(BKTO) - “Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh. Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm. Ai đi Châu Đốc, Nam Vang. Ghé qua Đồng Tháp bạt ngàn bông sen” - câu ca dao gắn bao đời của người dân xứ Nam Bộ cứ ngân vang trong tâm tưởng, khi đoàn thuyền của chúng tôi rẽ sóng trên sông Tiền, tiến vào xứ sở hoa sen Tháp Mười thuộc tỉnh Đồng Tháp. Mảnh đất cách mạng ấy nay đang thay da, đổi thịt, song vẫn mang trên mình những nét trữ tình sâu đậm trong hành trình phát triển, hội nhập với điểm nhấn là sắc sen và những điệu ca, điệu hò thân thương, quen thuộc.



Bí ẩn vùng Đồng Tháp Mười

Tháp Mười, địa danh rất riêng thuộc tỉnh Đồng Tháp, nhưng lại mang đặc trưng chung về một vùng đất ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng Tháp Mười là tên gọi của một vùng đất rộng gần 8.000 km2 nằm bên tả ngạn sông Tiền, trong đó có vùng ngập lũ hàng năm lên tới 4.500 km2. Lần dở những tài liệu còn ghi lại, chúng tôi đã có dịp khám phá những điều bất ngờ về vùng đất “cò bay thẳng cánh” Đồng Tháp - nơi con sông Tiền đã đi vào lịch sử, thi ca.
                
   

Vẻ kì vĩ, hoang sơ và đầy bí ẩn, cuốn hút của Đồng Tháp Mười. Ảnh tưliệu

   

Những kết quả nghiên cứu khảo cổ ở khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp) đã tìm thấy nhiều hiện vật thuộc Văn hóa Óc Eo với các tượng Phật bằng gỗ mù u rất phong phú và đa dạng về kích thước và kiểu dáng; nhiều mảnh gốm cổ, một số mảnh vỡ của các bệ yoni, tượng thần Vishnu, một số bia ký Phù Nam, trong đó bia ký (được định danh) K5 tìm thấy ở di tích Gò Tháp, được cho là có niên đại thế kỷ 5.

Ngoài những di vật gốm, tượng, bia ký cổ xưa, tại khu di tích Gò Tháp, những cuộc khai quật khảo cổ còn làm phát lộ nền móng bằng gạch của các công trình lớn và những công trình phụ trợ xung quanh. Một cán bộ khảo cổ, thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho chúng tôi biết, những kết quả khai quật, khảo sát trên quy mô kiến trúc khảo cổ cùng với hệ thống đường giao thông thủy trong khu vực di tích Gò Tháp đã cho thấy, rất có thể nơi đây từng là một trung tâm văn hóa - tôn giáo quan trọng của cả một vùng rộng lớn xung quanh trong thời gian cách nay khoảng 15 thế kỷ.
                
   

Du khách luôn thích thú khi khám phá nơi "đất lành chim đậu"Đồng Tháp. Ảnh: N.LỘC

   

Liên quan tới tên gọi Đồng Tháp Mười đến nay vẫn còn là ẩn số và thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu cũng như gợi sự tò mò, hấp dẫn với bao du khách. Có giả thuyết cho rằng cái tên Tháp Mười là do nơi đây từng có ngọn tháp 10 tầng, nên vào năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho xây ở Gò Tháp một ngôi tháp 10 tầng, cao 42m có kiến trúc kiểu tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên Huế) và sử dụng như một đài quan sát toàn vùng Đồng Tháp Mười. Sau đó ngôi tháp này đã bị lực lượng giải phóng miền Nam đánh sập vào tháng 12/1959.

Sách Tân An ngày xưa (Đào Văn Hội, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, xuất bản năm 1972) lại đưa ra giả thuyết khác về cái tên Đồng Tháp Mười: “Vì sao có cái tên là Đồng Tháp Mười? Là vì đồng nầy lấy tên một ngôi chùa cổ, hay gọi là tháp, theo kiến trúc Cao Miên, xây cao mười tầng trên mặt đất”.

Cố nhà văn Sơn Nam – người gắn bó với vùng đất sông nước Nam Bộ từng viết: “Do sự cấu tạo về địa lý, vùng này gọi là Đồng Tháp Mười có rải rác nhiều mảnh đất tương đối cao ráo, từng là nơi dân cư tập họp khá đông đúc, với nền văn minh sáng chói một thời, nổi danh khắp Đông Nam Á. Tên đất Tháp Mười tự nó đã là một ẩn số mà mãi tới nay chưa ai giải đáp một cách thỏa đáng”.

Nâng tầm hình ảnh sen Tháp Mười

Nhắc đến Đồng Tháp Mười, không thể không nhắc đến Sen - một biểu tượng văn hóa, truyền thống in sâu trong tâm thức của người dân cả nước. Từ lịch sử đến hiện đại, từ trí nhớ đến văn bản còn lưu đều cho thấy rõ, Tháp Mười là vùng trồng sen lớn nhất của tỉnh Đồng Tháp và vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, cách TP. Cao Lãnh khoảng 40 km.
                
   

Nhắc đến Đồng Tháp Mười, không thể không nhắc đến những cánh đồng Sen. Ảnh tư liệu

   

Trong những năm qua, địa phương đã tổ chức khai thác hiệu quả kinh tế từ cây sen, mang lại lợi ích gấp nhiều lần so với trồng lúa. Trong câu chuyện với chúng tôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết, đã có hơn 20 sản phẩm được chế biến từ sen như: sen sấy bơ, sữa sen, rượu sen, các loại trà từ sen, bông sen, kéo sợi tơ sen và nhiều hộ dân đã ổn định cuộc sống cũng nhờ cây sen. Sen là một trong 5 ngành hàng tái cơ cấu của huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp và được cấp nhãn hiệu chứng nhận sen Tháp Mười từ năm 2016. “Nhiều sản phẩm từ sen đã vươn đến các nước trên thế giới và mang về giá trị kinh tế cao cho người dân” - ông Thiện hứng khởi chia sẻ.
                
   

Nơi đây còn có những cánh đồng "thẳng cánh cò bay" trù phú. Ảnh: N.LỘC

   

Không chỉ giúp người dân thoát nghèo, sen còn gắn với những nét văn hóa bao đời nơi đây, và trên những nấc thang hội nhập của địa phương, sen còn được nâng tầm trở thành biểu tượng văn hóa, nhận diện thương hiệu của vùng đất “thẳng cánh cò bay” Đồng Tháp.

Bước vào địa phận tỉnh là tấm biển lớn thiết kế hình hoa sen cách điệu với dòng chữ “đất Sen hồng Đồng Tháp mến chào quý khách”. Nhiều hoạt động văn hóa gắn với sen được tổ chức thường niên. Đặc biệt, hình ảnh sen Tháp Mười đang vươn lên trở thành biểu tượng du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từng bước đưa du lịch của Đồng Tháp trở thành ngành thế mạnh, đóng góp quan trọng vào GDP của tỉnh. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Ngọc Thương, qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020 đã cho kết quả bước đầu khá ấn tượng. Trong đó, hình tượng Sen hồng sớm được chọn làm biểu tượng du lịch của Đồng Tháp (đặc trưng nổi bất nhất của tỉnh trong vùng).
                
   

Sức hút từ du lịch của miền sông nước Đồng Tháp ngày càng hấp dẫn. Ảnh: N.LỘC

   

Cùng với sức hút du lịch từ các sản phẩm sen, Đồng Tháp có nhiều khu, điểm du lịch đang được đầu tư phát triển như: Khu du lịch Xẻo Quýt, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu di tích thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu du lịch văn hóa Phương Nam, Quần thể di tích Gò Tháp… Tuy nhiên, do chưa được đầu tư đồng bộ, bài bản, có trọng điểm nên hiệu quả khai thác còn chưa tương xứng với tiềm năng... Đề án Phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025, trong đó lấy hoa sen làm đặc trưng, sản phẩm riêng biệt, liên kết với các tuyến, điểm di tích, danh lam thắng cảnh khác, vì thế chứa đựng bao ấp ủ, kỳ vọng để du lịch đất sen hồng phát triển bứt phá.

Là "thủ phủ" trồng sen của tỉnh Đồng Tháp và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo định hướng chung của tỉnh, huyện Tháp Mười đang tập trung hướng đi cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với đặc trưng hoa sen, trong đó có du lịch. Bà Trần Thị Quý - Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho rằng, tiềm năng sen Tháp Mười còn rất phong phú và chưa được khai thác hiệu quả. Tới đây huyện Tháp Mười sẽ tập trung kêu gọi đầu tư có tiềm lực, năng lực ý tưởng và nguồn lực mạnh để phát triển quy hoạch dự án 300 ha vùng nguyên liệu sen Tháp Mười để vừa tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, vừa phát triển dịch vụ du lịch và nâng tầm hình ảnh sen Tháp Mười.

Với những tiềm năng to lớn và định hướng phát triển rõ ràng, việc nâng tầm thương hiệu du lịch Đồng Tháp - cũng chính là nâng tầm thương hiệu địa phương, góp phần xúc tiến thương mại, hội nhập - đòi hỏi cần phải được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực. Đây không chỉ là nỗ lực của riêng các cơ quan có thẩm quyền, mà đòi hỏi sự chung tay của chính mỗi người dân, những chủ thể chính góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của vùng đất. Chúng tôi tin rằng với sự cần lao, sáng tạo không ngừng từ bao thế hệ con người nơi đây, những giá trị kết tinh của Đồng Tháp Mười sẽ sớm "nở hoa", mang lại sức sống mới, động lực phát triển mới để trong một ngày không xa sẽ được chứng kiến bộ mặt đổi khác của vùng đất sông nước cách mạng, nghĩa tình này.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
  • Đề xuất lộ trình mở cửa du lịch quốc tế, miễn thị thực cho nhiều quốc gia, vừng lãnh thổ
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa có báo cáo và đề xuất mở cửa du lịch đối với du khách quốc tế trình Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong đó Bộ VH,TT&DL đề xuất, cần miễn thị thực đơn phương đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ như thời điểm trước năm 2020 (trước khi dịch Covid-19 bùng phát).
  • Năm Du lịch Quốc gia 2022 được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Theo Đề án Tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2022 vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phê duyệt, Quảng Nam sẽ là tỉnh đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”.
  • Đảm bảo tối đa điều kiện tổ chức dạy học trực tiếp và chăm sóc học sinh
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đây là một trong những nội dung trong Công điện về một số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếp được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) gửi Giám đốc các Sở GD&ĐT mới đây.
  • Du lịch khởi sắc, cả nước có trên 6 triệu khách du lịch nội địa trong dịp Tết
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Những ngày đầu xuân Nhâm Dần, người dân đổ về các khu du lịch tăng đột biến. Ðà Lạt, Sa Pa, Vũng Tàu, Phú Quốc, Nha Trang và nhiều điểm du lịch nổi tiếng tại Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... đều đông du khách, một số nơi quá tải cục bộ. Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, ước tính cả nước đã đón và phục vụ trên 6 triệu lượt khách du lịch nội địa; ngoài ra gần 500 khách quốc tế đã đến Việt Nam theo chương trình “Hộ chiếu vắc xin”.
  • Gác lại âu lo, đồng bào dân tộc vùng cao Phước Sơn đón Tết
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tạm gác lại bao vất vả, lo toan thường nhật, những ngày này, người dân vùng cao huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đang hướng đến mùa tết để được sống trong không gian văn hóa truyền thống, hướng về cội nguồn dân tộc. Đặc biệt, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, người dân nơi đây, với đại đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được đón cái Tết tươm tất hơn.
Về Tháp Mười