Việt Nam mong muốn WHO hỗ trợ cải cách hệ thống y tế

(BKTO) - Chiều 17/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp ông Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương.




Ông Takeshi Kasai đã thông báo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam một số nội dung Báo cáo của WHO về cải cách hệ thống y tế. Ảnh: VGP/Đình Nam

Cám ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, ông Takeshi Kasai đã thông báo một số nội dung Báo cáo của WHO về cải cách hệ thống y tế theo hướng mở rộng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí phải chăng cho mọi người dân Việt Nam.

Báo cáo này đề xuất với Chính phủ Việt Nam về việc hoạch định và cải cách chính sách trong trung và dài hạn một số các lĩnh vực ưu tiên, hướng tới đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, một hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu mạnh là giải pháp hiệu quả nhất, bao trùm nhất, kinh tế nhất để một quốc gia tiến gần hơn đến mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân.

Ông Takeshi Kasai cho biết cải cách hệ thống y tế sẽ thành công cao hơn nếu mục tiêu của cải cách là tăng tỉ trọng chi cho y tế từ nguồn tài chính công (ngân sách nhà nước và quỹ BHYT), và nâng cao hiệu suất trong sử dụng nguồn này nhằm giảm chi từ tiền túi, và sử dụng nguồn tiền tiết kiệm được từ việc nâng cao hiệu suất hoạt động để trả lương cho cán bộ y tế một cách công bằng và thỏa đáng hơn.

Cải cách bệnh viện và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cần được triển khai song song với cải cách thanh toán BHYT.

Ở tầm quốc gia và địa phương đều cần có quy hoạch dài hạn về phát triển dịch vụ y tế trên cơ sở nhu cầu của người dân. Các bệnh viện được tự chủ trong việc sử dụng các nguồn lực đầu vào (nhân lực, thiết bị và vật tư) để cung cấp dịch vụ theo cách hiệu quả nhất và tự quyết định cách sử dụng doanh thu, tuy nhiên, cách mà bệnh viện tạo ra doanh thu cần được kiểm soát.

Hoạt động cải cách chăm sóc sức khoẻ ban đầu cần có sự phân bổ hợp lý quỹ BHYT giữa y tế cơ sở và các bệnh viện tuyến trên; áp dụng một giá ở tất cả các tuyển đối với một dịch vụ; xây dựng nhóm làm việc đa chức năng ở tuyến xã để cung cấp dịch vụ một cách phối hợp và toàn diện, lấy bệnh nhân làm trung tâm.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những hỗ trợ của WHO dành cho Việt Nam trong hơn 40 năm qua trên hầu khắp các lĩnh vực y tế như: Phòng chống dịch bệnh, phòng chống các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, tiêm chủng mở rộng, phát triển hệ thống y tế, đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn xây dựng chính sách y tế, đổi mới tài chính y tế, điều phối viện trợ, bảo hiểm y tế, các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, lao, sốt rét, HIV...

Trong thời gian tới, Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác với WHO trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn của y tế, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng hệ thống y tế Việt Nam từng bước hiện đại và hoàn chỉnh, hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ, giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống, đạt và vượt các chi tiêu đặt ra trong Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2020 - 2030.

Trong đó, ngành y tế Việt Nam mong muốn WHO hỗ trợ tăng cường hệ thống y tế bao gồm chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; Phòng chống các bệnh truyền nhiễm, không lây nhiễm; Nâng cao sức khỏe thông qua cải thiện lối sống; Đẩy mạnh công tác chuẩn bị giám sát và ứng phó với các vấn đề y tế cộng cộng; Xây dựng/sửa đổi luật liên quan đến lĩnh vực sức khoẻ…

Theo Đình Nam
baochinhphu.vn
Cùng chuyên mục
Việt Nam mong muốn WHO hỗ trợ cải cách hệ thống y tế