Gần đây, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động các kỳ hạn, trong khi một số ngân hàng khác cũng rục rịch tăng lãi suất tiết kiệm sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực lạm phát, giá vàng biến động và tỉ giá USD/VNĐ còn "nóng"...
Lãi suất vẫn chưa đảo chiều
Trong tháng 4/2024, một loạt ngân hàng thương mại như Eximbank, HDBank, VPBank, NCB, Kienlongbank, VietinBank, BVBank… đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi khoảng 0,1-0,35 điểm %. Phó Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết ngân hàng ông chưa tăng lãi suất tiền gửi nhưng đã tính đến phương án điều chỉnh trong thời gian tới nếu giá vàng, tỉ giá vẫn tăng.
"Việc tăng lãi suất huy động là nhằm tạo sự hấp dẫn hơn cho kênh gửi tiết kiệm sau thời gian chạm đáy. Tuy vậy, đây không phải là xu hướng chính và khó ảnh hưởng tới lãi suất cho vay" - ông nhận xét.
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5 điểm % so với cuối năm ngoái. Lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6 điểm %.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích - Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng tốc độ giảm lãi suất huy động có phần chậm lại trong thời gian gần đây do tỉ giá tăng và áp lực lạm phát quay trở lại. Dù vậy, nhu cầu tín dụng còn yếu nên chưa gây áp lực lên nền lãi suất huy động và cho vay. Đến gần cuối tháng 4/2024, tín dụng của hệ thống ngân hàng đã tăng khoảng 1,5%, tích cực hơn so với mức tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, nhận định đợt giảm lãi suất tiền gửi kéo dài từ tháng 3/2023 đã kết thúc khi gần đây, một số ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Chuyên gia này cho rằng lãi suất tiền gửi cần tăng thêm khoảng 0,5-1 điểm % vào cuối năm nay để hạn chế dòng tiền nhàn rỗi chảy qua vàng và ngoại tệ.
Theo ông Đinh Quang Hinh, lãi suất huy động có thể đã chạm đáy nhưng sẽ chưa tăng mạnh trở lại ngay, ít nhất là trong vài tháng tới, do kinh tế mới phục hồi và tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải. "Các ngân hàng vẫn còn dư địa giảm thêm lãi suất cho vay, dù không lớn, nhờ đã tiết giảm chi phí vốn sau đợt giảm lãi suất huy động từ cuối năm 2023 đến đầu năm nay" - ông phân tích.
Nhiều giải pháp vốn cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi rục rịch đi lên, các chuyên gia cho rằng ngành ngân hàng vẫn đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hướng vào sản xuất - kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại liên tục triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi. Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn của một số gói tín dụng chỉ 2,5-3%/năm, trung - dài hạn 5-6%/năm, thấp hơn chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng thương mại.
Ông Cao Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Trung tâm Phê duyệt tín dụng tại TP HCM của Agribank, cho biết lãi suất cho vay bình quân tháng 3 của ngân hàng này chỉ 7,47%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung - dài hạn từ 6%/năm.
"Lãi suất cho vay đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên được cố định ở mức 4%/năm. Chúng tôi đang có chương trình cho vay hỗ trợ DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với lãi suất chỉ 2,6 - 3%/năm. Chúng tôi vừa rà soát toàn hệ thống hồ sơ tín dụng nhằm tiếp tục tinh giản, hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay thuận lợi nhất" - ông Phong nhấn mạnh.
Đại diện LPBank cho biết ngân hàng này vừa ra mắt chương trình "Ưu đãi lãi suất - Mở lối giao thương", cung cấp giải pháp ưu đãi lãi suất vay cho DN xuất nhập khẩu, với tổng hạn mức lên tới 5.000 tỉ đồng; lãi suất cho vay USD chỉ từ 4%/năm và lãi suất cho vay VNĐ ưu đãi từ 6,15%/năm. Khách hàng sẽ được áp dụng mức lãi suất cố định trong suốt thời gian vay, tối đa lên tới 12 tháng.
Không chỉ lãi suất, các ngân hàng còn triển khai nhiều giải pháp đồng hành cùng DN nhằm tiếp cận vốn. Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Ban Khách hàng DN BIDV, cho biết với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), BIDV đã xây dựng và triển khai SMEasy. Nền tảng số này có nhiều giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa như: đào tạo online; mở kênh hỗ trợ DN chuyển đổi số, kết nối kinh doanh, quảng cáo sản phẩm…
"Chúng tôi cũng không ngừng tìm kiếm nguồn vốn giá rẻ, ưu đãi từ các tổ chức quốc tế uy tín nhằm hỗ trợ DN nhỏ và vừa tăng cường năng lực tài chính, phát triển bền vững hơn" - bà Phượng thông tin.
Theo các chuyên gia, nỗ lực chuyển đổi số để thúc đẩy thanh toán B2B (giữa DN với DN) sẽ góp phần giúp DN tiết giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh. Ông Gareth Parrington - Giám đốc cao cấp khu vực Đông Nam Á, Giải pháp thanh toán DN và chuyển tiền của hệ thống VISA - cho rằng việc hiện đại hóa các giải pháp thanh toán sẽ mở ra triển vọng mới để ngân hàng tiếp cận và hỗ trợ sớm cho DN.
Đề xuất gia hạn giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh nhiều DN còn gặp khó khăn, cầu tín dụng chưa như kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang rà soát, đánh giá và đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02/2022/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay thanh khoản của các tổ chức tín dụng đang rất dồi dào. DN nếu có dự án hiệu quả, đáp ứng điều kiện tín dụng tối thiểu sẽ được cho vay. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay là 15% và Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu cho các ngân hàng ngay từ đầu năm. Nếu cần thiết và chỉ số kinh tế vĩ mô cho phép, hạn mức này có thể tăng thêm.
"Lãi suất cho vay hiện thấp nhất trong vài chục năm, nhất là các khoản vay mới. Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất điều hành hiện nay và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên. Chúng tôi cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại ứng dụng công nghệ để giảm bớt chi phí cho DN; đẩy mạnh kết nối nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng" - ông Đào Minh Tú nhấn mạnh./.