(BKTO) - Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi có dịp theo chân kiểm toán viên KTNNkhu vực VII về với xã Bản Xen, huyện Mường Khương (Lào Cai) để thu thập thôngtin, phản ánh về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảmnghèo bền vững giai đoạn 2012-2015. Chuyến đi thực tế làm chúng tôi “thấm” hơn những khó khăn, vấtvả, lòng yêu nghề của những cán bộ kiểm toán đang thực hiện nhiệm vụ tại địabàn vùng sâu, vùng xa.



Vượt núi băng rừng đến với người nghèo

Tổ kiểm toán xuất phát từ TP. Lào Cai lúc tờ mờ sáng, dọc theo Quốc lộ 4D vượt qua những con dốc quanh co, vắt vẻo, quanh năm mây mù bao phủ. Trên con đường thưa vắng, bản làng vẫn nằm lặng lẽ giữa đại ngàn. Trong xe, các thành viên tổ kiểm toán tranh thủ bàn bạc kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Bác tài xế đánh vật với chiếc vô lăng điều khiển chiếc xe 7 chỗ ì ạch vượt qua những con dốc dựng đứng. Sau gần 4 tiếng đồng hồ “vặn mình” theo các cung đường núi với những khúc cua tay áo, Bản Xen dần hiện ra trước mắt chúng tôi trong làn sương mờ ảo khuất lẫn giữa những ngọn núi cao chót vót thật đẹp và hùng vĩ.

Ông Trần Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Xen cho chúng tôi biết: Chỉ cách đây ít năm, trên mảnh đất này người dân chủ yếu trồng lúa trên các ruộng bậc thang, canh tác mỗi năm 1 vụ, năng suất thấp nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu đói xảy ra thường xuyên, nhất là vào các kỳ giáp vụ. Thêm vào đó, việc ảnh hưởng khí hậu, thời tiết cũng tác động lớn đến đời sống an sinh xã hội; việc sản xuất chăn nuôi, trồng trọt đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trước thực tế đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã kịp thời hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất. Nhờ vậy, Bản Xen hôm nay đã khoác lên mình “tấm áo mới” với những cánh đồng lúa, những nương ngô, đồi chè xanh bát ngát trải dài theo các sườn đồi. Bản làng đã có nhiều đổi mới, những nếp nhà lợp mái ngói, mái pro-xi măng đã thay thế những nóc nhà nát bươm xưa kia, diện mạo xã đặc biệt khó khăn này đã thật sự thay da, đổi thịt.

Sau khi nghe lãnh đạo xã báo cáo về quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững mà địa phương đã thực hiện trong thời gian qua, Tổ kiểm toán tiếp tục đến từng hộ dân khảo sát, phỏng vấn về kết quả thực hiện Dự án nuôi lợn đen sinh sản - một trong những dự án thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững. Sau gần 2 tiếng đồng hồ đi bộ dưới cái nắng mỗi lúc một gay gắt, bỏng rát, vượt qua những cánh đồng ngô xanh mướt đang chuẩn bị trổ bông, chúng tôi đến với gia đình chị Vương Thị Phùng - một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng mua giống và sửa sang chuồng trại từ Dự án nuôi lợn đen sinh sản. Trong căn nhà cấp 4 khang trang, được lợp bằng mái ngói đỏ tươi còn mới cứng, chị Phùng phấn khởi nói: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, với chủ trương, chính sách hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trong các chương trình giảm nghèo của Chính phủ, trong đó có Dự án nuôi lợn đen sinh sản đã mang lại hiệu quả thiết thực giúp các hộ nghèo như tôi nâng cao năng lực chăn nuôi, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, từ đó vươn lên thoát nghèo”.

Kiểm toán viên phỏng vấn 1 hộ dân được tham gia Dự án nuôi lợn đen sinh sản
Chia tay gia đình chị Phùng bằng cái bắt tay cùng những lời chúc mừng, động viên gia đình tập trung sản xuất để ổn định đời sống, chúng tôi tiếp tục đội nắng lặn lội đến với những hộ dân khác. Lúc này đã là khoàng 12 giờ trưa, mặt trời bắt đầu đứng bóng, những tia nắng chói chang như muốn thiêu đốt người đi đường, từ bên kia sườn núi, cách mấy cánh đồng ngô, gia đình ông Vàng A Sử (thôn Na Nối) là điểm đến tiếp theo của chúng tôi. Được biết gia đình ông Sử cũng là một trong những hộ đặc biệt khó khăn của xã, thu nhập chủ yếu của gia đình từ mấy sào ngô. Nhờ được thụ hưởng Dự án nuôi lợn đen sinh sản, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2012 đến nay, gia đình ông thường xuyên có từ 7-8 con lợn thịt, 2 lợn nái. Thu nhập trung bình 30 đến 40 triệu đồng/năm. Chỉ vào đàn lợn trong chuồng, ông Sử khoe: "Toàn bộ gia sản của nhà mình đấy! Mọi người dưới xuôi gọi lợn đen ở đây là đặc sản mà!"

Cảm nhận sâu sắc về giá trị nhân văn của nghề nghiệp

Kiểm toán viên vốn đã là một nghề vất vả, nhưng chuyến đồng hành cùng các kiểm toán viên ở địa bàn miền núi như thế này càng khiến tôi cảm nhận rõ hơn những gian nan, khó khăn của họ mà họ phải trải qua. Vượt lên mọi gian khó, họ luôn sẵn sàng “làm bạn” với gió sương để bám nghề.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Ninh Trần Nam - Tổ trưởng Tổ kiểm toán chuyên đề Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 tại Lào Cai chia sẻ: Thực tế kiểm toán tại vùng sâu, vùng xa đã giúp kiểm toán viên của KTNN cảm nhận sâu sắc về giá trị nhân văn của nghề nghiệp, cảm nhận thực tiễn về điều kiện công tác, cảm thông với đời sống khó khăn của đồng bào, qua đó xác định rõ hơn tinh thần trách nhiệm được giao. Những cuộc kiểm toán tại Lào Cai nói riêng và các tỉnh vùng sâu, vùng xa nói chung như là một minh chứng về thực tiễn, có giá trị giáo dục bằng trực quan, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, đạo đức của người kiểm toán viên KTNN. Những kiểm toán viên của KTNN khu vực VII luôn khắc phục khó khăn, nâng cao ý thức tinh thần trách nhiệm trong công tác, âm thầm và lặng lẽ ngày đêm đem trí tuệ, bản lĩnh để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Tổ kiểm toán kiểm tra thực tế Dự án nuôi lợn đen sinh sản tại xã Bản Xen
Tâm sự về những khó khăn vất vả trong quá trình đi kiểm toán, kiểm toán viên Lương Đoàn Mạnh cho biết: Trong các cuộc kiểm toán tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, do đặc thù địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, các kiểm toán viên của KTNN khu vực VII phải “cắm” tại bản đến vài ngày, có khi cả tuần. Trung bình mỗi đợt kiểm toán kéo dài 60 ngày ròng rã, cả đoàn phải ở lại địa phương không về thăm nhà. Anh em ở đây đều đã quen với những khó khăn, vất vả, kể cả chuyện đi bộ nửa ngày trời, băng đèo lội suối, vào từng nhà dân phỏng vấn là chuyện bình thường. “Nghề kiểm toán đã cho tôi được đi nhiều, thấy nhiều và cũng vì thế mà trăn trở không ít trước cuộc sống, con người nơi tôi đến, hầu hết là vùng cao, mỗi mảnh đất lại khắc vào lòng tôi những nỗi niềm riêng. Song có một điểm mà gần như nơi nào cũng vậy là cuộc sống tuy đơn sơ, nghèo khó, nhưng giàu tình người”- Anh Mạnh chia sẻ.

Nói về công tác kiểm toán của KTNN, Ông Vương Đức Quân - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mường Khương khẳng định: KTNN giúp địa phương chúng tôi rất nhiều trong việc kiểm tra về tài chính. Qua hoạt động kiểm toán đã chỉ cho chúng tôi cái gì đã làm tốt, cái gì cần rút kinh nghiệm và cái gì chưa làm được để chúng tôi sửa chữa. Sau mỗi đợt kiểm toán, chúng tôi đều có được cái nhìn, khách quan đầy đủ về việc đã chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Khi công việc tại xã Bản Xen còn đang dang dở thì mặt trời đã nằm là là trên đỉnh núi. Trở về TP. Lào Cai Trên con đường cũ, tinh thần mọi người phấn chấn hơn hẳn sau một ngày mệt nhọc nhưng công việc hiệu quả. Trên đường trở về, mọi người kể cho chúng tôi nghe những chuyến đi kiểm toán ở các huyện miền núi khác như ở Mù Cang Chải, Si Ma Cai… kiểm toán viên phải lội suối, băng đèo đi bộ mất nửa ngày mới vào đến nhà dân để phỏng vấn, hay đi qua những cung đường trơn trượt một bên là núi cao dựng đứng còn bên kia là vực sâu thăm thẳm… Khi xe chúng tôi về đến TP.Lào Cai thì cũng là lúc phố đã lên đèn. Chia tay tổ kiểm toán bằng những cái bắt tay thật chặt, nồng ấm, chúng tôi biết rằng, nơi biên cương Tổ quốc này, những chiến sĩ trên “mặt trận” kiểm toán đang lặng thầm hy sinh, ngày đêm bám trụ bản làng ấy sẽ góp phần khắc họa, tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người kiểm toán viên KTNN.

Bài và ảnh: LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
  • Kiểm toán viên lên miền biên viễn
    8 năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Hết đèo Giàng đến đèo Gió rồi Khau Khoang, Cao Bắc,Tài Hồ Sìn… Mảnh đất Cao Bằng - vùng đất từng mệnh danh là “thủ đô gió ngàn”nơi góc trời Đông Bắc - chào đón đoàn công tác chúng tôi bằng những cung đườngsa sẩm mặt mày như vậy. Chiếc xe cứ lầm lũi bò lên “cổng trời”. Ngoài cửa kính,mây trời bảng lảng, anh kiểm toán viên Dương Minh Tuấn chợt ngâm nga câu ca daomột thời xa ngái: “Nàng vềnuôi cái cùng con/Đểanh đi trẩy nước non Cao Bằng”.
  • Đẩy mạnh kiểm toán Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới
    8 năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Với mong muốn cung cấp cho Quốc hội, Chính phủnhững thông tin toàn diện, có hệ thống về kết quả thực hiện Chương trình mụctiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (Chương trình xây dựng NTM) trong giaiđoạn 2010-2015, từ đó có những chính sách phù hợp nhằm thực hiện đạt kết quảcao trong giai đoạn tiếp theo, năm 2016, KTNN tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kiểmtoán chuyên đề về Chương trình quan trọng này.
  • Những cuộc hành trình không mỏi
    8 năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Cái Cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồngtiếng khóc nỉ non/ Mình về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trảy nước non Cao Bằng…Thuở thiếu thời, những câu ca dao khiến tôi luôn mường tượng về mảnh đất Cao Bằngnhư một xứ sở nước non huyền bí, xa xăm nào đó và ấp ủ dự định sẽ đến một lần.Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, theo chân những Kiểm toán viên KTNNchuyên ngành V thực hiện khảo sát, thu thập thông tin Chương trình phát triểnđô thị quốc gia cho khu vực vùng núi phía bắc, tôi đã được đến với Cao Bằng.
  • Tích cực xử lý đề xuất  được kiểm toán của các đơn vị
    8 năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Những quan điểm tích cực và tiến bộ đang dần định hình và phát triểntrong các đơn vị có quản lý và sử dụng NSNN khi thời gian gần đây, nhiều cơquan, đơn vị đã chủ động đề xuất với các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực trựcthuộc KTNN, thậm chí là với các lãnh đạo KTNN, để được kiểm toán một số nộidung, công trình, dự án trong phạm vi quản lý của mình. Một trong những đầu mốiđang thực hiện tốt nhiệm vụ phát sinh này là KTNN khu vực I. Vũ Khánh Toàn - Quyền Kiểm toán trưởng KTNNkhu vực I đã trao đổi với Báo Kiểm toán xung quanh vấn đề này.
  • Đẩy nhanh tiến độ phát hành  Báo cáo kiểm toán
    8 năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Cuối tuần qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã có ý kiến chỉ đạo trong tháng 01/2016, các KTNN chuyên ngành, khu vực cần tập trung cao độ, khẩn trương phát hành toàn bộ các Báo cáo kiểm toán (BCKT) còn lại của các cuộc kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2015.
Về với vùng cao Tây Bắc