Việt Nam sẽ sớm có sản phẩm ‘lúa giảm phát thải'

(BKTO) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), nếu không có gì thay đổi thì đến tháng 8/2024, Việt Nam sẽ có sản phẩm ‘lúa giảm phát thải’.

h52-1416.jpg
Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao sẽ mang lại đa giá trị. Ảnh ST

Tại Lễ ra mắt Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ NHPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững, góp phần mang lại đa giá trị từ cây lúa.

ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn, chiếm trên 55% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ĐBSCL vẫn còn những hạn chế như chưa có nhiều vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp; tình trạng sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học gây ảnh hưởng đến môi trường, tăng phát thải khí nhà kính…

Trước bối cảnh trên, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (Đề án), với mục tiêu đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu hécta.

Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án được đặt tại Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT), do ông Ngô Thế Hiên - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch là Chánh Văn phòng Đề án.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là cách tiếp cận và tư duy rất mới, khó thực hiện, nhưng nó sẽ kích thích chúng ta không ngừng nỗ lực để tạo ra giá trị mới, thấy được niềm vui, sự mới mẻ khi tham gia vào công việc này.

Bộ trưởng  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay, Ban chỉ đạo Đề án triển khai cùng lúc 3 nhiệm vụ: Xây dựng cơ chế pháp lý, cơ chế vận hành Đề án và ra được mô hình và kết quả cụ thể để sớm khẳng định được ý nghĩa và hiệu quả của Đề án.

“Nếu không có gì thay đổi thì đến tháng 8/2024, chúng ta sẽ có sản phẩm ‘lúa giảm phát thải’ và trước hết sẽ do Cục Trồng trọt công bố tiêu chuẩn cơ sở” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Trao đổi với Báo Kiểm toán, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, để có đủ cơ sở pháp lý công nhận sản phẩm lúa phát thải thấp, Bộ NNPTNT đang phối hợp với các đơn vị và địa phương ĐBSCL triển khai 5 mô hình điểm với ít nhất 250 hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp và phải làm liên tục trong 3 vụ hè thu, thu đông 2024 và đông xuân 2025 - 2026.

Đồng thời, đầu tháng 5/2024, Bộ NNPTNT sẽ họp với các tỉnh ĐBSCL và các đơn vị, tổ chức liên quan để thảo luận, xin ý kiến góp ý xây dựng cơ sở pháp lý liên quan đến chi trả tiền giảm phát thải. Bộ cũng sẽ  làm việc với Ngân hàng Thế giới để thống nhất, trình Chính phủ xem xét phê duyệt.

Đề án được triển khai tại 12 tỉnh thuộc ĐBSCL (gồm: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long) và chia thành 2 giai đoạn với diện tích 1 triệu hécta.

Giai đoạn 1 (2024-2025): Tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 18 nghìn hécta, bao gồm công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch, xây dựng hệ thống Đo đạc - Báo cáo - Thẩm định, kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho những vùng lúa đạt chuẩn, củng cố các hợp tác xã, duy tu bảo dưỡng một số công trình và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026-2030.

Giai đoạn 2 (2026-2030): Xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 82 nghìn hécta.

Giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu như đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống chống MRV, đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở những vùng Đề án trong giai đoạn 2024-2025.

Trước đó, tại buổi phát động triển khai Đề án, đại diện Ngân hàng Thế giới khẳng định ủng hộ và cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình triển khai Đề án.

Trong đó, Ngân hàng Thế giới đã cam kết mua tín chỉ carbon ở mức 10 USD/tấn, bình quân 1 hécta lúa có thể bán được tín chỉ ở mức khoảng 10 tấn carbon, tương đương với 100 USD.

Ước tính phạm vi 1 triệu hécta lúa vùng chuyên canh, lợi nhuận từ sản xuất tăng lên khoảng hơn 16.000 tỷ đồng so với hiện nay. Ngoài ra, nông dân cũng có thể tăng thêm lợi nhuận từ bán tín chỉ carbon...

Cùng chuyên mục
Việt Nam sẽ sớm có sản phẩm ‘lúa giảm phát thải'