Vẫn băn khoăn quy định về tự chủ bệnh viện, giá dịch vụ khám, chữa bệnh

(BKTO) - Chiều 06/01, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Dù đã được tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung nhiều nội dung song tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn bày tỏ lo ngại về quy định tự chủ bệnh viện và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) trong Dự thảo Luật.

060120230419-hoang-van-cuong-ha-noi.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Không nên quy định “trần” giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung liên quan đến giá dịch vụ y tế và tự chủ bệnh viện.

Đồng tình với nguyên tắc giá dịch vụ tính đúng, tính đủ chi phí KCB, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, cơ sở KCB và người bệnh, tuy nhiên, đại biểu cho rằng, các nội dung cụ thể của Dự thảo Luật lại chưa cụ thể hóa các nguyên tắc này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ rõ, hiện nay, Dự thảo quy định những bệnh viện tự chủ cao nhất thì được quyền xác định giá dịch vụ KCB trong phạm vi khung giá hay mức giá cao nhất của Bộ Y tế quy định. Quy định như vậy có 2 điều mâu thuẫn.

Thứ nhất, quy định như vậy nghĩa là tất cả những dịch vụ y tế của bệnh viện tự chủ đều được xác định ở mức giá cao hơn là giá do Nhà nước ấn định, bởi bệnh viện được tự chủ quyết định không vượt quá khung. Điều này vô hình trung đã loại bỏ cơ hội cho những người thu nhập thấp không thể tiếp cận được những bệnh viện tự chủ.

Thứ hai, vì giá dịch vụ cao nhưng không vượt quá khung của Nhà nước quy định, sẽ có một số dịch vụ cần sử dụng những biện pháp kỹ thuật cao, cần phải có chi phí nhiều hơn sẽ không thực hiện được. Như vậy, người dân có khả năng chi trả, muốn được sử dụng các dịch vụ cao hơn hẳn cũng không đáp ứng được và phải sang khu vực bệnh viện tư nhân.

“Quy định như vậy vừa loại bỏ cơ hội tiếp cận của người thu nhập thấp, vừa loại bỏ cơ hội, mong muốn được hưởng dịch vụ cao của người thu nhập cao, vừa loại bỏ cơ hội để cho các bệnh viện tự chủ vươn lên, nâng cao trình độ” - đại biểu Cường nhấn mạnh.

Do vậy, đại biểu Cường đề nghị quy định về giá dịch vụ y tế của các bệnh viện tự chủ thì phải phân thành 2 loại. Loại thứ nhất là giá dịch vụ cơ bản để đáp ứng cho phần đông mọi đối tượng KCB và mức giá này không được vượt quá mức giá quy định của Nhà nước theo một tỷ lệ nhất định, để đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận những bệnh viện có chất lượng cao.

Loại thứ hai là giá dịch vụ theo yêu cầu thì không nên giới hạn nằm trong mức giá cao nhất của Nhà nước, mà tùy theo đơn vị đó cung cấp chất lượng ra sao, khách hàng mong muốn như thế nào thì đưa mức giá hoàn toàn theo khả năng đáp ứng của bệnh viện và cơ cấu giá này phải tuân thủ quy định về cấu thành giá chứ bệnh viện không được tự đặt ra giá đó.

Cũng đề cập đến giá dịch vụ KCB, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) đề nghị cần phân hai luồng giá viện phí.

Một là giá được bảo hiểm y tế chi trả. Đây là giá được quy định cụ thể cho từng chuyên khoa, phương pháp điều trị. Giá này cần có lộ trình để tính đúng, tính đủ và đặc biệt tiến tới xóa bỏ khái niệm đồng chi trả, nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ở mọi đối tượng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế tương ứng với việc tính đúng, tính đủ trong việc KCB. Dự thảo Luật nên đưa vào nguyên tắc chung và các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn theo lộ trình.

Hai là giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Theo đại biểu, đây là chính là động lực để các bệnh viện thay đổi và phát triển. Do đó, không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật của thị trường. Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước cần có các quy định để bảo đảm chất lượng KCB theo yêu cầu tại các cơ sở y tế như về trình độ nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian khám hay là các phẫu thuật can thiệp kỹ thuật đặc biệt… “Nếu đã giải quyết được vấn đề giá KCB thì việc vận hành các bệnh viện công tự chủ sẽ tường minh” - đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu rõ.

Quy định cụ thể về điều kiện tự chủ

Liên quan đến vấn đề tự chủ của các bệnh viện công, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, Dự thảo Luật quy định các đơn vị tự chủ được tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư, được quyền xác định giá, tự chủ về tổ chức, lao động. Nhưng khi đọc kỹ Dự thảo cho thấy các quyền này gần như không được thực hiện.

060120230436-z4018232457213_3d4bcfa24f8075441fc5540b5fe8ec1f.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: VPQH

Theo đại biểu, để tự chủ, điều quan trọng nhất là bệnh viện hay cơ sở KCB phải có đủ khả năng tự quyết định những vấn đề KCB. Như vậy, năng lực về tự chủ hay năng lực về quyết định những vấn đề của bệnh viện phải là điều kiện tiên quyết cho việc quyết định đơn vị đó có tự chủ hay không. Vì vậy, Dự thảo phải đưa ra một điều hoặc mục quy định về điều kiện đơn vị KCB được tự chủ.

Hơn nữa, tự chủ có nhiều mức khác nhau song Dự thảo Luật chỉ đề cập đến một loại bệnh viện là tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư, như vậy chưa phát huy, khuyến khích các bệnh viện từ các mức tự chủ thấp lên tự chủ cao.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) đề nghị quy định rõ ràng nguyên tắc tự chủ của cơ sở KCB, trong đó cần quy định cụ thể nguyên tắc về tự chủ tổ chức và nhân sự.

Về tài chính, đại biểu cho rằng, Dự thảo nêu tự chủ theo quy định của pháp luật nhưng chưa rõ là theo luật nào. Đại biểu đề nghị cần nêu rõ theo nguyên tắc tự chủ nào và theo quy định pháp luật nào.

Giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, về tự chủ trong cơ sở y tế công lập, Dự thảo Luật quy định chung một số vấn đề mang tính nguyên tắc để có định hướng triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các cơ sở y tế. Với tầm nhìn lâu dài, Chính phủ sẽ xem xét trình Quốc hội luật riêng về việc thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, ở các lĩnh vực như giáo dục, y tế…, qua đó sẽ đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng, giải quyết các hạn chế đã tồn tại nhiều năm trong vấn đề này./.

Cùng chuyên mục
  • Quy hoạch tổng thể quốc gia: Xác định phạm vi, giải pháp để tránh quy hoạch treo
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 06/01, phát biểu thảo luận ở Tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà nhấn mạnh: Việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bảo đảm phù hợp với thực trạng. Đặc biệt, cần rà soát các định hướng, giải pháp và giới hạn phạm vi, tập trung các nội dung chủ yếu triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 để đảm bảo tính khả thi.
  • Thể hiện tầm nhìn chiến lược và tính liên kết trong xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Khẳng định tầm quan trọng và sự cấp thiết xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, định hướng và ưu tiên tổ chức không gian các vùng kinh tế, ngành kinh tế quan trọng; đồng thời xác định rõ cơ chế, chính sách và nguồn lực để thực hiện Quy hoạch này.
  • Ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 05/01, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 2, với với 481/481 đại biểu Quốc hội có mặt (chiếm 96,98% tổng số đại biểu Quốc hội) biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang.
  • Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam.
  • Đề xuất Quốc hội cho phép tiếp tục thanh toán nhiều khoản chi cho phòng, chống dịch Covid-19
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 05/01, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Chính phủ đề xuất đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Vẫn băn khoăn quy định về tự chủ bệnh viện, giá dịch vụ khám, chữa bệnh