Vẫn còn băn khoăn trong một số quy định về lựa chọn nhà thầu

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) có hoạt động liên quan tới đấu thầu trong nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia, DN vẫn còn băn khoăn về một số quy định tại Dự thảo.

Ngày 01/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu”.

20231101_093110.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: D.THIỆN

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết, Luật Đấu thầu 2023 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Luật Đấu thầu 2023 đã có nhiều thay đổi quan trọng so với Luật Đấu thầu 2013, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tạo dựng nền tảng pháp lý mới, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất nhằm xây dựng môi trường đấu thầu cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, hiệu quả cho cả cộng đồng DN và nền kinh tế.

Cũng theo ông Tuấn, để hướng dẫn thi hành Luật, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Dự thảo gồm 126 điều, trong đó dự kiến sẽ bổ sung nhiều quy định mới.

Đơn cử như các quy định về đảm bảo cạnh tranh, chống “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu. Cụ thể, các nhà thầu tham dự gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hoá, phi tư vấn, tư vấn, gói thầu chìa khoá trao tay phải độc lập; nhà thầu phụ, nhà thầu phụ đặc biệt phải độc lập.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định chi tiết về mua sắm trong lĩnh vực y tế như lựa chọn nhà thầu theo số lượng dịch vụ kỹ thuật; chỉ định thầu rút gọn đối với mua thuốc.

Ngoài ra, Dự thảo cũng có nhiều quy định mới liên quan đến đấu thầu qua mạng và liên thông kết nối đến các cơ sở dữ liệu khác; các quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu uy tín nhà thầu, cơ sở dữ liệu đánh giá chất lượng hàng hoá; công khai thông tin thực hiện hợp đồng...

Tại Hội thảo, hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao những điểm mới bổ sung của Dự thảo, tuy nhiên vẫn còn một số quy định cần được tiếp tục nghiên cứu xem xét, làm rõ thêm.

Góp ý cụ thể, ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) chia sẻ, tại Dự thảo có nhiều quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu gồm: ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam; ưu đãi đối với DN khởi nghiệp sáng tạo; ưu đãi đối với sản phẩm, dịch vụ được dán nhãn sinh thái, nhãn xanh, nhãn năng lượng... Theo ông Hải, những ưu đãi này sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh. Tuy nhiên, Dự thảo cần phải cụ thể hóa các ưu đãi đối với nhà thầu, làm rõ nội hàm, thủ tục hành chính cần thiết, để nhà thầu thuộc đối tượng ưu đãi dễ thực hiện cũng như phải biết làm gì để hưởng các ưu đãi này trong quá trình tham gia đấu thầu.

Liên quan đến quy định về giá gói thầu, theo ông Phạm Văn Tuyến - Phó Ban Đấu thầu, Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương, Dự thảo quy định giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Đối với các gói thầu có thời gian thực hiện gói thầu ngắn, ít có khả năng phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được tính bằng không. Ông Tuyến đề xuất, Dự thảo cần làm rõ quy định thời gian thực hiện ngắn là bao lâu, vì trong thực tế thực hiện sẽ xảy ra nhiều trường hợp khiến chủ đầu tư và nhà thầu khó định lượng được.

Góp ý liên quan đến quy định về “Tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp”, bà Nguyễn Thu Hằng - Trưởng Bộ phận Quan hệ chính phủ và Chính sách công, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Johnson & Johnson Việt Nam cho biết, Dự thảo quy định: Tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa kỹ thuật và giá. Tùy theo quy mô, tính chất của từng gói thầu cần xác định tỷ trọng điểm về kỹ thuật và tỷ trọng điểm về giá cho phù hợp bảo đảm tỷ trọng điểm về kỹ thuật cộng với tỷ trọng điểm về giá bằng 100%. Trong đó, đối với gói thầu mua thuốc: Tỷ trọng điểm về kỹ thuật (K) từ 30% đến 40%, tỷ trọng điểm về giá (T) từ 60% đến 70%.

Tuy nhiên, theo bà Hằng, đối với các gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế có tính chất đặc thù và có tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người nên yêu cầu chất lượng kỹ thuật cao, vì vậy cần có sự cân bằng giữa tỷ trọng điểm về giá và chất lượng.

“Nếu vẫn giữ tỷ trọng điểm về giá cao hơn thì dù có dùng phương pháp điểm tổng hợp để đánh giá thì thực chất sẽ vẫn quy về phương pháp giá thấp nhất và như thế chỉ có thể chọn hàng có giá rẻ mà không chọn được hàng hóa có chất lượng tốt, phục vụ nhu cầu điều trị chính đáng của người bệnh. Điều đó dễ dẫn đến hệ quả, kéo dài thời gian điều trị của bệnh nhân gây tốn kém cho quỹ bảo hiểm y tế, tổn thất về kinh tế cho người bệnh, tạo thêm gánh nặng cho xã hội” - bà Hằng nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, bà Hằng đề xuất cần nâng cao tỷ trọng điểm về kỹ thuật đối với thuốc và thiết bị y tế, nhằm đảm bảo các cơ sở y tế mua được hàng có đặc tính kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu điều trị. Cụ thể, Dự thảo nên quy định, đối với gói thầu mua thuốc: Tỷ trọng điểm về kỹ thuật (K) từ 30% trở lên và không vượt quá 50%, tỷ trọng điểm về giá (T) lớn hơn 50% và tối đa là 70%./.

Cùng chuyên mục
Vẫn còn băn khoăn trong một số quy định về lựa chọn nhà thầu