Tổng Giám đốcPetrovietnam Lê Mạnh Hùng kiểm tra tiến độ hạng mục dây chuyền băng tải than tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: PVN |
Nộp ngân sách Nhà nước vượt 63% kế hoạch
Theo chia sẻ lãnh đạo Tập đoàn, Petrovietnam đã nỗ lực thúc đẩy các giải pháp kỹ thuật, gia tăng sản lượng trong điều kiện cho phép. Khai thác dầu thô tháng 3 đạt 0,95 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch tháng 3, tính chung quý I đạt 2,74 triệu tấn, vượt 25% kế hoạch quý I và bằng 31% kế hoạch năm 2022, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021.
Đây là nỗ lực rất lớn của Petrovietnam trước đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí hiện hữu sau thời gian dài khai thác và việc đầu tư phát triển mỏ mới gặp nhiều vướng mắc về cơ chế; ảnh hưởng của xung đột chính trị đến công tác triển khai các giải pháp tăng thu hồi, gia tăng sản lượng khai thác của các đơn vị trong Tập đoàn - Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết.
Cùng với đó, sản lượng xăng dầu, đạm và các sản phẩm khác vượt kế hoạch đề ra. Sản lượng khí, điện luôn đảm bảo cung ứng tối đa cho nhu cầu thị trường. Trong quý I, Petrovietnam cung cấp 1,4 tỷ m3 khí cho sản xuất điện, vượt 16,6% so với kế hoạch được giao (1,2 tỷ m3).
Với nỗ lực cao trên các mặt hoạt động, trong quý I/2022, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 197,12 nghìn tỷ đồng, vượt 46% kế hoạch quý, tăng 49% so với cùng kỳ 2021. Đáng chú ý, nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 29,31 nghìn tỷ đồng, vượt 63% kế hoạch quý, tăng 29% so với cùng kỳ 2021. Như vậy, phần đóng góp của Petrovietnam chiếm khoảng 7,7% tổng thu ngân sách Nhà nước trong quý I.
“So với các công ty dầu khí lớn ở Đông Nam Á, biên lợi nhuận của Petrovietnam đứng thứ 2, chỉ sau Petronas; mức độ xếp hạng về quản trị, tín nhiệm đứng thứ 3. Kết quả này khẳng định sự nỗ lực của toàn Tập đoàn sau một thời gian dài kiên trì các giải pháp hướng đến phát triển bền vững” - lãnh đạo Petrovietnam chia sẻ.
Nỗ lực đóng góp cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn
Bên cạnh kết quả sản xuất, kinh doanh tích cực, công tác triển khai các dự án điện trong Tập đoàn cũng có nhiều điểm sáng, với những bước chuyển biến lớn, đạt kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã thành công đốt lửa lần đầu bằng dầu Tổ máy số 1 vào ngày 23/02/2022. Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 đã hoàn thành chạy thử nghiệm - đáp ứng đúng yêu cầu/quy định của A0, hiện Nhà máy đã sẵn sàng vận hành thương mại cả 02 tổ máy. Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 đã ký hợp đồng EPC vào ngày 14/3/2022.
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng, giá dầu tăng đã hỗ trợ thuận lợi cho hoạt động của các đơn vị thuộc lĩnh vực thăm dò, khai thác của Tập đoàn, nhưng đây cũng là nguyên nhân tăng giá nguyên liệu đầu vào cho các đơn vị thuộc khâu trung và hạ nguồn. Cùng với đó, tình hình địa chính trị, các lệnh cấm vận trong thời gian gần đây có những tác động trực tiếp không nhỏ đến các hoạt động của các đơn vị có liên quan trong Tập đoàn như: công tác mua sắm vật tư thiết bị, logistic, đổi ca, lựa chọn đối tác, nhà thầu… các vấn đề thương mại, tài chính, tiền tệ, chi phí tăng cao, nhiều rủi ro.
Mỏ Tê Giác Trắng. Ảnh: PVN |
Trong bối cảnh sản lượng khai thác tự nhiên có xu hướng suy giảm, cùng với tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, Petrovietnam đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nỗ lực duy trì và gia tăng sản lượng khai thác, hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao, tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đóng góp tích cực cho kinh tế đất nước trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo nhận định của ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch HĐTV Petrovietnam, trong quý II/2022, tác động của xung đột chính trị sẽ sâu rộng và rõ nét hơn, do đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thăm dò, khai thác cần theo sát diễn biến tình hình thị trường, chuẩn bị các giải pháp ứng phó, khắc phục mọi khó khăn để đảm bảo duy trì và gia tăng sản lượng khai thác, tận dụng cơ hội thị trường để tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển của kinh tế đất nước trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Bên cạnh đó, dự báo trong quý II sẽ diễn ra tình trạng thiếu điện cho nền kinh tế. Vì vậy, các nhà máy trong Tập đoàn cần năng động, sáng tạo, huy động nguồn nhiên liệu để gia tăng sản lượng điện, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho đời sống và sản xuất.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than đã phải dừng và giảm phát. Nhiều nhà máy điệnchỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60-70% công suất; có nhà máy chỉ đủ than vận hành cho 1trong 4 tổ máy. Do đó, toàn hệ thống điện quốc gia trong tháng 3 thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện. |
Đứng trước những thách thức này, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, trong tháng 4/2022 cũng như thời gian tới, Tập đoàn sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, địa chính trị, thị trường, tập trung dự báo, xây dựng các kịch bản để có các giải pháp điều hành chính xác, kịp thời; tăng cường triển khai, nâng cao hiệu quả các chuỗi giá trị, kết nối các lĩnh vực hoạt động nhằm đạt hiệu quả cao nhất; tập trung tổng hợp, đánh giá, quản trị rủi ro về tài sản, nguồn vốn, tài chính…
Đồng thời, Petrovietnam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng công nghệ trong quản trị doanh nghiệp; tăng cường quản trị danh mục đầu tư, đặc biệt tập trung các dự án trọng điểm, các dự án lớn… Toàn Tập đoàn phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, nỗ lực hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu đề ra trong những tháng còn lại của năm 2022 - ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh./.
(Bài phản ánh)