VDB: Hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần hoàn thiện chính sách và nâng cao vai trò vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước

(BKTO) - Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được thành lập ngày 19/5/2006 trên cơ sở tổ chức lại hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Trải qua gần 15 năm hoạt động theo mô hình Ngân hàng, VDB đã và đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao. Những hoạt động tích cực, những kết quả đã đạt được từ nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước thông qua VDB quản lý cho vay các chương trình, dự án kinh tế trọng điểm đã góp phần tích cực phục vụ tăng trưởng kinh tế - xã hội đất nước.




Một góc đường cao tốc Hà Nội -Hải Phòng sử dụng nguồn vốn cấp từ VDB
Vai trò của tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với nền kinh tế
Trong quá trình hoạt động, VDB đã đảm bảo huy động đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế thông qua việc huy động và tài trợ vốn cho các dự án phát triển, đặc biệt là các dự án trọng điểm của Chính phủ. Vốn tín dụng đầu tư (TDĐT) do VDB giải ngân trong giai đoạn vừa qua chiếm gần 4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, bằng khoảng 1,5% GDP; trong đó, tín dụng từ nguồn vốn trong nước chiếm 2,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, bằng 0,9% GDP; giải ngân nguồn vốn ODA chiếm 1,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, bằng 0,6% GDP.
Nhờ huy động được lượng vốn lớn, tín dụng của VDB đã được đẩy mạnh đáng kể với tốc độ tăng trưởng tổng dư nợ bình quân đạt 12,6%/năm, đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư dự án của các doanh nghiệp, góp phần giải quyết nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của nền kinh tế.
Là tổ chức phát hành trái phiếu lớn thứ 2 nền kinh tế (sau Kho bạc Nhà nước), trái phiếu do VDB phát hành góp phần thúc đẩy thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng. Trái phiếu do VDB phát hành trở thành công cụ Nợ quan trọng trên thị trường vốn, góp phần đa dạng hóa các loại công cụ Nợ và tăng lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán, làm gia tăng quá trình tích tụ tài chính, thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn, đặc biệt vốn dài hạn.
Các hình thức hỗ trợ gián tiếp khác như hỗ trợ sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng cũng góp phần quan trọng trong việc mở rộng thêm các kênh vốn thương mại, thúc đẩy gia tăng nguồn lực xã hội dành cho đầu tư phát triển, đồng thời làm gia tăng tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM) và tổ chức tín dụng (TCTD), tăng tổng dư nợ toàn nền kinh tế; cụ thể: đã cấp ra 1.639 tỷ đồng hỗ trợ sau đầu tư cho các dự án, qua đó đã tác động tích cực tới việc chủ đầu tư các dự án sử dụng hiệu quả gần 40.000 tỷ đồng vốn vay từ NHTM.
Số vốn tuyệt đối và tỷ trọng huy động vốn qua phát hành trái phiếu trên thị trường giao dịch chứng khoán tập trung ngày càng tăng; tổng số vốn VDB huy động qua hình thức này khoảng 300.000 tỷ đồng; trong đó có giai đoạn chiếm đến 75% doanh số huy động; giữ vững vị trí là nhà phát hành trái phiếu lớn thứ 2 toàn nền kinh tế sau Kho bạc Nhà nước.
Bình quân dư nợ của VDB chiếm khoảng 6,1% tổng dư nợ toàn thị trường; đối với một tổ chức mới, đây là lượng vốn đáng kể, thể hiện sự đóng góp tích cực trên thị trường; với bất kỳ sự điều chỉnh nào làm biến động hoạt động của VDB cũng có những ảnh hưởng nhất định tới sự phát triển ổn định của thị trường ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Tỷ lệ vốn tín dụng của VDB thực hiện trong 10 năm qua đối với lĩnh vực công nghiệp, xây dựng luôn tăng nhanh, duy trì mức bình quân hơn 70% dư nợ, luôn cao hơn tỷ lệ vốn đầu tư của toàn xã hội trong lĩnh vực này, thu hút các nguồn vốn khác trên thị trường cùng cho vay đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng. Thông qua việc đẩy mạnh cho vay đầu tư, đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho nền kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ điện năng, tạo tiền đề phát triển cho các loại hình du lịch quốc tế thông qua một số chương trình/dự án trọng điểm nổi bật là: đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà ga T2 - Sân bay Nội Bài, Điện gió Bạc Liêu, Nhà máy thủy điện Sơn La, Nhà máy thủy điện Lai Châu, Nhà máy nhiệt điện Ô môn 1 và các dự án điện nguồn và truyền tải điện quốc gia; các nhà máy xi măng, luyện thép, cơ khí trọng điểm…
VDB hiện đang quản lý cho vay: 183 dự án trọng điểm trên phạm vi cả nước (dự án Nhóm A - quy mô tăng gần 2 lần so thời điểm thành lập), trong đó hầu hết các dự án đều thuộc lĩnh vực công nghiệp cơ bản (xi măng, thép, điện, giấy, phân bón, chế biến cao su, cơ khí, vệ tinh viễn thông) với tổng số vốn vay chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư; 395 dự án nguồn điện, lưới điện với số vốn vay theo hợp đồng tín dụng (HĐTD) hơn 200.000 tỷ đồng; 31 dự án sản xuất xi măng với số vốn vay theo HĐTD hơn 18.000 tỷ đồng; 120 dự án đầu tư cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển với số vốn vay theo HĐTD gần 17.000 tỷ đồng; 10 dự án với số vốn vay theo HĐTD gần 13.000 tỷ đồng cho ngành hóa chất.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, VDB cho vay: 230 dự án, góp phần quan trọng nâng cao năng lực chế biến và bảo quản sau thu hoạch; 642 dự án với số vốn vay theo HĐTD gần 53.000 tỷ đồng đầu tư vào một số lĩnh vực trồng rừng nguyên liệu và trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và chế biến các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm cây công nghiệp, lâm sản, thuỷ hải sản và thực phẩm, kiên cố hoá kênh mương và đường giao thông nông thôn, xây dựng mới trạm bơm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng cụm tuyến dân cư vùng lũ; 307 dự án an sinh xã hội (trường học, bệnh viện, xử lý rác thải, cấp nước sạch, nhà ở xã hội,…) với số vốn vay theo HĐTD đạt hơn 50.000 tỷ đồng.
Về tín dụng xuất khẩu, với doanh số cho vay hơn 142.000 tỷ đồng, VDB đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh, tranh thủ thời cơ mở rộng và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp giữ vững thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới và tiềm năng. Đối với một số thị trường đặc thù như Iraq, Cuba, trong khi các NHTM hạn chế cung cấp tín dụng, VDB vẫn thể hiện rõ vai trò công cụ chính sách khi vẫn tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu sang các thị trường này và các thị trường mới ở châu Phi, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hợp đồng xuất khẩu, tạo uy tín trong hợp tác kinh tế và quan hệ giữa Việt Nam và các nước. Tuy nhiên, từ 2017, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, VDB dừng cho vay xuất khẩu để tập trung nguồn lực vào TDĐT.
Một số khó khăn, hạn chế trong hoạt động tín dụng Nhà nước
Một là, danh mục đầu tư ngày càng thu hẹp và giảm dần tính ưu đãi, từ năm 2006 đến nay, danh mục đối tượng vay vốn tại VDB được quy định cố định tại Nghị định với thời gian kéo dài; danh mục này thu hẹp theo hướng quy định thêm giới hạn quy mô dự án và lĩnh vực đầu tư. Danh mục các ngành nghề, dự án đã được tập trung vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm cần khuyến khích đầu tư theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, vẫn còn một số dự án quan trọng tuy đã được xác định chủ trương ưu tiên đầu tư nhưng chưa được đưa vào danh mục đối tượng hưởng ưu đãi từ nguồn vốn TDĐT của Nhà nước.
Cơ chế, chính sách của Nhà nước đã và đang từng bước giảm bớt tính ưu đãi của tín dụng nhà nước, làm giảm sức cạnh tranh, giảm vai trò hỗ trợ của VDB đối với doanh nghiệp như: Bảo đảm tiền vay đã không còn ưu đãi so với cho vay thương mại; lãi suất vay vốn đang dần tiệm cận với lãi suất cho vay của các NHTM trong cùng lĩnh vực... không còn thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp cận với nguồn vốn này.
Trong điều kiện đó, các trình tự, thủ tục mà khách hàng phải đáp ứng để có đủ điều kiện vay vốn TDĐT của Nhà nước chậm được thay đổi phù hợp, như: Các dự án phải tuân thủ đúng quy định về trình tự, thủ tục đầu tư áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn cấp phát từ ngân sách nhà nước; đối tượng hỗ trợ của VDB có tính rủi ro cao (các dự án đầu tư có tính thương mại thấp hoặc các khách hàng mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường mới), trong khi cơ chế để hạn chế và xử lý rủi ro trong hoạt động tín dụng hầu như không phù hợp nên khi rủi ro tín dụng xảy ra, rủi ro pháp lý đối với VDB là khá cao.

Đường giao thông nông thôn -một trong số các hệ thống công trình trong lĩnh vực nông nghiệp được VDB cấp vốn
Hai là, mô hình hoạt động và khung chính sách cho hoạt động của VDB còn nhiều bất cập. Là ngân hàng chính sách của Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực cho vay đầu tư phát triển, hoạt động của VDB không những bị điều chỉnh bởi các văn bản pháp lý trong lĩnh vực tài chính tiền tệ mà còn chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp lý trong lĩnh vực đầu tư công, quản lý xây dựng, quản lý ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do khung pháp lý cho hoạt động của VDB được xây dựng chủ yếu dựa trên sự kế thừa các quy định áp dụng đối với Quỹ hỗ trợ phát triển và vận dụng các quy định khác của pháp luật trong quá trình hoạt động nên hoạt động của VDB sẽ kém linh hoạt hơn so với các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng khác và rủi ro pháp lý trong hoạt động của VDB rất cao.
Quá trình nghiên cứu, xây dựng, đổi mới trong hoạt động tín dụng chính sách của Nhà nước khá chậm, chưa giải quyết toàn diện các vấn đề vướng mắc, chưa thật sự phù hợp thực tiễn như: đối tượng cho vay, mức độ ưu đãi về lãi suất, xác định mức lãi suất, về thời hạn cho vay, cơ chế phân loại nợ, cơ chế tài chính, cơ chế trích lập và xử lý rủi ro…
Ba là, mô hình tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí và đào tạo cán bộ, cơ chế tiền lương đang trong quá trình hoàn thiện…
Về định hướng nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng Nhà nước
Thứ nhất, cần xác định cụ thể vai trò “bà đỡ’, “hỗ trợ” của Nhà nước trong chính sách TDĐT của Nhà nước: VDB được thành lập với mục tiêu là công cụ hỗ trợ chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp, phải phát huy được vai trò “bà đỡ” thông qua hoạt động TDĐT của Nhà nước, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Để phát huy được vai trò này, hệ thống cơ chế, chính sách hoạch định hoạt động nghiệp vụ TDĐT của Nhà nước tại VDB cần thiết phải làm rõ và khắc phục được những điểm tiên quyết sau đây:
Xác định đối tượng hỗ trợ cụ thể trong từng lĩnh vực, đối tượng này nên được quy định cụ thể hằng năm và có tính tập trung hỗ trợ cao cho các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên nhưng doanh nghiệp khó triển khai thực hiện vì nguồn lực đầu tư lớn, giá trị kinh tế - xã hội cao song tỷ suất lợi nhuận thấp và việc thu hồi vốn trực tiếp dài hoặc không đảm bảo.
Tiếp tục duy trì một số điều kiện ưu đãi tiên quyết như thời hạn cho vay, lãi suất cho vay và bảo đảm tiền vay.
Cần tạo sự ưu đãi giữa nguồn vốn TDĐT của Nhà nước với nguồn vốn cho vay dự án của các NHTM. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phải được thực hiện đồng bộ, đầy đủ, đúng thực tế, tránh tình trạng co kéo thời gian vòng đời dự án, cắt giảm tổng mức hỗ trợ cho dự án khiến dự án thực hiện không hiệu quả, thậm chí không đủ vốn để hoàn thành.
Thứ hai, đối với việc ban hành hệ thống văn bản cơ chế, chính sách đồng bộ: Cấp thiết kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước trên cơ sở tổng kết hoạt động tín dụng của VDB theo hướng hoàn thiện các quy định về tổ chức bộ máy, hành lang pháp lý, củng cố chức năng, địa vị và vai trò pháp lý của VDB trong tình hình mới; xử lý các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn về điều kiện và danh mục cho vay. Chính phủ có phương án tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các quy định về trình tự thủ tục vay vốn, sử dụng vốn vay ưu đãi …
Hoàn thiện các cơ chế về quản lý tài chính đối với VDB: thay đổi phương pháp hạch toán theo chuẩn chung các TCTD; sửa đổi, bổ sung, cải tiến phương pháp và cách tính cấp bù chệnh lệch lãi suất; sửa đổi hướng dẫn về tính phí quản lý phù hợp; cơ chế trích lập dự phòng đảm bảo để có nguồn xử lý nợ xấu;...
Ban hành Quy chế xử lý rủi ro tín dụng với đồng bộ các biện pháp theo thông lệ xử lý chung các TCTD; tiếp tục bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế phân loại nợ gắn với đặc thù VDB.
Thứ ba, về xây dựng cơ chế tạo nguồn lực đủ để VDB thực thi chính sách TDĐT của Nhà nước: NHNN có hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể để VDB có thể tham gia thị trường liên ngân hàng, thị trường mở, được tái cấp vốn, hoạt động ngoại hối,... như TCTD khác. Bộ Tài chính có phương án tập trung các nguồn vốn giá rẻ bổ sung nguồn vốn của VDB nhằm bổ sung nguồn lực cho hoạt động tín dụng nhà nước và xử lý tài chính đối với VDB.
Thứ tư, chú trọng việc xác định đối tượng vay vốn phù hợp khả năng và nhu cầu của Nhà nước. Đối tượng hỗ trợ của tín dụng nhà nước là những dự án có hiệu quả kinh tế trực tiếp không cao, hoặc thời hạn thu hồi vốn kéo dài, hoặc có khả năng không thu hồi đầy đủ vốn vay; các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội đối với những vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế trọng điểm, với các dự án chú trọng đến hiệu quả xã hội, công tác an sinh xã hội (NHTM ít hoặc không cho vay); tiếp tục duy trì hỗ trợ các dự án theo Hiệp định, Chương trình Chính phủ.
Thứ năm, cần nghiên cứu, hoàn thiện mô hình quản trị của VDB phù hợp. Đây được xem là vấn đề quan trọng quyết định tính hiệu quả của hoạt động TDĐT của Nhà nước tại VDB, rất cần Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan quan tâm nghiên cứu. Việc hoàn thiện mô hình hoạt động của VDB không chỉ nâng cao hiệu quả thực hiện quá trình tái cơ cấu mà còn tạo tiền đề vững chắc, hiệu quả cho việc mở rộng hỗ trợ của Nhà nước thông qua kênh TDĐT.
TDĐT của Nhà nước là công cụ hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Để kênh hỗ trợ này ngày càng phát huy vai trò, hiệu quả, việc tháo gỡ vướng mắc trong chính sách TDĐT của Nhà nước đang được các Bộ ngành, Chính phủ nghiên cứu thực hiện đồng thời với việc nỗ lực nâng cao năng lực toàn diện của VDB; hy vọng rằng hoạt động TDĐT của Nhà nước phát huy cao độ được vai trò “bà đỡ” cho doanh nghiệp phát triển./.
PV
Cùng chuyên mục
VDB: Hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần hoàn thiện chính sách và nâng cao vai trò vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước