Ưu tiên giải quyết rủi ro địa chính trị để thành công với chiến lược công nghệ

(BKTO) - Rủi ro chính trị đang tạo ra cả thách thức và cơ hội cho các tổ chức toàn cầu. Trong thực tế, địa chính trị và công nghệ là hai yếu tố gắn liền với nhau không thể tách rời trong môi trường địa chiến lược ngày nay, nhưng nhiều DN mới chỉ tập trung vào chuyển đổi kỹ thuật số, ít chú ý đến địa chính trị.



                
   

Chất bán dẫn đã cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.Ảnh: Reuters

   

Bốn rủi ro liên quan đến địa chính trị

Theo Nghiên cứu về CEO của EY , 63% giám đốc điều hành của Forbes Global 2000 xem công nghệ và đổi mới kỹ thuật số là một trong những xu hướng và mối quan tâm hàng đầu ảnh hưởng đến DN của họ. Ngược lại, địa chính trị đứng vị trí cuối trong bảng xếp hạng đối với các CEO này và chỉ 28% cho rằng quản lý rủi ro chính trị là mối quan tâm hàng đầu của DN.

Nhóm nghiên cứu của EY đã nhấn mạnh rằng, để kế hoạch thích ứng công nghệ và chuyển đổi kỹ thuật thành công, các CEO cần phải nắm bắt đầy đủ các rủi ro địa chính trị sẽ tác động đến tổ chức của họ. Thậm chí, giải quyết rủi ro liên quan đến địa chính trị nên được xem là một ưu tiên chiến lược trong chương trình đổi mới công nghệ và kỹ thuật số của DN, bao gồm:

Rủi ro an ninh mạng: Các vụ tấn công mạng quy mô lớn, nổi tiếng gần đây nhằm vào sở hữu trí tuệ, thông tin tình báo của Chính phủ Mỹ đã ảnh hưởng và làm lộ thông tin của hàng chục nghìn công ty và cơ quan chính phủ khác, đồng thời tiết lộ các cửa sau để các tin tặc khác có thể xâm nhập. Đây là một trong những ví dụ điển hình cho thấy các cuộc tấn công mạng mang yếu tố địa chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh mạng, quản lý rủi ro và chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số toàn cầu.

Mặc dù không có công ty nào miễn nhiễm với các cuộc tấn công nhưng các công ty có hệ thống bảo vệ dữ liệu và phòng thủ mạng mạnh mẽ cũng như đội ngũ nhân viên thực hiện tốt an ninh mạng sẽ ít gặp rủi ro hơn.

Rủi ro chính sách công nghiệp: Các chính phủ đang ngày càng sử dụng nhiều chính sách để thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp về công nghệ chiến lược, thúc đẩy cạnh tranh địa chính trị. Chẳng hạn, Mỹ mở rộng sản xuất trong nước và cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng đối với pin dung lượng lớn, chất bán dẫn và đầu vào khoáng sản quan trọng đối với công nghệ kỹ thuật số.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang ưu tiên tự chủ trong các công nghệ then chốt, cung cấp các ưu đãi cho sản xuất chất bán dẫn trong nước. Tương tự, EU đã đưa ra các mục tiêu sản xuất chất bán dẫn, máy tính lượng tử đầu tiên vào năm 2025 và hỗ trợ mở rộng cơ sở hạ tầng 5G.

Các DN nước ngoài sẽ phải cạnh tranh với DN nội địa khi chính phủ tạo nên một bức tường chính sách với một số lĩnh vực nhất định. Ngoài ra, các tiêu chuẩn cạnh tranh cho 5G, internet và các công nghệ khác có thể tạo ra một nền kinh tế kỹ thuật số và phân mảnh hơn thay vì toàn cầu.

Thay đổi các quy định về công nghệ: Các nhà hoạch định chính sách đang áp đặt các quy định và luật lệ mới đối với lĩnh vực công nghệ. Cụ thể như Australia gần đây đã thông qua luật yêu cầu các công ty nền tảng kỹ thuật số trả tiền các nhà xuất bản cho nội dung tin tức được đăng, trong khi Trung Quốc đang gia tăng áp lực pháp lý đối với các công ty fintech lớn...

Các DN dường như cũng đã nhận thức được một số rủi ro liên quan đến quy định khi có 46% CEO nói rằng các quy định về quyền riêng tư và bản địa hóa dữ liệu là mối quan tâm hàng đầu trong 12 tháng tới. Sự gia tăng của bản địa hóa dữ liệu và các quy tắc bảo mật dữ liệu ở các thị trường khác nhau sẽ khiến việc di chuyển hoặc chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới trở nên khó khăn hơn đối với nhiều công ty.

Gia tăng cạnh tranh địa chiến lược: Các CEO công nghệ và phi công nghệ đều phải nhớ rằng công nghệ là cốt lõi của cạnh tranh địa chiến lược Mỹ - Trung. Mỹ đã mở rộng kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ và hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc trong ngành viễn thông và bán dẫn. Các CEO công nghệ sẽ phải thay đổi cách đánh giá về rủi ro địa chính trị để giảm bớt tác động của các sự kiện chính trị đối với hoạt động DN và khách hàng của họ.

Cải thiện khả năng chống chịu với các rủi ro địa chính trị

Theo khảo sát của EY, hơn 40% CEO có ý định điều chỉnh các phương thức quản lý rủi ro trong 3 năm tới theo hướng ưu tiên phân tích dữ liệu (61%) và khả năng chống chịu với các rủi ro chiến lược bên ngoài (49%).

Trong đó, một yêu cầu chiến lược bắt buộc là phải kết hợp rủi ro chính trị vào việc nâng cấp quản lý rủi ro toàn DN. Để thành công với chiến lược kỹ thuật số, các chuyên gia của EY khuyến khích DN thực hiện giải pháp cải thiện khả năng chống chịu với các rủi ro địa chính trị, bao gồm:

Phân tích rủi ro địa chính trị theo từng công nghệ cụ thể: Các công ty ở tất cả các lĩnh vực có thể xác định rủi ro chính trị liên quan đến các công nghệ mà họ đang sử dụng hoặc có thể áp dụng. Đồng thời, DN nên giám sát những rủi ro này ở cấp độ quốc gia, quy định và xã hội như một phần của hệ thống quản lý rủi ro doanh DN (ERM) hoặc các bảng điều khiển rủi ro khác.

Đánh giá khả năng phục hồi của hệ thống công nghệ đối với các rủi ro địa chính trị: Nhóm quản lý rủi ro có thể hợp tác với các nhóm vận hành và tuân thủ để xác định mức độ ảnh hưởng do sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn quy định về công nghệ ở các thị trường khác nhau. Sau đó, họ có thể xem xét liệu công nghệ và dữ liệu được bản địa hóa nhiều hơn có tạo ra nhiều khả năng phục hồi hơn cho các hoạt động toàn cầu hóa hay không.

Nâng cao nhận thức, sự quan tâm của hội đồng quản trị và ban giám đốc đối với rủi ro chính trị: Theo khảo sát, hơn 2/3 CEO đang có kế hoạch đầu tư lớn vào dữ liệu và công nghệ, do đó, hội đồng quản trị cần hiểu tác động của địa chính trị đối với các khoản đầu tư này để mọi rủi ro đều được quản lý một cách hiệu quả. Bằng cách làm việc với các nhóm rủi ro, ban lãnh đạo DN có thể cùng nhau chứng minh tầm quan trọng chiến lược của việc kết hợp rủi ro chính trị vào các quyết định công nghệ./.
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Ưu tiên giải quyết rủi ro địa chính trị để thành công với chiến lược công nghệ