Việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Nhiều kết quả tích cực trong đổi mới hoạt động theo cơ chế tự chủ

(BKTO) - Công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học không ngừng được cải tiến và nâng cao chất lượng; tự chủ hoàn toàn trong chi thường xuyên; thu nhập của cán bộ công nhân viên nhà trường tăng qua từng năm… là những kết quả nổi bật được KTNN ghi nhận sau 3 năm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thí điểm thực hiện hoạt động theo cơ chế tự chủ.

13_lai.jpg
KTNN ghi nhận những kết quả tích cực trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực để đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh minh họa.

Chủ động cải tiến chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, phê duyệt tại Quyết định số 1924/QĐ-TTg ngày 06/10/2016 với mục tiêu chung là phát triển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành trường đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế; hoạt động tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập, nghiên cứu tại Trường.

Ngoài kinh phí được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cấp hằng năm để hỗ trợ cho các đối tượng chính sách theo chính sách chung của Nhà nước, căn cứ vào kết quả thu, Trường đã thực hiện trích lập Quỹ Hỗ trợ sinh viên để bù đắp chênh lệch giữa mức học phí và phần hỗ trợ từ NSNN cho các đối tượng chính sách, số tiền đã hỗ trợ trong năm 2019 là gần 4,5 tỷ đồng.

Qua kiểm toán cho thấy, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã cơ bản thực hiện được các mục tiêu đề ra trong thực hiện đổi mới hoạt động theo cơ chế tự chủ. Theo đó, trong tự chủ về thực hiện nhiệm vụ đào tạo, năm 2019, Trường đã mở mới 2 mã ngành đào tạo (ngành đào tạo Công nghệ giáo dục và ngành đào tạo Khoa học dữ liệu) phù hợp với thế mạnh của Trường và nhu cầu xã hội. Chương trình đào tạo của Trường có nhiều thay đổi, ngoài tuân thủ chương trình khung của Bộ GD&ĐT, Trường còn tham khảo chương trình của các trường đại học hàng đầu thế giới, đồng thời chủ động tìm kiếm đối tác quốc tế kiểm định chất lượng đào tạo. Đây cũng là cơ sở để Trường khẳng định chất lượng đào tạo đối với xã hội và người học. Chuẩn đầu ra của sinh viên cũng được thiết kế theo hướng cập nhật theo chuẩn mực thế giới và được chọn lọc phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động Việt Nam. Theo báo cáo của Trường, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp đối với hệ đào tạo đại trà năm 2017 đạt 68%, năm 2018 đạt 67% và năm 2019 đạt 72% so với sinh viên tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài và chương trình đào tạo chất lượng cao của Trường được tăng cường. Tuy nhiên, hoạt động liên kết đào tạo hệ vừa làm vừa học và liên kết thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ chưa lập đề án liên kết theo quy định. Vì vậy, KTNN kiến nghị Trường rà soát, lập Đề án liên kết đào tạo đối với hệ đào tạo vừa làm vừa học và hoạt động liên kết thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo đúng quy định.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng chủ động tự chủ trong nghiên cứu khoa học và hoàn thành nhiệm vụ được Nhà nước giao. Hoạt động nghiên cứu khoa học và nghiên cứu ứng dụng cũng được quan tâm. Ngoài kinh phí Bộ GD&ĐT cấp để thực hiện 4 đề tài cấp quốc gia, 50 đề tài cấp Bộ, Trường còn chủ động tìm kiếm nguồn tài trợ từ nguồn kinh phí của Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện các dự án, đề tài (tại thời điểm kiểm toán, Trường đang thực hiện 86 đề tài từ nguồn tài trợ của Quỹ Nafosted); đồng thời, thực hiện 196 đề tài cấp cơ sở.

Các viện trực thuộc được phân cấp tự chủ về nghiên cứu khoa học cũng đã chủ động tìm kiếm kinh phí tài trợ của các chương trình, dự án và từ Bộ Khoa học và Công nghệ… Các đề tài đều có bài báo đăng trong, ngoài nước, trên các tạp chí ISI, SCI, SCIE; có 10 bằng sáng chế, 8 giải pháp hữu ích được cấp từ kết quả nghiên cứu khoa học, tăng tương ứng so với năm 2018 là 2 bằng sáng chế, 8 giải pháp hữu ích.

Bên cạnh những kết quả tích cực, KTNN cũng chỉ ra, tiến độ triển khai một số đề tài còn chậm, phải xin gia hạn. Cụ thể, đối với đề tài Bộ GD&ĐT cấp kinh phí có 4 đề tài thực hiện chậm tiến độ; 3 đề tài đã hết thời gian thực hiện nhưng chưa được nghiệm thu; 18 đề tài năm 2018 phải gia hạn lần 1; 2 đề tài được giao năm 2019 nhưng chưa có sản phẩm nghiên cứu theo tiến độ. Ngoài ra, 1 đề tài không thực hiện với số tiền 168 triệu đồng.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực để đổi mới cơ chế hoạt động

Qua kiểm toán, KTNN cũng ghi nhận những kết quả tích cực trong công tác tổ chức bộ máy, nhân sự, thực hiện tự chủ tài chính và đầu tư mua sắm của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo đó, Trường đã chủ động xây dựng đội ngũ lao động theo hướng giảm dần nhưng bảo đảm nguyên tắc giảm cán bộ quản lý và tăng giảng viên. Trong thực hiện tự chủ tài chính, mức thu học phí Trường xây dựng được Chính phủ phê duyệt thấp hơn mức thu học phí Chính phủ quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, Trường đã chủ động sử dụng một cách hiệu quả nguồn lực để đổi mới cơ chế hoạt động. Theo đó, NSNN không còn phải hỗ trợ Trường trong chi thường xuyên; thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên nhà trường tăng qua các năm (năm 2018 là 16,8 triệu đồng/tháng; năm 2019 là 18,7 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, Trường còn chủ động khai thác các nguồn thu từ cho thuê cơ sở vật chất trong thời gian nhàn rỗi; sử dụng khoản thu học phí và các khoản thu ngoài học phí khác gửi ngân hàng thương mại lấy tiền lãi để bổ sung Quỹ Hỗ trợ sinh viên.

Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị Trường xây dựng mức thu học phí theo lộ trình đã được quy định trong Nghị định số 16/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. KTNN cũng lưu ý, hiệu quả từ hoạt động cho thuê cơ sở vật chất của Trường chưa cao, chi phí cho hoạt động này còn lớn, chênh lệch thu chi thấp.

Trong đầu tư mua sắm, KTNN đánh giá, Trường đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, chủ động trong chi mua sắm sửa chữa, đầu tư xây dựng cơ bản. Năm 2019, Trường thực hiện trích Quỹ Phát triển sự nghiệp gần 270 tỷ đồng, tạo nguồn và chủ động trong thực hiện chi tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư xây dựng cơ bản./.

Cùng chuyên mục
Việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Nhiều kết quả tích cực trong đổi mới hoạt động theo cơ chế tự chủ