Việt Nam tích cực vì sự thịnh vượng chung trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

(BKTO) - Đoàn công tác của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn vừa tham dự Hội nghị Bộ trưởng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF).



                
   

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: BCT

   

Hội nghị diễn ra tại Los Angeles (Hoa Kỳ), dưới sự chủ trì của Đại sứ - Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai và Bộ trưởng Bộ Thương Mại Hoa Kỳ Gina Marie Raimondo.

Tham gia Hội nghị có sự 14 quốc gia quan tâm bao gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, Brunei, Fiji và Việt Nam.

IPEF là khuôn khổ hợp tác kinh tế do Hoa Kỳ đề xuất với cách tiếp cận mới, mở, linh hoạt và bao trùm với 4 trụ cột chính: Trụ cột I - Thương mại, Trụ cột II - Chuỗi cung ứng, Trụ cột III - Kinh tế sạch và Trụ cột IV - Kinh tế công bằng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao IPEF đã thể hiện việc tôn trọng sự đa dạng và trình độ phát triển của các nước tham gia. Việt Nam khẳng định chủ trương luôn ủng hộ quá trình hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng, khác biệt, vì hòa bình, hợp tác, phát triển và cùng có lợi cho các nước tham gia.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và đẩy nhanh việc tham vấn trong nước về từng lĩnh vực hợp tác để có thể tham gia tích cực vào từng lĩnh vực, trụ cột cụ thể trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề xuất các nước cần tiếp tục duy trì cách tiếp cận linh hoạt và thực tiễn như thời gian qua; làm rõ kết quả và lợi ích cụ thể mà các nước có thể có được khi tham gia Khuôn khổ IPEF.

Đặc biệt, cần hiện thực hóa các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và năng cao năng lực cũng như làm rõ cơ chế linh hoạt cho các nước có trình độ phát triển khác nhau; đảm bảo tính thống nhất trong đa dạng để thảo luận về nội dung và lộ trình để việc triển khai được nhất quán và hiệu quả.

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng các nước đã thông qua nội dung cơ bản cho 4 bản Tuyên bố cấp Bộ trưởng xoay quanh các Trụ cột I, II, III, IV, làm cơ sở để các nước thảo luận và định hình nội dung cụ thể cho những vấn đề được đề cập đến trong Tuyên bố của các trụ cột./.
PHÚC KHANG

Cùng chuyên mục
Việt Nam tích cực vì sự thịnh vượng chung trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương