vào chiều sâu, hiệu quả; cũng như điều chỉnh, bổ sung một số nội dung phối hợp cho phù hợp với thực tế. Ngoài ra, theo chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Hà Nam, thời gian qua, KTNN đã hỗ trợ địa phương trong việc bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức về tài chính, ngân sách cho các đại biểu dân cử. Vì vậy, một số địa phương cũng bày tỏ mong muốn KTNN quan tâm hơn nữa đến công tác này, giúp củng cố kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho các cơ quan chuyên môn của địa phương./.

Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã yêu cầu KTNN khu vực I phải làm tốt 4 nội dung:

- Nâng cao hiệu quả góp ý xây dựng dự toán ngân sách nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương;

- Nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và các dự án quan trọng trên địa bàn;

- Tuân thủ quy định của Ngành về chất lượng và đạo đức công vụ;

- Tuân thủ quy định pháp luật và các quy định, chuẩn mực kiểm toán của KTNN.

Và đề nghị các địa phương phối hợp tốt với KTNN trong thực hiện 6 nhiệm vụ:

- Xây dựng kế hoạch kiểm toán;

- Thực hiện kế hoạch kiểm toán;

- Giám sát hoạt động của các đoàn kiểm toán, giúp giữ vững đạo đức công vụ, ngăn chặn tiêu cực, nhũng nhiễu;

- Thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán;

- Phối hợp xử lý tin tố giác tham nhũng, tiêu cực;

- Đào tạo kiến thức về tài chính, ngân sách cho cán bộ dân cử.

Cùng chuyên mục
Phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn