Ủy ban Tư pháp đề nghị không bổ sung quy định Kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp

(BKTO) - Chiều 19/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.



Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp năm 2012 là nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng.
                
   

Toàn cảnh phiên họp chiều 19/11- Ảnh: quochoi.vn

   
Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung nhanh chóng, kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế, không mở rộng sửa đổi sang các nội dung của Luật đã có tính ổn định, bền vững.

Một trong những đáng chú ý là Dự thảo Luật bổ sung quy định về trách nhiệm của KTNN trong giám định tư pháp.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, để tăng cường huy động các cơ quan, tổ chức có chuyên môn cao vào hoạt động giám định, Dự thảo Luật bổ sung quy định về trách nhiệm của KTNN trong thực hiện giám định tư pháp khi được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu.

Theo quy định này, KTNN chỉ thực hiện giám định như một tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, không phải là cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp.

Thẩm tra Dự án Luật, đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc bổ sung quy định về trách nhiệm của KTNN trong giám định tư pháp là không cần thiết.
                
   

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình trước Quốc hội - Ảnh: quochoi.vn

   
Theo quy định của Luật Giám định tư pháp, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chuẩn chuyên môn áp dụng cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Hiện nay, Bộ Tài chính đã bổ nhiệm 1.712 giám định viên tư pháp và công nhận 146 người giám định theo vụ việc trong lĩnh vực giám định tài chính. Số vụ giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính được trưng cầu từ năm 2013 đến 2018 không nhiều (241 vụ). Như vậy, nguồn nhân lực hiện nay đã đáp ứng tốt nhu cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, nếu giao KTNN tham gia hoạt động giám định tư pháp thì phạm vi thực hiện giám định rất hẹp, đồng thời, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này. Do đó, KTNN đã có văn bản đề nghị không bổ sung quy định KTNN tham gia hoạt động giám định tư pháp vào Luật Giám định tư pháp.

Phát biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp ngay sau đó, đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc tán thành với quan điểm của cơ quan thẩm tra.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, KTNN không phải là cơ quan quản lý nhà nước mà là cơ quan kiểm toán, thực hiện kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Cho nên, đối với việc giám định tư pháp, mặc dù KTNN có trình độ, năng lực nhưng nếu tham gia giám định tư pháp thì phải đào tạo giám định viên để đảm bảo thực hiện quy định, quy trình giám định.

Hơn nữa trong vấn đề giám định tư pháp về tài chính, hiện nay Bộ Tài chính đã có gần 2.000 người tham gia trong khi chỉ có hơn 300 vụ án nên số lượng người tham gia giám định đã khá lớn, vì vậy, không cần thiết đưa KTNN vào làm nhiệm vụ giám định tư pháp.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ, đối với KTNN hiện nay, ngoài thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, KTNN thực hiện kiểm toán theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vụ trọng điểm theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương, trong khi số lượng người hiện nay của KTNN cũng hạn chế. Vì vậy, KTNN đề xuất không tham gia làm nhiệm vụ giám định tư pháp.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Ủy ban Tư pháp đề nghị không bổ sung quy định Kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp