Các hệ đào tạo và chương trình đào tạo phong phú
Năm 2019, Đại học Kinh tế TP. HCM thực hiện tuyển sinh theo Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT. Trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo đại học chính quy là 5.000 chỉ tiêu, kết quả tuyển sinh thực tế là 5.186 chỉ tiêu, đạt 104% so với chỉ tiêu xác định. Đối với đào tạo Văn bằng 2, chỉ tiêu Trường đưa ra là 1.000 chỉ tiêu, kết quả tuyển sinh thực tế chỉ đạt 702 chỉ tiêu, bằng 70,2%. Về đào tạo đại học liên thông chính quy, chỉ tiêu tuyển sinh mà Trường đăng ký là 1.200 chỉ tiêu, kết quả thực tế chỉ tuyển sinh được 852 chỉ tiêu, đạt 71%. Liên quan đến đào tạo thạc sĩ, chỉ tiêu tuyển sinh đăng ký là 1.100 chỉ tiêu, kết quả thực tế Trường tuyển 1.147 chỉ tiêu, đạt 104%. Về đào tạo tiến sĩ, chỉ tiêu tuyển sinh đăng ký là 100 chỉ tiêu, kết quả tuyển sinh thực tế là 33 chỉ tiêu, đạt 33%.
Về CTĐT, hiện nay, Đại học Kinh tế TP. HCM có 14 khoa, 1 viện, thực hiện các CTĐT cấp bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, đào tạo đại học chính quy là 49 chương trình, đào tạo Văn bằng 2 chính quy là 23 chương trình; đại học vừa học vừa làm là 34 chương trình; liên thông đại học chính quy 12 chương trình; liên thông vừa học vừa làm 22 chương trình; đào tạo thạc sĩ 19 chương trình và đào tạo tiến sĩ 15 chương trình. Năm 2019, Trường đã xây dựng mới 1 ngành và 5 chuyên ngành đào tạo trình độ đại học; 1 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ. Đáng chú ý, Trường đã thực hiện rà soát, điều chỉnh 44 CTĐT đại học chính quy, 12 CTĐT chất lượng cao tiếng Việt, 7 CTĐT chất lượng cao tiếng Anh, 3 chương trình thạc sĩ hướng nghiên cứu và 20 chương trình thạc sĩ ứng dụng… Về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo, cũng như việc xây dựng hồ sơ, thủ tục mở ngành đào tạo mới đã được Trường thực hiện theo quy định.
Năm 2019, Đại học Kinh tế TP. HCM thực hiện 18 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, gồm 3 chương trình cử nhân; 14 CTĐT sau đại học và 1 chương trình ngắn hạn. Trong số đó, Trường thực hiện mới 2 chương trình và gia hạn 2 chương trình. Theo đánh giá của KTNN, việc thực hiện mở mới và gia hạn CTĐT của Trường Đại học Kinh tế TP. HCM nhìn chung theo đúng quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018.
Chưa phát huy hết hiệu quả của chương trình liên kết quốc tế
Tuy nhiên, qua kiểm tra chọn mẫu CTĐT, KTNN đã phát hiện một số hạn chế. Thứ nhất, hồ sơ mở mới chương trình liên kết đào tạo dài hạn chưa có căn cứ chứng minh cơ sở vật chất thực hiện liên kết đào tạo đảm bảo đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1, Điều 18 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP. Theo quy định, diện tích trung bình dùng trong giảng dạy, học tập ít nhất 5m2/sinh viên, nhưng với số lượng tuyển sinh nêu trên, diện tích quy đổi thực tế chỉ đạt 2,8m2/sinh viên.
Thứ hai, một số chương trình không tuyển sinh được hoặc số lượng tuyển sinh thấp. Đơn cử, Chương trình thạc sĩ hành chính công liên kết với Đại học Tampere (Phần Lan) không tuyển được sinh viên; Chương trình thạc sĩ quản trị tài chính và đầu tư liên kết với Trường đối tác Paris 1 Pantheon - Sorbonne (Pháp) chỉ đạt tỷ lệ tuyển sinh 51,4% (36/70 học viên).
Thứ ba, một số chương trình liên kết chậm được gia hạn hoặc chưa được gia hạn nhưng vẫn thực hiện tuyển sinh, chẳng hạn như Chương trình liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ giữa Trung tâm Pháp - Việt đào tạo về Quản lý và Nhóm các trường đối tác Pháp theo Quyết định số 5820/QĐ-BGDĐT ngày 27/11/2015.
Bất cập thứ tư được KTNN chỉ ra là việc kiểm định chất lượng của các chương trình liên kết hầu như chỉ là kiểm định cơ sở giáo dục, chỉ có 1 chương trình thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục của chương trình liên kết, đó là Chương trình thạc sĩ kinh tế phát triển liên kết với Viện Khoa học xã hội Hà Lan và Đại học Eramus (Hà Lan). Đáng chú ý, có 1 chương trình chưa thực hiện kiểm định, theo giải thích của đơn vị là do chuyên ngành mới, chưa có thông tin về kiểm định, cụ thể là Chương trình thạc sĩ quản lý chuỗi ứng dụng liên kết với Trường Paris 1 Pantheon - Sorbonne (Pháp). Đến thời điểm kiểm toán, đơn vị đang lên kế hoạch, lộ trình kiểm định chất lượng các CTĐT.
Ngoài ra, KTNN cũng phát hiện, đơn vị chưa thực hiện tự đánh giá, đánh giá ngoài, đánh giá lại CTĐT theo quy định tại Thông tư số 38/2013/TT-BGDĐT; chưa thực hiện tổng hợp báo cáo đối với CTĐT ngắn hạn (trao đổi sinh viên) đối với Chương trình liên kết Khoa Kinh tế - Tổ chức ATA (CET).
Chương trình đào tạo chất lượng cao còn bất cập
Bên cạnh việc liên kết đào tạo với nước ngoài, Trường cũng thực hiện liên kết đào tạo với các cơ sở trong nước. Trong năm 2019, Đại học Kinh tế TP. HCM đã thực hiện liên kết đào tạo chủ yếu ở các hệ vừa học vừa làm, đào tạo sau đại học với nhiều đơn vị đào tạo địa phương dưới hình thức đặt lớp. Qua kiểm toán cho thấy, việc thực hiện liên kết đào tạo của Trường cơ bản tuân thủ theo hướng dẫn tại Thông tư số 07/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT. Tuy nhiên, CTĐT liên kết vẫn có một số hạn chế, như Trường đã thực hiện các khóa đào tạo theo hợp đồng ký mới trong năm nhưng chưa có văn bản đề nghị của UBND tỉnh theo quy định.
Liên quan đến CTĐT chất lượng cao, trong năm 2019, Đại học Kinh tế TP. HCM có 11 CTĐT chất lượng cao bằng tiếng Anh và tiếng Việt, trong đó có 2 chương trình mở mới trong năm. Kết quả kiểm toán hồ sơ mở mới 2 chương trình và việc quản lý các chương trình cho thấy cơ bản đơn vị đã xây dựng Đề án đào tạo chất lượng cao theo quy định tại Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT cho mỗi chương trình và được thẩm định phê duyệt cho phép đào tạo. Thế nhưng qua thực tế kiểm toán, KTNN chỉ ra rằng CTĐT chất lượng cao chưa có sự khác biệt nhiều so với chương trình đại trà. Qua so sánh nội dung của Đề án thì chương trình chất lượng cao là chương trình nâng cao của chương trình đại trà. Tuy nhiên, Trường chưa có minh chứng cụ thể cho chương trình chất lượng cao với số môn học bằng tiếng Anh tăng, yêu cầu chuẩn đầu ra tiếng Anh cao hơn, quy mô lớp nhỏ hơn, điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn. KTNN cũng phát hiện chương trình chất lượng cao chuyên ngành thẩm định giá chưa có phân tích, đối chiếu, so sánh chuẩn đầu ra, nội dung của CTĐT chất lượng cao với CTĐT đại trà và CTĐT nước ngoài. Hơn nữa, các chương trình còn chưa có ý kiến nhận xét của 2 chuyên gia ngoài cơ sở đào tạo theo quy định.
Cùng với đó là những bất cập trong việc chưa có minh chứng CTĐT nước ngoài và kiểm định của CTĐT đó, hoặc được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cho phép thực hiện và cấp văn bằng theo quy định; năng lực ngoại ngữ của giảng viên chưa đáp ứng quy định, hiện Trường đang tiếp tục nâng cao trình độ tiếng Anh cho giảng viên để đáp ứng được yêu cầu. Theo KTNN, Đại học Kinh tế TP. HCM cũng chưa tự đánh giá chất lượng của CTĐT và chưa có kế hoạch chuẩn bị các điều kiện cho kiểm định chương trình chất lượng cao theo quy định. Đến thời điểm kiểm toán, đơn vị đang thực hiện kế hoạch tổng rà soát, điều chỉnh các CTĐT trong toàn Trường để làm cơ sở cho việc kiểm định chất lượng đào tạo.