Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 24, chiều 14/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội làm việc 23 - 25 ngày, khai mạc vào thứ Hai, ngày 23/10/2023.
Về nội dung, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 luật, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến 8 dự án luật khác, trong đó, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được bố trí thảo luận ở tổ 0,5 ngày, ở hội trường 0,5 ngày.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và 2024; xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4; giám sát chuyên đề tối cao và các vấn đề quan trọng khác.
Nhấn mạnh việc chia Kỳ họp thành 02 đợt được đánh giá là hợp lý, mặt khác do số lượng nội dung Kỳ họp thứ 6 rất lớn trên cả 03 mảng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng với nhiều nội dung khó, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau nên Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 6 theo hình thức họp trực tiếp; chia thành 02 đợt họp (với khoảng cách từ 1,5 đến 02 tuần giữa 02 đợt) để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan phối hợp tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội bảo đảm đầy đủ, kỹ lưỡng, thuyết phục và các đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm giải quyết công việc tại địa phương.
Trong đó, dự kiến đợt 1 chủ yếu bố trí thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp và thảo luận ở tổ các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến. Đợt 2 chủ yếu bố trí Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận ở hội trường về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tuần cuối của tháng 8/2023 để sớm cho ý kiến về một số dự án luật có nhiều ý kiến khác nhau…
Đồng thời, đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đề xuất những nội dung cần thảo luận tại Hội nghị để sớm xây dựng kế hoạch tổ chức.
Để bảo đảm tiến độ gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho đại biểu có thời gian nghiên cứu và khắc phục dần tình trạng chậm gửi tài liệu, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, nâng cao hơn nữa trách nhiệm chuẩn bị nội dung, bảo đảm tiến độ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chậm nhất tại Phiên họp tháng 9/2023, tại Phiên họp tháng 10/2023 chỉ cho ý kiến đối với những nội dung thật sự cần thiết.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, ngoài các nội dung đã thành thông lệ trong kỳ họp cuối năm như cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, báo cáo của các cơ quan hữu quan, Chính phủ sớm lập danh mục bổ sung vào Chương trình Kỳ họp Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu; phương án sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp; báo cáo đánh giá kết quả rà soát hệ thống pháp luật…