Tỷ giá đang chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố nào?

(BKTO) - Từ sau dịp Tết Nguyên đán 2024, tỷ giá đã có những biến động đáng kể. Theo các chuyên gia, tỷ giá đang chịu tác động bởi một số yếu tố…

ty-gia.jpg
Biến động tỷ giá chịu tác động bởi cả yếu tố trong nước và quốc tế. Ảnh minh họa

Diễn biến thị trường cho thấy, tỷ giá USD/VND đã tăng mạnh kể từ sau dịp Tết Nguyên đán 2024. Đặc biệt, trong chưa đầy 2 tuần qua, giá USD tại các nhà băng đã tăng khoảng 280 - 300 đồng/USD và hiện chỉ cách đỉnh lịch sử khoảng 30 - 50 đồng.

Tính chung từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 400 - 450 đồng ở cả hai chiều giao dịch, tương đương 1,8%. Trên thị trường liên ngân hàng, mức biến động tỷ giá khoảng 1,5% kể từ đầu năm.

Nhiều yếu tố tác động đến tỷ giá

Theo giới phân tích chứng khoán và các chuyên gia, biến động tỷ giá chịu tác động bởi cả yếu tố trong nước và quốc tế. Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, tỷ giá đang chịu sự chi phối từ diễn biến của DXY (chỉ số đo lường sức mạnh của đồng USD so với 6 loại tiền tệ khác) và đường lối điều hành của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Phân tích sâu hơn về yếu tố này, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, Fed có thể không sớm hạ lãi suất như dự kiến hồi đầu năm nay. Do vậy, lãi suất USD dự kiến ở mức cao cho tới giữa năm và mức cắt giảm cũng không còn quá mạnh như các dự báo lạc quan trước đây khi sự tăng giá của hàng hóa gây áp lực đến lạm phát tại Mỹ. Điều này sẽ khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD kéo dài.

Cùng quan điểm, PGS,TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - phân tích: Kỳ vọng Fed giảm lãi suất khiến đồng USD yếu đi và giá vàng tăng. Tuy nhiên, ngay trước Tết Nguyên đán, giá vàng đã đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay, nhưng do lạm phát vẫn còn cao nên Fed phát đi thông điệp sẽ không giảm lãi suất ít nhất cho đến tháng 6 năm nay. Thông tin này làm cho giá vàng thế giới có xu hướng giảm xuống, đồng USD tiếp tục mạnh lên, gây áp lực lên tỷ giá.

Bên cạnh đó, theo PGS,TS. Nguyễn Hữu Huân, cuối năm, tỷ giá ổn định do lượng kiều hối cuối năm dồi dào. Tuy nhiên, đầu năm, lượng kiều hối không còn nhiều, điều này phần nào ảnh hưởng đến cán cân tỷ giá.

Còn theo PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính, nhu cầu đi lại giữa Việt Nam và các quốc gia khác tăng lên dịp đầu năm. Người dân khi đi ra nước ngoài có nhu cầu mua bán bằng đồng USD phi chính thức, điều này thúc đẩy hoạt động mua bán đồng USD và nhu cầu ngoại tệ tăng theo dẫn đến tỷ giá tăng những ngày qua. 

Một yếu tố khác tác động tới tỷ giá là hoạt động xuất nhập khẩu. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng, nếu nhập khẩu nhiều thì nhu cầu mua ngoại tệ để thanh toán hàng nhập khẩu tăng lên, từ đó tỷ giá cũng tăng theo.

Dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê, ông Hiếu nhận định, tình hình nhập khẩu trong tháng 01/2024 tăng lên, việc này cũng làm tăng nhu cầu mua ngoại tệ, từ đó đẩy tỷ giá tăng. Bên cạnh đó, yếu tố đầu cơ ngoại tệ cũng góp phần làm tăng tỷ giá.

Tỷ giá sẽ diễn biến ra sao sau đợt tăng mạnh?

Nhận định về tỷ giá trong thời gian tới, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ giá sẽ tiếp tục biến động, nếu tăng thì sẽ tăng khoảng 3%. Tuy nhiên, theo TS. Hiếu, nếu Fed giảm lãi suất thì giá trị đồng USD sẽ giảm, kéo tỷ giá xuống. Tỷ giá có thể chững lại hoặc giảm trong nửa cuối năm 2024 và quân bình với tỷ giá tăng mạnh hiện nay.

Trong khi đó, PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh lại nhận định mặc dù tỷ giá những ngày qua có xu hướng tăng mạnh do chịu tác động bởi nhiều yếu tố nhưng sẽ ổn định trở lại. Trong nửa đầu năm 2024, tỷ giá về cơ bản sẽ vẫn giữ mức ổn định. Giá trị đồng USD vẫn sẽ ở mức như hiện nay, thậm chí có thời điểm sẽ xuống giá do Fed có thể sẽ hạ lãi suất trong thời gian tới. Đồng USD sẽ giảm giá so với các đồng tiền khác trong một thời gian ngắn trước khi hồi phục trở lại.

Báo cáo gần đây của UOB một lần nữa tiếp tục đánh giá tích cực về các yếu tố vĩ mô và các cân đối lớn của Việt Nam, trong đó có sự ổn định của tỷ giá USD/VND. Dẫn dữ liệu từ báo cáo này, ông Đinh Đức Quang - Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam - dự báo tỷ giá USD sẽ ổn định mức 23.500 - 24.500 VND/USD trong năm 2024.

Bà Bùi Thị Quỳnh Nga - Chuyên gia Công ty PHS cũng dự đoán tỷ giá USD/VND có thể tăng lên quanh vùng 24.750 VND/USD (tương ứng với mức tăng 2% so với đầu năm - không đổi so với dự báo trước đây của PHS). Xác suất để tỷ giá có thể vượt đỉnh cũ (24.875 VND/USD) là khá thấp và Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có đầy đủ các công cụ để kiểm soát tỷ giá trong bối cảnh hiện tại.

Năm 2023, chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước rất phù hợp và linh hoạt, đảm bảo thực hiện mục tiêu quan trọng nhất là kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng.

Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục là định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2024.

Mặc dù tỷ giá được dự báo là sẽ không có biến động quá lớn trong năm 2024 nhưng nó sẽ vẫn chịu tác động của một số yếu tố. Theo Công ty Chứng khoán KBSV, chênh lệch lãi suất USD và VND và rủi ro tăng giá của DXY vẫn sẽ là hai yếu tố gây áp lực lên tỷ giá, đặc biệt khi rủi ro địa chính trị vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Công ty này dự báo, tỷ giá tăng 1,5% trong năm nay, đạt mức 24.600 USD/VND./.

Cùng chuyên mục
Tỷ giá đang chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố nào?