Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong những năm tới

(BKTO) - Năm 2019, dự kiến lượng sản xuất điện năng của cả nước sẽ đạt khoảng 240 tỷ kWh và sản lượng này đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, vấn đề phát triển hệ thống điện đang gặp rất nhiều khó khăn và nếu không có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong những năm tới.




Việt Nam sẽ phải đối diện nguy cơ thiếu điện trong những năm tới. Ảnh: TTXVN

Nhiều khó khăn trong việc phát triển hệ thống điện

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong giai đoạn 2019-2020 và kéo dài tới những năm 2022-2023. Đặc biệt, ở vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ thì nguy cơ không có dự phòng là rất lớn.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho thấy: các năm 2019-2020, hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, do hệ thống điện gần như không có dự phòng nguồn điện nên năm 2020 Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện. Từ năm 2021-2025, hệ thống điện sẽ không đáp ứng được nhu cầu phụ tải, nên có thể xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỷ kWh (năm 2022). Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ kWh năm 2025.

Phát biểu tại Kỳ họp Quốc hội lần này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nêu rõ những khó khăn trong việc phát triển hệ thống điện:
Trước hết, do cơ cấu nguồn điện đã thay đổi rất nhanh so với Quy hoạch điện VII, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh Quy hoạch nhằm bổ sung các nguồn điện, đặc biệt là nguồn điện tái tạo như điện mặt trời, điện gió… và các nguồn điện khác để bù đắp sự thiếu hụt công suất. Bên cạnh đó, việc dự án điện hạt nhân tạm dừng, các dự án nhiệt điện than gặp khó trong đầu tư do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường, nhiều dự án điện chậm tiến độ cũng đã dẫn đến nguy cơ thiếu điện (hiện có 60 dự án đang đầu tư, trong đó khoảng 35 dự án có công suất trên 200 MW chậm tiến độ từ 1 đến 5 năm, thậm chí có dự án còn kéo dài hơn nữa)…

Khó khăn thứ hai, nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện rất lớn. Theo tính toán sơ bộ từ nay đến năm 2030, nước ta cần khoảng 130 tỷ USD vốn đầu tư, bình quân khoảng 12 tỷ USD/năm, thế nhưng thực tế việc huy động nguồn vốn này rất khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ tiến độ của rất nhiều dự án phát triển nguồn và truyền tải điện hiện nay.

Vấn đề thứ ba, việc đầu tư nguồn điện đang mất cân đối giữa các vùng, miền. Cụ thể, khu vực phía Nam tiêu thụ tới khoảng 50% tổng sản lượng điện của cả nước nhưng sản xuất điện chưa đạt 40%, trong khi khu vực phía Bắc và miền Trung tiêu thụ khoảng 50% nhưng sản xuất được 60%. Do đó, ngành điện cần phải tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện Bắc - Nam mạch số 3 để điều tiết nguồn từ Bắc vào Nam.

Vấn đề thứ tư, công tác giải tỏa công suất nguồn điện tái tạo ở nhiều địa phương đang gặp khó khăn do việc đầu tư đường dây truyền tải điện chậm hơn so với đầu tư nguồn điện và thiếu đồng bộ so với việc đầu tư các dự án phát điện.

Thêm nữa, nguồn nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than và khí ngày càng lớn trong khi nước ta đang thiếu than nên buộc phải nhập khẩu. Dự kiến, năm 2025, ngành điện sẽ phải nhập khẩu khoảng 31 triệu tấn than và khoảng 2,2 triệu tấn khí hoá lỏng; đến năm 2030, phải nhập khoảng 50 triệu tấn than và 12,5 triệu tấn khí hoá lỏng phục vụ phát điện...

Chính phủ sẽ chủ động nhiều giải pháp không để xảy rathiếu điện

Sau khi nêu rõ những khó khăn trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định, Chính phủ sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng yếu để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, đặc biệt là giai đoạn 2021-2030.

Giải pháp đầu tiên là tập trung lập Quy hoạch điện VIII đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng Luật Quy hoạch với quan điểm đổi mới phương pháp quy hoạch, trong đó chủ yếu tập trung xác định rõ quy mô công suất nguồn điện của từng giai đoạn.

Thứ hai, Quy hoạch điện VIII sẽ tính toán một cách phù hợp việc đầu tư hệ thống truyền tải điện, đáp ứng yêu cầu giải toả công suất và đảm bảo an toàn, hiệu quả; bố trí cơ cấu nguồn điện một cách phù hợp với nhu cầu dùng điện của mỗi địa phương, đồng thời, phân bổ nguồn phù hợp với nhu cầu của từng vùng, miền, tránh tình trạng mất cân đối như hiện nay.

Thứ ba, trên cơ sở tính toán tổng thể công suất và cơ cấu nguồn điện cho từng giai đoạn, Chính phủ sẽ bổ sung các nguồn điện mới vào quy hoạch, trong đó tiếp tục khuyến khích đầu tư điện mặt trời, điện gió và bổ sung thêm các dự án điện khí. Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn làm căn cứ xác định các dự án ưu tiên để huy động vốn đầu tư. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm của ngành điện đang chậm tiến độ như: Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Long Phú 1, đường dây 500 KV mạch 3 và đường truyền tải giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến vấn đề đầu tư phát triển ngành điện. Đặc biệt, vướng mắc về việc huy động vốn cho đầu tư đường truyền tải điện tại Luật Điện lực cần được làm rõ. Luật Điện lực quy định Nhà nước độc quyền trong truyền tải điện, tuy nhiên, đây chỉ là độc quyền về quản lý, không có nghĩa là độc quyền về đầu tư, vì vậy phải huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư truyền tải điện.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc thực hiện nhập khẩu điện phải gắn với vấn đề đảm bảo quốc phòng, an ninh, đồng thời tăng cường các biện pháp để giảm tổn thất điện năng, sử dụng tiết kiệm điện, hiệu quả...

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm: Điện không chỉ là vấn đề kinh tế, mất điện ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của nhân dân. Không để “nước đến chân mới nhảy”, không để thiếu điện. Thủ tướng đề nghị các địa phương, các cấp, các ngành phát động phong trào sử dụng tiết kiệm điện để có nguồn bền vững và lâu dài.

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong những năm tới