Ưu tiên chuẩn bị nội dung cho kỳ họp bất thường của Quốc hội

(BKTO) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh điều này khi cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 14/12.

ct14.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Dự kiến xem xét, quyết định 115 nội dung

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong năm 2024, UBTVQH dự kiến tổ chức 12 phiên họp thường kỳ và 2 phiên họp chuyên đề pháp luật để xem xét, cho ý kiến, quyết định 115 nội dung tại phiên họp và cho ý kiến bằng văn bản đối với một số nội dung khác (chưa bao gồm các nội dung dự phòng xem xét trong trường hợp được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024).

Ngoài ra, dự kiến UBTVQH sẽ tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua (dự kiến tổ chức vào sau các kỳ họp Quốc hội); tổ chức rà soát các nội dung giao UBTVQH quy định chi tiết trong luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 6 (thực hiện vào đầu năm 2024).

Đáng lưu ý, theo Tổng Thư ký Quốc hội, trên cơ sở tổng hợp ý kiến đề xuất của các cơ quan, hiện nay, có 12 dự án luật, 01 dự án pháp lệnh, 01 dự thảo nghị quyết của Quốc hội chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024 nhưng được đề xuất đưa vào Chương trình công tác của UBTVQH năm 2024

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị các dự án luật, nghị quyết được các cơ quan đề xuất nhưng chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 thì đưa vào nội dung dự phòng và sẽ bổ sung vào chương trình chính thức của phiên họp khi các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, khẳng định đủ điều kiện và được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Siết chặt việc điều chỉnh chương trình công tác

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý việc điều chỉnh chương trình vừa qua còn quá nhiều. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc điều chỉnh chương trình công tác là đương nhiên do dự kiến và thực tiễn khác nhau. Tuy nhiên việc điều chỉnh chương trình quá nhiều, thậm chí theo hàng tháng là trách nhiệm đầu mối của các Ủy ban, cần rút kinh nghiệm để phối hợp với tốt hơn với các cơ quan của Chính phủ.

tc14.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

“Sau này có lẽ phải kiểm điểm lại theo từng tháng, bao nhiêu đầu việc chậm, phải thay đổi do bộ phận nào chịu trách nhiệm” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Về phiên họp tháng 1/2024, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tinh thần phiên họp này là chỉ ưu tiên các nội dung liên quan đến kỳ họp bất thường, còn các nội dung khác thì lùi lại sang tháng 2/2024; trong đó, cần ưu tiên tập trung vào Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Nếu các nội dung này không kịp, không đảm bảo chất lượng thì lùi lại đến kỳ họp gần nhất - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Liên quan đến vấn đề tài chính, ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh lưu ý, năm 2023 có những khoản phân bổ rất chậm, do đó, cần được quan tâm và thực hiện quyết liệt hơn trong năm 2024.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, một số dự án luật, đề án dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường đều là nội dung khó. Thủ tướng đã có văn bản giao trực tiếp cho các Phó Thủ tướng phụ trách để chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện, nhằm đảm bảo chất lượng.

Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tiếp tục họp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đơn vị có liên quan để rà soát kỹ lưỡng; nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết chương trình công tác của UBTVQH năm 2024, sau đó gửi xin ý kiến UBTVQH bằng văn bản trước khi trình Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến.

Cùng chuyên mục
Ưu tiên chuẩn bị nội dung cho kỳ họp bất thường của Quốc hội