Nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật của Kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Nhấn mạnh việc hiểu rõ, đầy đủ các quy định trong văn bản pháp luật của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, cũng như xây dựng hình ảnh KTNN, báo cáo viên đề nghị công chức, viên chức, người lao động nghiêm túc khi tiếp cận các vấn đề này.

20231127_094504(1).jpg
Báo cáo viên Đỗ Thị Lan Hương phổ biến quy định một số văn bản tại Hội nghị. Ảnh: N.Lộc

Sáng 27/11, tại Hà Nội, Vụ Pháp chế tổ chức Hội nghị tuyên truyền các văn bản pháp luật của KTNN cho lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động một số đơn vị trong Ngành: Văn phòng Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Đoàn thể; các đơn vị tham mưu và đơn vị sự nghiệp. 

Tại Hội nghị, các công chức, viên chức, người lao động tham dự đã được nghe phổ biến, trao đổi, giải đáp các vấn đề liên quan đến: Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN (Pháp lệnh); Hướng dẫn về việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Quyết định số 09/2023/QĐ-KTNN của Tổng Kiểm toán nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của một số văn bản quy phạm pháp luật do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành; Quy định khiếu nại, kiến nghị và khởi kiện trong hoạt động kiểm toán nhà nước.

Hiểu rõ về Pháp lệnh

Tại Hội nghị, báo cáo viên Đỗ Thị Lan Hương - Trưởng phòng, Phòng Pháp luật, Vụ Pháp chế - đã phổ biến, tuyên truyền về sự cần thiết phải ban hành và những nội dung cơ bản của Pháp lệnh, góp phần triển khai thi hành Pháp lệnh kịp thời, đưa tác động của Pháp lệnh đến xã hội.

Theo báo cáo viên, trên cơ sở Pháp lệnh, ngày 02/6/2023, KTNN ban hành Quyết định số 811/QĐ-KTNN hướng dẫn về thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, góp phần tạo thuận lợi cho quá trình đưa Pháp lệnh vào cuộc sống.

Trong đó, hoạt động tuyên truyền pháp lệnh được đánh giá có ý rất quan trọng và đã được KTNN xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch công tác năm 2023 của KTNN.

Giới thiệu về Pháp lệnh, báo cáo viên cũng lưu ý đối với thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Trong đó, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN quy định tại Điều 16 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 bao gồm: Trưởng đoàn kiểm toán; Kiểm toán trưởng.

Đối với thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN được mở rộng đến: Kiểm toán viên nhà nước; Tổ trưởng tổ kiểm toán; Phó trưởng đoàn kiểm toán; Trưởng đoàn kiểm toán; Kiểm toán trưởng...

“Hướng dẫn đã thể hiện tương đối cụ thể, chi tiết các yêu cầu, nội dung để đưa Pháp lệnh vào vào cuộc sống thuận lợi” - bà Hương cho biết.

Tránh rắc rối về pháp lý trong trả lời kiến nghị, khiếu nại

Một trong những quy định mới được luật hóa, có ảnh hưởng lớn đến cả đơn vị kiểm toán và đối tượng kiểm toán, đó là đối tượng kiểm toán có quyền khiếu nại, kiến nghị và khởi kiện trong hoạt động KTNN. 

Nhằm đưa quy định vào cuộc sống, ngày 06/7/2023, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký Quyết định số 10/2023/QĐ-KTNN về việc ban hành Quy định khiếu nại, kiến nghị và khởi kiện trong hoạt động KTNN.

20231127_090547.jpg
Công chức, viên chức, người lao động các đơn vị tham dự Hội nghị. Ảnh: N.Lộc

Thông tin cụ thể về từng trường hợp liên quan đến quyền khiếu nại, kiến nghị và thực hiện quyền khởi kiện, báo cáo viên lưu ý, việc ban hành các quy định này nhằm đảm bảo trách nhiệm của các đơn vị được kiểm toán, tính minh bạch trong hoạt động kiểm toán, nhưng đồng thời cũng gia tăng áp lực cho đơn vị kiểm toán. 

Do đó, "kiểm toán viên phải thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tránh bị rơi vào trường hợp trong Quy định khiếu nại, kiến nghị và khởi kiện trong hoạt động KTNN” - báo cáo viên cho biết.

Bên cạnh đó, khi rơi vào trường hợp này, các đơn vị, cá nhân có liên quan cần phải nghiên cứu kỹ, hiểu rõ các quy định, trình tự, thủ tục theo Quy định khiếu nại, kiến nghị và khởi kiện trong hoạt động KTNN để có tham mưu hướng giải quyết phù hợp, tránh các rắc rối về pháp lý đối với đơn vị được kiểm toán.

Thận trọng trong kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

Cùng với Pháp lệnh, một trong những văn bản được KTNN đặc biệt quan tâm tuyên truyền, phổ biến, đó là Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được ban hành kèm theo Quyết định số 07/2023/QĐ-KTNN ngày 16/5/2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Theo đại diện Vụ Pháp chế, đây là Quy trình kiểm toán được thực hiện tương đối đặc biệt, không theo thông lệ xây dựng văn bản chung của Ngành.

Thông tin thêm về vấn đề này, Phó Trưởng phòng, Phòng Pháp luật (Vụ Pháp chế) Lê Thị Huyền cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Tố tụng hình sự; đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2019 quy định về trách nhiệm của Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc việc xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng qua kiểm toán.

Do đó, để triển khai thực hiện các luật trên, tạo cơ sở pháp lý và hướng dẫn thực hiện kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật, việc xây dựng Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là cần thiết - Báo cáo viên cho biết.

“Về cơ bản, các bước trong quy trình kiểm toán này được quy định rất rõ, riêng biệt, thể hiện sự thận trọng của Ngành khi tiếp cận vấn đề này” - bà Huyền cho biết. 

Cùng chuyên mục
Nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật của Kiểm toán nhà nước