Vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong can thiệp các tổ chức tín dụng yếu kém

(BKTO) - Việc can thiệp kịp thời của tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) góp phần duy trì sự ổn định hệ thống ngân hàng và niềm tin công chúng, bảo tồn giá trị của ngân hàng gặp khó khăn, bảo vệ người gửi tiền tốt hơn...

tham-luan.jpg
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo. Ảnh:thoibaonganhang.vn

Ngày 9-10/11, BHTG Việt Nam đăng cai tổ chức Hội thảo của Ủy ban châu Á - Thái Bình Dương (APRC), Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) năm 2023 với chủ đề “Tăng cường vai trò của tổ chức BHTG trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời”.

Bảo vệ người gửi tiền tại 1.280 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi

Theo thông tin tại Hội thảo, tính đến tháng 10/2023, tổng tài sản của BHTG Việt Nam đạt hơn 109 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 4,43 tỷ USD. Nhờ đó, BHTG có nguồn lực tốt để sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.

Trong suốt 24 năm hình thành và phát triển, BHTG Việt Nam đã thực hiện hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ chính. Tính đến thời điểm hiện tại, BHTG Việt Nam đang bảo vệ người gửi tiền tại 1.280 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài,  1.179 Quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.

Sau 24 năm đi vào hoạt động, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động và vai trò của BHTG Việt Nam ngày càng được hoàn thiện. Bên cạnh Luật BHTG ban hành năm 2012, chức năng, nhiệm vụ của BHTG Việt Nam còn được quy định tại Luật Các TCTD.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú chia sẻ, hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về TCTD. Đối với BHTG Việt Nam, Dự thảo Luật dự kiến nâng tầm vị trí, giao trách nhiệm hơn nữa qua việc bổ sung thêm một số chức năng, nhiệm vụ trong can thiệp sớm và xử lý TCTD yếu kém. Đây cũng là tiền đề quan trọng và tiếp nối cho quá trình sửa đổi Luật BHTG năm 2024.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các TCTD yếu kém có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả và ổn định của hệ thống BHTG. Qua đó, tổ chức BHTG có thể chuẩn bị kỹ lưỡng cho các sự kiện được bảo hiểm trong tương lai. Nếu việc can thiệp kịp thời được thực hiện hiệu quả ở giai đoạn đầu, các yếu tố gây rủi ro có thể được khắc phục và tình hình kinh doanh được cải thiện. Việc can thiệp kịp thời góp phần duy trì sự ổn định hệ thống ngân hàng và niềm tin công chúng.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của bảo hiểm tiền gửi

Chia sẻ về vai trò của BHTG trong việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời rủi ro đối với hoạt động của ngân hàng, ông Phạm Bảo Lâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị BHTG Việt Nam - cho biết, Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động BHTG, trong đó bao gồm việc phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG và tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia BHTG yếu kém.

Theo ông Hidenori Mitsui - Chủ tịch Ủy ban APRC, Chủ tịch Tổng công ty BHTG Nhật Bản - nhận định, sự đổ vỡ một số ngân hàng trên thế giới xảy ra thời gian vừa qua càng thấy rõ vai trò của BHTG trong việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Đây là cách làm để giải quyết khủng hoảng tốt hơn. Thực tế, nhiều phương pháp có thể giúp phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các rủi ro trong hoạt động ngân hàng, trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan là giải pháp mấu chốt để đảm bảo hệ thống tài chính hoạt động ổn định.

Cơ quan BHTG có vai trò quản lý Quỹ BHTG, nếu ngân hàng sụp đổ thì Quỹ này sẽ tổn thất. Từ nhận định này, TS. JaeHoon Yoo - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Hàn Quốc - lưu ý, để có thể hạn chế tối đa thiệt hại của Quỹ, các tổ chức BHTG phải chủ động, tích cực, có đủ quyền để có thể bảo vệ các ngân hàng, tránh các tổ chức này gặp khó khăn và sụp đổ. Các tổ chức BHTG phải hợp tác chặt chẽ với ngân hàng trung ương và Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng để giữ sự ổn định của nền tài chính.

Ông JaeHoon Yoo cũng đánh giá, cơ quan BHTG Việt Nam hoạt động chuyên nghiệp, có những nhiệm vụ, chế tài rõ ràng từ Chính phủ. Nhưng nếu so sánh với BHTG ở một số nước khác như Mỹ, Hàn Quốc… thì vẫn còn dư địa để BHTG Việt Nam mở rộng khả năng của mình, đảm bảo tính ổn định của thị trường tài chính./.

Cùng chuyên mục
Vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong can thiệp các tổ chức tín dụng yếu kém