Ứng phó với khủng hoảng - doanh nghiệp cần biến nguy thành cơ

(BKTO) - Các chuyên gia của Deloitte đánh giá, khủng hoảng là chất xúc tác để thay đổi và phát triển. Theo đó, các lãnh đạo DN tư nhân ở khắp nơi trên thế giới đang tận dụng cuộc khủng hoảng này như một chất xúc tác để thúc đẩy sự thay đổi của hoạt động kinh doanh.



                
   

Nguồn: Deloitte

   

Covid - mối quan tâm hàng đầu trong 3 năm tới

Theo Báo cáo “Khủng hoảng là chất xúc tác: Tăng tốc chuyển đổi” do Deloitte Private thực hiện, đa số các DN đánh giá rủi ro liên quan đến Covid-19 là mối quan tâm hàng đầu trong 12 đến 36 tháng tới. Trong đó, nhóm DN thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương quan ngại nhiều nhất, bao gồm cả Việt Nam.

Đồng thời, việc nhận diện và quản trị rủi ro liên quan đến Covid-19 luôn được xem là trọng tâm của DN, bao gồm các rủi ro như: Sức khỏe của nhân viên, khả năng vận hành từ xa, đứt gãy chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi kinh doanh.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo DN cũng không thể bỏ qua những rủi ro khác và họ vẫn xem xét kỹ hàng loạt thách thức không ngừng trở nên phức tạp như: tấn công mạng, tác động của biến đổi khí hậu, các rủi ro về chính trị, gia tăng cạnh tranh trên thị trường...

Lường trước các rủi ro này, có tới 60% người tham gia khảo sát cho rằng chuỗi cung ứng cần được thiết kế lại do hậu quả của đại dịch. Trong đó, nhiều DN đã chủ động xây dựng các mạng lưới cung ứng gắn kết hơn, không chỉ xem xét đến tính hiệu quả mà còn tính tới khả năng phục hồi và nguồn dự phòng khi có bất trắc xảy ra.

         
Báo cáo của Deloitte Private cũng ghi nhận việc Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ để nâng cao sức chống chịu của DN tư nhân trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra. “Chính phủ Việt Nam hay Chính phủ các nước trên thế giới đều đồng hành với DN trong thời kỳ này” - báo cáo của Deloitte Private nhấn mạnh.
Ngoài ra, một điểm đáng lưu tâm khác là tất cả những người tham gia khảo sát ở các khu vực đều cho rằng tài trợ của Chính phủ để bù đắp các tác động của đại dịch đến nền kinh tế là hình thức hỗ trợ quan trọng nhất để tạo điều kiện hỗ trợ DN tăng trưởng.

Nâng cao năng suất lao động và chuyển đổi số là mục tiêu hàng đầu

Các chuyên gia của Deloitte nhận định rằng, lãnh đạo DN tư nhân ở khắp nơi trên thế giới đang tận dụng cuộc khủng hoảng Covid-19 như một chất xúc tác, thúc đẩy sự thay đổi trên hầu hết mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh. “Khi thế giới hoạt động chậm lại do đại dịch, tốc độ thay đổi của các DN tăng nhanh lên”- Báo cáo nhấn mạnh.
                
   

Nguồn: Deloitte

   

Tại Tọa đàm trực tuyến D-coffee talk số đầu tiên với chủ đề “Xây dựng khả năng phục hồi: Từ góc nhìn toàn cầu đến thị trường Việt Nam”, ông Bùi Tuấn Minh - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Deloitte Private - cho biết,phần lớn các nhà lãnh đạo thế giới và Việt Nam đều cho rằng mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển DN là phải nâng cao năng suất lao động và họ tin là việc này có thể thực hiện tốt. Mục tiêu thứ hai trong bảng xếp hạng của DN là chuyển đổi số, đây cũng là yêu cầu bắt buộc của DN nếu muốn tăng trưởng.

Ông Bùi Tuấn Minh cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, thực hiện chuyển đổi số ở phần lớn các DN đang dừng ở mức chuyển đổi nhận thức. Nhiều DN cho rằng việc chuyển đổi số gặp nhiều trở ngại do có nhiều thách thức về công nghệ và ngân sách dành cho việc chuyển đổi số.

Qua kinh nghiệm tư vấn của Deloitte, những DN chuyển đổi số thành công thường bắt đầu từ 4 hành động tuần tự: thay đổi tư duy của lãnh đạo, xây dựng cơ sở hạ tầng (như xây dựng quy trình vận hành, quy chế DN), đào tạo nhân sự và công nghệ.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng mỗi DN đang tự tìm cho mình những lối đi riêng để có thể ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh, từ đó dần dần phục hồi và phát triển. “Hầu hết các DN còn tồn tại đều chấp nhận thực tại và đang có nhiều thay đổi tích cực” - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Deloitte Private đánh giá.

Đảm bảo yếu tố hài hòa lợi ích

Từ kết quả nghiên cứu của Deloitte và quan sát thực tế, ông Bùi Tuấn Minh cho rằng, tùy vào mỗi ngành, sức khỏe DN có thể ảnh hưởng ít nhiều, đặc biệt về khía cạnh tài chính, hoạt động và phát triển, nhưng điểm tích cực là nhiều DN rất quan tâm tới sức khỏe về tinh thần.

Lấy ví dụ về một DN mình đã tiếp xúc gần đây, ông Minh cho biết DN này đã phát triển theo chính sách 3P (Profit - People - Planet) trong 3 năm.Trong giai đoạn này, ưu tiên về lợi nhuận bị ảnh hưởng và không thể thay đổi nhanh chóng, vì vậy, DN đã dành nhiều nguồn lực để chia sẻ với người lao động.

Cùng với đó, DN này khuyến khích những cải tiến để sản phẩm thân thiện hơn với môi trường, dành nhiều thời gian để đào tạo và chuẩn bị cho một tương lai khi đại dịch đã được ngăn chặn. “Nguy hay cơ là do cách mỗi lãnh đạo DN nhìn nhận và đánh giá”- Phó Tổng Giám đốc Deloitte Private bình luận.

Đồng quan điểm trên, bà Hà Thị Thu Thanh - Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam - khẳng định: Đại dịch Covid-19 cũng như khủng hoảng là chất xúc tác để thay đổi và phát triển. Để có thể thay đổi nhanh hơn, một trong những yếu tố chính là thay đổi nhận thức của lãnh đạo DN. Tư duy của nhà lãnh đạo trong giai đoạn này phải là "3 trong 1". Một là ứng phó, nhưng phải đi cùng với hai là phục hồi và ba là phát triển.

Đáng chú ý, theo bà Thanh, từ trước đến nay, DN chỉ tập trung nói đến nguồn vốn tài chính, nguồn lực con người, trong khi nguồn vốn/nguồn lực xã hội thường bị đặt ra bên ngoài, không đưa vào một cách chính thống.

Mối quan hệ giữa DN với các đối tác - trước đây thuần túy là mối quan hệ thương mại thì giờ là mối quan hệ mang tính chất nguồn lực xã hội rất rõ ràng. Hay mối quan hệ giữa người lao động với chủ DN, trước đây là mối quan hệ lao động, giờ là mối quan hệ có giá trị. Các mối quan hệ này không mang giá trị tài chính nhưng cấu thành nên nguồn vốn /nguồn lực xã hội và là những giá trị để DN đứng vững.

Hài hòa lợi ích chính là nguồn lực xã hội. Đây là điều nhiều DN Việt Nam mới nhận ra và gọi đó là nguồn vốn xã hội. Hơn lúc nào hết, quản trị nguồn vốn xã hội là yếu tố cần có để tạo sức bền giúp DN tồn tại và ứng phó cũng như có sức bật để phát triển - bà Hà Thị Thu Thanh khuyến nghị./.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Ứng phó với khủng hoảng - doanh nghiệp cần biến nguy thành cơ