Việt Nam phải làm chủ quá trình phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

(BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, sáng 26/12, tại Hà Nội.

1.jpeg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: CP

Dự kiến, dự án sẽ khởi công tháng 12/2027

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy cho biết, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai dự án, bao gồm: Lựa chọn tư vấn; lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; đấu thầu các gói thầu thi công xây dựng… Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào tháng 12/2027.

Bộ GTVT đang xây dựng, lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết của Chính phủ xác định, quy định cụ thể các mốc tiến độ chính của dự án; thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng một số chính đặc thù, đặc biệt đối với dự án.

Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thảo luận về một số vấn đề đặt ra trong trong kế hoạch thực hiện dự án, như: Đầu ra ổn định khi phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo đường sắt, đào tạo nhân lực; phương án huy động các nguồn vốn cho dự án; sớm ban hành kế hoạch, chỉ tiêu sử dụng đất, định hướng phát triển quỹ đất đô thị theo hướng tuyến giao thông (TOD) cơ chế chính sách thực hiện dự án; ứng dụng, chuyển giao tiến tới làm chủ công nghệ; định hướng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia… Một số số ý kiến cho rằng kế hoạch phải làm rõ hơn các nhiệm vụ liên quan đến phát triển công nghiệp đường sắt, các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị Bộ GTVT phối hợp tối đa để tính toán, xác định nhu cầu nguồn nhân lực theo định hướng lựa chọn công nghệ, "càng chi tiết, càng tốt". Tiếp đó, Bộ sẽ có kế hoạch triển khai, phân bổ cụ thể đến từng trường đại học, phương án hợp tác đào tạo quốc tế.

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị bổ sung nhiệm vụ xây dựng hệ thống thống tin phục vụ riêng cho đường sắt tốc độ cao.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, việc lựa chọn tư vấn thiết kế, giám sát, thẩm định rất quan trọng. Đây phải là những tổ chức có kinh nghiệm, năng lực, chuyên môn hàng đầu thế giới.

2.jpeg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: CP

Rõ sản phẩm, rõ tiến độ, rõ người thực hiện, rõ trách nhiệm

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ việc ban hành Nghị quyết Chính phủ về kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội (về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam). Kế hoạch thực hiện phải khoa học, toàn diện, đồng bộ, thể hiện tính khả thi, linh hoạt để thực hiện mục tiêu có tuyến đường sắt tốc độ cao từ Bắc tới Nam, thậm chí có thể mở rộng hơn. Việt Nam phải làm chủ quá trình phát triển tuyến đường sắt, từng bước nắm bắt, làm chủ ngành công nghiệp đường sắt, các phân ngành liên quan đến thông tin, điều khiển, vận hành quản lý và các hệ sinh thái kinh tế đi cùng.

Nhấn mạnh việc bám sát mục tiêu Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội đề ra, Phó Thủ tướng đặt vấn đề "ai làm, bao giờ làm và chú trọng từng khâu cụ thể"; yêu cầu có tầm nhìn rõ ràng về khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách, tránh "đẽo cày giữa đường".

Về cơ chế chính sách pháp luật, Bộ GTVT xem xét kỹ lưỡng, xem xét sửa đổi Luật Đường sắt, phải tính toán, đưa vào hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến đường sắt tốc độ cao, bao gồm tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công nghệ, thiết bị vận hành, điều hành, quản lý thông tin, vấn đề an toàn xây dựng, có chế chính sách đặc thù để làm được đường sắt cao tốc.

Đồng thời cần có những cơ chế, chính sách để lựa chọn "trúng, đúng" tổ chức, đơn vị tư vấn quốc tế uy tín, kinh nghiệm, năng lực hàng đầu thế giới tham gia từ khâu thiết kế tổng thể, đến thẩm định, đánh giá, giám sát, quá trình lập quy hoạch, lựa chọn hướng tuyến, xây dựng nội dung các gói thầu, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư; đồng thời các đơn vị tư vấn của Việt Nam có thể tham gia, học hỏi, nâng cao năng lực.

"Quá trình xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, lựa chọn hướng tuyến, thiết kế kỹ thuật tổng thể dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam phải dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn, và năng lực của tổ chức, chuyên gia tư vấn, thẩm định" - Phó Thủ tướng nói và lưu ý, việc lựa chọn nhà thầu, các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho dự án phải có sự tham gia của tư vấn.

Trên cơ sở thiết kế kỹ thuật tổng thể, Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để xác định những đầu việc cần làm như xác định chỉ tiêu sử dụng đất, thực hiện giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để tạo quỹ đất phát triển đô thị, nông thôn theo hướng tuyến giao thông (TOD), xác định tổng vốn và phương án huy động (ngân sách, trái phiếu, ODA, đất đai) để thực hiện dự án…

Bộ GTVT cần thành lập các tổ công tác có sự tham gia của bộ, ngành liên quan, đơn vị tư vấn, chuyên gia hàng đầu trong trong từng nội dung cụ thể: Lựa chọn nhà thầu, đào tạo nhân lực, đất đai, vốn, mô hình ban quản lý dự án…

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT đánh giá toàn bộ nhu cầu nhân lực cần đào tạo, đào tạo lại, trình độ… để triển khai dự án, cũng như phát triển ngành công nghiệp đường sắt. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp thực hiện đặt hàng của Chính phủ về đào tạo nhân lực dựa vào các trường đại học trong nước, hợp tác quốc tế đối với những đối tác công nghệ được lựa chọn.

Về định hướng phát triển công nghiệp đường sắt trong nước, Bộ GTVT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT phối hợp xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ phục vụ dự án, "xác định rõ doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm chủ những khâu nào, nhập khẩu những trang thiết bị gì", phát triển sản xuất lưỡng dụng, đa mục đích.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có phương án tái cơ cấu, kiện toàn tổ chức bộ máy để tham gia vào quá trình triển khai xây dựng dự án, cũng như tiếp nhận quản lý, khai thác, vận hành sau khi dự án hoàn thành.

Đối với việc bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu vận hành, khai thác, xử lý sự cố… Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải học hỏi, tiếp nhận và làm chủ hoàn toàn.

"Kế hoạch phải rõ sản phẩm, rõ tiến độ, rõ người thực hiện, rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, nhà thầu, xuyên suốt dự án từ Bắc đến Nam, phân chia từng loại công việc (công trình, phi công trình)" - Phó Thủ tướng nói./.

Cùng chuyên mục
  • “Kiêu ngạo là bước đầu của thất bại”
    4 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Vừa qua, trên không gian mạng, các thế lực thù địch, thế lực xấu dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam. Một trong những nội dung mà các thế lực thù địch, thế lực xấu tập trung xuyên tạc, chống phá là cho rằng Đảng Cộng sản và cán bộ, đảng viên của Đảng mắc bệnh kiêu ngạo cộng sản. Chúng cố tình vu cáo bệnh kiêu ngạo là bệnh bẩm sinh, không thể cứu chữa được của những người cộng sản; bệnh làm cho cộng sản độc đoán, chuyên quyền, xa rời và ngày càng mất uy tín trong Nhân dân. Chúng cố tình quy kết: Cộng sản không bao giờ chịu thừa nhận hay sửa chữa, khắc phục được căn bệnh nan y này.
  • Cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa, cương quyết xóa bỏ cơ chế "xin cho"
    4 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 25/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.
  • Lợi ích cá nhân phải đặt dưới lợi ích tập thể
    4 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Chủ trương tinh gọn bộ máy được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao; bên cạnh đó một số ít ý kiến cũng bày tỏ những tâm tư, trăn trở. Tuy nhiên, cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, việc cải cách để tinh gọn, bảo đảm cho bộ máy công quyền hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là một đòi hỏi tất yếu. Đây là thời điểm chín muồi, hội tụ các yếu tố cần và đủ để chúng ta thực hiện cuộc cách mạng của thời đại mới, vì tương lai phát triển của đất nước, của dân tộc.
  • Sản xuất công nghiệp bứt phá, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế
    4 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Qua những chuyển biến thực tế và số liệu được ghi nhận từ địa phương tới cả nước cho thấy, sản xuất công nghiệp đang tiếp tục phục hồi nhanh và trên diện rộng, trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.
  • Khẩn trương ban hành văn bản nhằm cụ thể hóa các luật, nghị quyết của Quốc hội
    4 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị HĐND, UBND, các Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương tăng cường công tác phối hợp trong việc khẩn trương ban hành văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các luật, nghị quyết của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình địa phương.
Việt Nam phải làm chủ quá trình phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam