VBF thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

(BKTO) - Ngày 12/12, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017 do Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức đúng dịp kỷ niệm 20 năm thành lập VBF đã diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn có sự tham dự, phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.



Dấu ấn cải thiện môi trường kinh doanh

Diễn đàn gồm 3 phiên thảo luận chính: Nâng cao năng suất và các nhân tố thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp; Thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân nhằm cải thiện tình hình tài chính; Cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho DN tư nhân bứt phá. Như thường lệ, nhân dịp này, cộng đồng DN trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam đã chuyển tải nhiều khuyến nghị chính sách tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các Bộ, ngành, địa phương.

Tại đây, các đại biểu quốc tế đều đánh giá cao những thành tích mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2017, đặc biệt là tăng trưởng GDP đạt mục tiêu 6,7%, mức cao nhất trong gần 10 năm qua. Dẫn ra những kết quả về chỉ số kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2017 đã được các tổ chức quốc tế đánh giá, xếp hạng, các đại biểu cũng nhấn mạnh rằng, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua thực sự rất ấn tượng trong mắt các tổ chức, cộng đồng DN quốc tế.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2017.Ảnh: H.THOAN

Cùng khẳng định điều này, đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - bình luận: “Năm 2017 có nhiều dấu ấn quan trọng trong nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi của Chính phủ. Quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển đang được định hình rõ nét từ chính sách ban hành cho đến các hành động cụ thể”.

Những nỗ lực đó đã tạo thêm niềm tin cho cộng đồng DN. Số lượng DN thành lập mới, trở lại hoạt động cũng như số vốn đầu tư đã tăng mạnh. Trong 11 tháng năm 2017, cả nước có hơn 116 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký gần 1.132 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 14% về số DN và gần 42% về số vốn so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 24,3 nghìn DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên hơn 140 nghìn DN.

Đối với khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tính đến hết tháng 11/2017, cả nước thu hút gần 2.300 dự án mới với tổng vốn đăng ký 19,8 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016. Đồng thời, có 1.100 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm khoảng 8 tỷ USD, tăng 57,6%. Ước tính, các dự án FDI đã giải ngân được 16 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ 2016.

Khuyến nghị xóa nhiềurào cản bằng chính sách

Tuy nhiên, cùng với những tín hiệu khởi sắc trên, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, còn nhiều DN đang gặp khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đã có gần 11 nghìn DN phải giải thể và hơn 55 nghìn DN tạm ngừng hoạt động trong năm 2017. Các DN đang hoạt động vẫn phải chịu những gánh nặng về thủ tục hành chính. Kết quả điều tra của VCCI cho thấy, cứ 4 DN thì có 1 DN chia sẻ khó khăn lớn nhất là sự phiền hà từ các thủ tục hành chính.

Ông Sagara Hirohide - đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam - cho rằng, Việt Nam vẫn còn không ít việc phải làm khi mà các DN vẫn còn nhiều quan ngại về sự minh bạch, hiệu quả của các cơ quan, ban, ngành; môi trường kinh doanh và đầu tư, năng suất lao động còn hạn chế… có thể ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh quốc gia và khả năng thu hút FDI trong thời gian tới.
Vì thế, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của cộng đồng DN trong nước, VCCI khuyến nghị, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính. Trước mắt, cần tập trung cải cách danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm chi phí cho DN như các loại phí, lệ phí, chi phí khởi sự kinh doanh, chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển, logistics…

Từ phía cộng đồng DN quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, đại diện của các hiệp hội DN Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản cũng đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể liên quan đến quy định về số giờ làm thêm trong ngày; quy định rõ ràng về ưu đãi của Bảo hiểm xã hội; vốn tối thiểu của DN FDI; áp dụng các tiêu chuẩn về thực phẩm, y tế và môi trường…

Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; có giải pháp nâng cao năng suất, giảm chi phí và rủi ro cho DN; loại bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan; áp dụng chế độ thẩm định năng lực cấp quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật; xây dựng những văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế; đặc biệt là cần kích hoạt và khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các Bộ, cơ quan của Việt Nam sẽ tiếp thu những khuyến nghị để tham khảo, hoàn chỉnh các quy định pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư. Bộ KH&ĐT tiếp tục làm đầu mối theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các đề xuất, kiến nghị và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện, cũng như phản hồi cho Diễn đàn.
         
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để cùng cộng đồng DN phát triển trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung vào 6 vấn đề: giữ vững ổn định chính trị - xã hội, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô; cải thiện chất lượng thể chế, chính sách, pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo; cải cách thuế bảo đảm minh bạch, công bằng và hiệu quả.

H.THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 50 ra ngày 14-12-2017
Cùng chuyên mục
  • Thu phí không dừng:  Mang lại nhiều lợi ích nhưng triển khai còn chậm
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có lộ trình áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) tại các trạm thu phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) nhằm tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc giao thông, đồng thời kiểm soát được mức phí qua mỗi trạm. Tuy nhiên, sau nhiều lần “trễ hẹn”, đến nay việc triển khai hình thức thu phí này vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi.
  • Nâng cao hiệu quả quản lý,  sử dụng tài sản công
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Theo số liệu của nhiều quốc gia, tài sản công bằng khoảng 1 lần GDP. Ở Việt Nam, tính đến cuối năm 2015, cơ quan hữu quan mới chỉ thống kê, báo cáo chi tiết được khối lượng tài sản công khoảng 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 46 tỷ USD và bằng khoảng 25% GDP. Tuy nhiên, tổng giá trị tài sản công ở Việt Nam trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều, do phạm vi của báo cáo nói trên mới chỉ bao gồm tài sản trong khu vực hành chính và sự nghiệp công, chưa tổng hợp đến các tài sản là đất đai, tài nguyên, hạ tầng...
  • Tăng trưởng xanh:  Thời cơ và thách thức
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tăng trưởng xanh đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó, các DN được coi là chủ thể quan trọng nhất, đóng vai trò tích cực trong việc lựa chọn tăng trưởng xanh và hiện thực hóa mục tiêu bền vững của quốc gia.
  • Sau năm cao điểm 2018, sẽ kiểm toán toàn diện các công ty nông lâm nghiệp
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO)- “Sau năm cao điểm thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp, sang năm 2019, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn diện hoạt động của các công ty để biết ai làm tốt, vướng mắc gì, trách nhiệm ở đâu để báo cáo Quốc hội”, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
  • Tăng cường kiểm toán để nâng cao hiệu quả chi tiêu công
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Để nâng cao hiệu quả chi tiêu công, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó có việc tăng cường công tác kiểm toán của KTNN đối với các cấp chính quyền cũng như các đơn vị sử dụng ngân sách và kiểm toán độc lập đối với các dự án đầu tư công trọng điểm. Đó là một trong những khuyến nghị mà các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại Hội nghị công bố Báo cáo “Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng đến bền vững, hiệu quả và công bằng” do Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 03/10.
VBF thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh