Việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Bất cập trong quản lý tài chính, các đơn vị trực thuộc hoạt động kém hiệu quả

(BKTO) - Năm 2019, công tác quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được KTNN đánh giá là cơ bản chặt chẽ, đúng quy định trên tinh thần tiết kiệm nhằm tăng tỷ lệ tích lũy, tạo nguồn tái đầu tư cho các năm sau. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có những bất cập, nhất là trong công tác quản lý thu, chi và trong hoạt động của các đơn vị trực thuộc Trường, làm ảnh hưởng đến tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

11_lai.jpg
Công tác quản lý thu, chi và hoạt động của các đơn vị trực thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội còn bất cập. Ảnh minh họa.

Chưa phản ánh chính xác các khoản thu, chi

Theo kết quả kiểm toán, năm 2019, tổng thu hoạt động sự nghiệp, sản xuất kinh doanh dịch vụ, tài chính và hoạt động khác của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là hơn 750,5 tỷ đồng, trong đó thu học phí các hệ là 616,6 tỷ đồng, chiếm 82,1%, thu hoạt động dịch vụ là 83,1 tỷ đồng, chiếm 11,1%... Qua kiểm toán cho thấy, trong thu hoạt động đào tạo chưa phản ánh đầy đủ số thu học phí hệ đào tạo vừa làm vừa học đã đủ điều kiện ghi nhận doanh thu 745,1 triệu đồng. Bên cạnh đó, Trường còn thu học phí của sinh viên ngành sư phạm kỹ thuật các môn học nằm trong chương trình đào tạo 79,4 triệu đồng.

Đối với thu học lại, học cải thiện điểm, năm 2018, Trường đã ban hành Quy chế đào tạo đại học theo Quyết định số 66/QĐ-ĐHBK-ĐT song chưa quy định cụ thể đối tượng, điều kiện sinh viên được học cải thiện điểm, do đó, sinh viên đạt điểm C và B được đăng ký và học cải thiện điểm là không đúng quy định. Tổng số học phí đã thu của các đối tượng đạt điểm C và B học cải thiện điểm là gần 1,5 tỷ đồng, tương ứng với 1.103 lượt học. Ngoài ra, Trường còn thu một số khoản thu ngoài học phí chưa có trong quy định với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.

Đối với thu hoạt động dịch vụ, thu khác, qua kiểm toán cho thấy, một số khoản thu còn phản ánh chưa chính xác tính chất nguồn thu, dẫn đến chưa thực hiện kê khai, xác định đầy đủ thuế phải nộp như: Thu ôn thi sau đại học 494 triệu đồng; thu từ việc cho sử dụng phòng học, trang thiết bị giảng dạy theo một số thỏa thuận hợp tác 821,2 triệu đồng đang phản ánh vào số thu tài trợ; số thu phí thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài được giữ lại hơn 3 tỷ đồng chưa kê khai tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu ra.

Trong công tác chi, tổng chi trong năm của Trường là hơn 421,1 tỷ đồng, tuy nhiên, KTNN chỉ ra việc thực hiện phân bổ chi phí quản lý chung cho các hoạt động chịu thuế chưa đúng tỷ lệ số tiền trên 3,4 tỷ đồng; giảm chi phí tính thuế các nội dung chi không thuộc hoạt động dịch vụ chịu thuế hơn 1,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Trường hạch toán chưa chính xác chi phí trong kỳ số thuế GTGT của tài sản cố định do Nhật Bản viện trợ hơn 12,6 tỷ đồng.

Các đơn vị trực thuộc hoạt động không hiệu quả

Đánh giá về tình hình hoạt động của các đơn vị trực thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, theo kết quả kiểm toán, các DN trực thuộc Trường cơ bản phản ánh đầy đủ thu, chi hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tại Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội còn thực hiện trích khấu hao nhanh, vượt quy định, KTNN loại trừ khỏi chi phí 93,3 triệu đồng.

Qua kiểm toán cho thấy, Trường thành lập Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings) có 7 công ty con và 1 công ty góp vốn với mục tiêu đầu tư và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, sau nhiều năm, hoạt động của các công ty đều không hiệu quả, chưa đạt mục tiêu là phát triển công nghệ, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Tổng doanh thu báo cáo hợp nhất năm 2019 của Công ty BK-Holdings là 191,6 tỷ đồng; thuế thu nhập DN 866,5 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 3,4 tỷ đồng. Theo KTNN, doanh thu và lợi nhuận chủ yếu trên Báo cáo tài chính hợp nhất của BK-Holding là từ hoạt động đào tạo, chiếm 58,8% tổng thu; doanh thu từ hoạt động thử nghiệm, hướng dẫn chiếm 41,2% tổng thu. Các công ty còn lại đều kinh doanh kém hiệu quả hoặc lỗ (Công ty Cổ phần Công nghệ vật liệu và thiết bị BK lỗ 289,9 triệu đồng; Công ty Cổ phần Công nghệ thân thiện môi trường lãi 28 triệu đồng, Công ty TNHH MTV Tư vấn và chuyển giao công nghệ BK lãi 70 triệu đồng…). Ngoài ra, Công ty BK-Holdings được thành lập từ năm 2009 nhưng đến tháng 6/2020 vẫn thiếu gần 7 tỷ đồng vốn điều lệ so với đăng ký.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, chủ trương thành lập Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông tư thục Tạ Quang Bửu thông qua Công ty BK-Holdings chưa thỏa mãn điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Trường tư thục Tạ Quang Bửu chưa có quyền sở hữu về đất đai và đang sử dụng diện tích đất do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho thuê).

Bên cạnh đó, qua kiểm toán chi tiết tại 6 viện trực thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy, các viện cơ bản đã phản ánh đầy đủ doanh thu, chi phí phát sinh trong năm. Tuy nhiên, tại Viện Điện tử viễn thông còn chưa xác định doanh thu hợp đồng ra đề thi 152,8 triệu đồng; Viện Khoa học và Công nghệ môi trường còn phản ánh chưa đầy đủ, chính xác vào doanh thu, chi phí các hợp đồng đã thực hiện, hoàn thành công việc trong năm, KTNN xác định tăng doanh thu 421,5 triệu đồng và tăng chi phí của các hợp đồng chưa ghi nhận doanh thu 439,8 triệu đồng.

Đa số các trung tâm trực thuộc Viện các năm qua hoạt động không hiệu quả, không có nguồn thu. Toàn bộ kinh phí hoạt động của các trung tâm vẫn dựa vào kinh phí từ nguồn thu học phí và thu từ thực hiện các đề tài, dự án; chưa khai thác được các dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao để tăng nguồn thu. Đơn cử như Trung tâm An toàn thông tin - Viện Công nghệ thông tin và truyền thông được thành lập từ năm 2015 với chức năng tổ chức nghiên cứu vào thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học; tổ chức tư vấn, lựa chọn và làm chủ công nghệ, giải pháp về an toàn an ninh thông tin; thực hiện chuyển giao công nghệ mới… nhưng từ khi thành lập đến nay, tổ chức bộ máy chỉ có 1 cán bộ đảm nhiệm vị trí giám đốc, tham gia được 1 đề tài nghiên cứu khoa học từ năm 2017./.

Qua kiểm toán, KTNN xác định tăng số thuế phải nộp của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là hơn 1,5 tỷ đồng (giảm thuế GTGT được khấu trừ 120,5 triệu đồng; thuế GTGT đầu ra tăng 351,8 triệu đồng; thuế thu nhập DN tăng hơn 1 tỷ đồng) do một số nội dung thu chưa được phản ánh đúng tính chất; phân bổ sai chi phí dẫn đến chưa kê khai đầy đủ các loại thuế phát sinh trong năm. Ngoài ra, tại các đơn vị trực thuộc Trường chưa kê khai đầy đủ các loại thuế phát sinh trong năm 116,7 triệu đồng.

Cùng chuyên mục
Việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Bất cập trong quản lý tài chính, các đơn vị trực thuộc hoạt động kém hiệu quả