Vĩnh Phúc dự kiến dành gần 1.400 tỷ đồng xây dựng các công trình trọng điểm

(BKTO) - Từ cuối tháng 12/2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư tập trung ưu tiên thực hiện các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư mới, dự án quyết toán hoàn thành; bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ các dự án đầu tư; tổ chức lựa chọn nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án theo đúng cam kết.

1.jpg
Vĩnh Phúc chú trọng đầu tư phát triển liên kết vùng theo quy hoạch. Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, để có thêm nhiều công trình, dự án được đầu tư xây dựng phục vụ phát triển kinh tế - xã và đời sống nhân dân, năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến dành gần 1.400 tỷ đồng vốn đầu tư công cho xây dựng các công trình, dự án trọng điểm. Nguồn vốn này tập trung vào xây dựng hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc, nâng cấp một số tuyến giao thông, cầu kết nối Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành phố lân cận.

Đặc biệt, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển liên kết vùng theo quy hoạch, bao gồm: Hoàn thiện các tuyến Vành đai 2, Vành đai 3 đô thị Vĩnh Phúc; Dự án Đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai; Dự án Đường trục Bắc Nam; Dự án Đường Vành đai 5 vùng Thủ đô và đường ven chân núi Tam Đảo; Dự án Cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành; Dự án Đường dẫn lên cầu Vân Phúc và mở rộng đường trục Trung tâm đô thị Mê Linh kết nối Vĩnh Phúc với thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm về văn hóa - xã hội như: Dự án Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Dự án Trung tâm triển lãm và giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội; Dự án Trường THPT Trần Phú; Dự án Trường THCS chất lượng cao các huyện; Dự án nâng cấp Trung tâm y tế các huyện.…

Việc phân bổ nguồn vốn được thực hiện theo nguyên tắc là bố trí đủ vốn cho các công trình/dự án đã quyết toán, hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2023; dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2024 theo quy định về thời gian bố trí vốn và vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Đồng thời, triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh về Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và thực hiện các nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh và Tỉnh ủy.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngay cuối tháng 12/2023, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị giao chỉ tiêu, kế hoạch vốn đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2024; giao dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2024 cho người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương. Đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ các dự án, đảm bảo tiến độ thi công các công trình, dự án theo đúng cam kết.

Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công Trung ương giao tỉnh Vĩnh Phúc là 7.688,404 tỷ đồng. Đến hết 30/11/2023, toàn tỉnh đã giải ngân được 7.938 tỷ đồng, tăng 3,2% so với kế hoạch vốn Trung ương giao, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước và là năm có tỷ lệ, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay.

Đặc biệt, nhờ có nguồn vốn được giải ngân kịp thời, Vĩnh Phúc đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng nhiều công trình, dự án như: Cầu Vĩnh Phú; đường Vành đai 2, đoạn từ QL.2B đến QL.2C; Dự án Cải tạo, nâng cấp và mở rộng mặt đê hữu sông Phó Đáy, huyện Lập Thạch; Dự án Nâng cấp, cải tạo Trung tâm Y tế Lập Thạch; Dự án Trung tâm Y tế thành phố Phúc Yên, giai đoạn 2; Dự án Cải tạo, nâng cấp QL.2B, đoạn từ cầu Chân Suối đến Khu du lịch Tam Đảo I…

Cùng chuyên mục
  • Hải quan Hải Phòng: Điểm sáng về công tác kiểm tra sau thông quan
    10 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Năm 2023, Cục Hải quan Hải Phòng được Tổng cục Hải quan đánh giá là một trong các cục hải quan địa phương có số thu vào ngân sách nhà nước qua công tác kiểm tra sau thông quan tăng mạnh so với năm trước (cùng với các đơn vị như: Hà Nội, Bình Dương, Long An, Lạng Sơn…).
  • Hải Dương, giảm 28 xã/phường trong 2 năm tới
    10 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - UBND tỉnh Hải Dương mới tổ chức phiên họp tháng 1/2024 (Lần 3). Tại phiên họp các đại biểu đã lắng nghe và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, có phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023-2025.
  • Trao 100 suất quà cho đoàn viên, người lao động tại Sơn La
    10 tháng trước Địa phương
    Ngày 25/1, đồng chí Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đã thăm, tặng quà đoàn viên, người lao động trên địa bàn huyện Mai Sơn nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024.
  • Nghệ An: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2024 ước tăng 9,35%
    10 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2024 của tỉnh Nghệ An ước tăng 9,35% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2024 ước đạt 12.985,3 tỷ đồng, tăng 7,15% so với tháng trước, tăng 18,78% so với cùng kỳ năm 2023.
  • Hưng Yên đứng thứ 7 cả nước về tăng trưởng kinh tế
    10 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Hưng Yên ước tăng 10,05% (bình quân 3 năm 2021-2023 tăng trưởng 9,91%), vượt kế hoạch đề ra, đưa tỉnh Hưng Yên vươn lên xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Vĩnh Phúc dự kiến dành gần 1.400 tỷ đồng xây dựng các công trình trọng điểm