Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động tới thu hút đầu tư nước ngoài

(BKTO) - Cuộc họp về tác động của thuế tối thiểu toàn cầu với thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vừa diễn ra ngày 20/3, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc.

2.jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI

Lãnh đạo Bộ KHĐT nhấn mạnh, từ cuối năm 2021, trong Tuyên bố về giải pháp 02 trụ cột để giải quyết những thách thức về thuế phát sinh từ nền kinh tế số, các nước G20 đã thông qua Quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu và Việt Nam là một trong các quốc gia tham gia Quy tắc này.

Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác liên ngành do Bộ Tài chính là cơ quan thường trực. Bộ KHĐT - cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài - có trách nhiệm đảm bảo đầu tư và xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư.

Theo ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ đòn bẩy tài chính để tác động đến xu hướng đầu tư.

Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Cụ thể: mức thuế suất phổ thông là 20% cao hơn mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu nhưng chúng ta áp dụng thuế suất ưu đãi theo 03 mức 10%, 15% và 17% tùy lĩnh vực, ngành nghề, quy mô và địa bàn đầu tư; thuế suất ưu đãi đặc biệt có các mức 5%, 7% và 9%.

Cùng với ưu đãi về thuế suất, pháp luật hiện hành có quy định về việc miễn thuế, giảm 50% thuế suất trong thời gian được miễn, giảm.

Tuy nhiên, khi Trụ cột 2 được chính thức áp dụng (quốc gia áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% đối với lợi nhuận ở nước ngoài của các tập đoàn đa quốc gia), các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không còn đem lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư.

Những vấn đề tác động tới thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài là khả năng xung đột với nguyên tắc bất hồi tố đối với ưu đãi đầu tư của các doanh nghiệp hiện hữu; tác động đến kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án; niềm tin của nhà đầu tư giảm sút; gia tăng áp lực đối với công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.

Đối với các doanh nghiệp đầu tư mới, những vấn đề đáng chú ý là chúng ta bị giảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài; ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài; gia tăng áp lực hành chính trong quá trình đầu tư.

Vì thế, ông Đỗ Văn Sử nhấn mạnh, cần phải có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả để nội luật hóa quy tắc và ban hành các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới.

Tại cuộc họp đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp JETRO, JCCI, AmCham, KorCham, EuroCham, Samsung, Canon… đã chia sẻ về kinh nghiệm và cách thức điều chỉnh chính sách của các nước trên thế giới.

Đồng thời đề xuất giải pháp chính sách đảm bảo các mục tiêu hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư, phù hợp với các cam kết của quốc tế, quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và phù hợp với điều kiện thực tiễn của quốc gia.

Đồng tình với ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp rằng thuế tối thiểu toàn cầu là một biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ quyền thu thuế của nước sở hữu vốn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, chúng ta có quyền đánh thuế để có dư địa đầu tư ngược lại cho cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cho nhà đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện các biện pháp về trách nhiệm xã hội.

Trên thế giới hiện nay, các nước cũng sử dụng công cụ này để thu hút đầu tư và các nước phát triển đã áp dụng ưu đãi thuế trên cơ sở trách nhiệm của doanh nghiệp.

Do đó, Chính phủ cần phải bổ sung quy định về giữ quyền thu thuế và xem xét những giải pháp để hỗ trợ các nhà đầu tư. Việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu tuy có những khó khăn, thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam thích ứng, tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Cùng chuyên mục
Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động tới thu hút đầu tư nước ngoài