Vĩnh Phúc duy trì sự tăng trưởng công nghiệp ở mức cao

(BKO) - Trong những năm qua, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc duy trì được sự tăng trưởng ổn định ở mức cao, một số ngành công nghiệp chủ lực tiếp tục được phát triển, nhiều sản phẩm công nghiệp tăng trưởng khá.




Các sản phẩm công nghiệp của Vĩnh Phúc ngày càng tăng về số lượng và chủng loại

Giai đoạn 2016-2019, Vĩnh Phúc tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp đạt 12,64%/năm, cao hơn so với mức tăng 9,63%/năm của giai đoạn 2011-2015. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 28%/năm, đây là ngành có sự phục hồi tốt sau sự giảm sút trong giai đoạn 2011-2015; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14%/năm, đây là ngành chiếm tỷ trọng chủ yếu trong khu vực sản xuất công nghiệp của tỉnh (năm 2019 ngành này chiếm 96,44% giá trị gia tăng ngành công nghiệp); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước tăng 24,3%/năm, cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,7%/năm.

Ngoại trừ hoạt động cung cấp nước quản lý và xử lý rác thải, nước thải, các ngành công nghiệp khác đều tăng trưởng tốt hơn so với giai đoạn 2011-2015. Năm 2020, ngành công nghiệp của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, vì vậy dự kiến tăng trưởng của ngành giảm 0,1% so với năm 2019, theo đó tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 9,7%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (7-7,5%/năm) và tiếp tục đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Sản xuất các mặt hàng cơ khí tại Công ty TNHH Strong Way, vốn đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) tại khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc.

Các sản phẩm công nghiệp ngày càng tăng về số lượng và chủng loại. Trong kỳ đã xuất hiện một số sản phẩm mới được sản xuất như: linh kiện điện tử, điều hoà, tủ lạnh, thuốc chữa bệnh... Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh có mức tăng khá, trong đó linh kiện điện tử là ngành mới phát triển và có mức tăng doanh thu cao nhất bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 50,79%/năm; sản lượng ô tô tăng 3,46%/năm, xe máy tăng 0,15%/năm; gạch ốp lát tăng 18,86 %/năm; sắt thép các loại tăng 34,86%/năm; giày dép thể thao tăng 10,9%/năm,... Sản phẩm ô tô, xe máy mặc dù có sự suy giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh (năm 2016 chiếm 56,46% và đến năm 2019 chỉ còn 31%) do thị trường xe máy đang ở mức bão hòa, sản phẩm ô tô sản xuất trong nước luôn phải cạnh tranh với thị trường xe nhập khẩu đang rất dồi dào về nguồn cung, giá thành ngày càng giảm do được hưởng ưu đãi về thuế nên nhiều doanh nghiệp chuyển dần sang nhập khẩu. Thay vào đó, ngành sản xuất linh kiện điện tử là ngành có sự phát triển khá nhanh, năm 2015 ngành này chỉ chiếm 10,68% giá trị công nghiệp nhưng đến năm 2019 đã chiếm tới gần 40% giá trị công nghiệp và đóng góp lớn cho tăng trưởng chung của tỉnh. Ngành sản xuất gạch ốp lát và ngành sản xuất kim loại chiếm gần 15%. Các ngành công nghiệp còn lại chiếm khoảng 15% giá trị công nghiệp. Công nghiệp hỗ trợ được hình thành và từng bước phát triển, nhất là công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp cơ khí chế tạo và công nghiệp điện tử - tin học. Sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp hỗ trợ đã góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực tiếp tục phát triển, đóng một phần đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu và nâng cao tỉ lệ nội địa hóa.

Về phát triển các khu công nghiệp, giai đoạn 2016- 2020 tỉnh đã thành lập và cấp mới 1 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Bá Thiện - phân khu 1 với quy mô 325,75 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 2.417 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 khu công nghiệp được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 8 khu đã đi vào hoạt động và 1 khu đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng với tổng vốn đầu tư đăng ký 8.031,8 tỷ đồng và 117,42 triệu USD, tổng diện tích đất quy hoạch là 1.838,75 ha (trong đó đất công nghiệp theo quy hoạch 1.353,72 ha); tổng diện tích đất công nghiệp đã bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng 1.007,23 ha, diện tích đất đã cho thuê 865,88 ha; tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp quy hoạch đạt 63,96% và tỷ lệ lấp đầy theo diện tích đất công nghiệp đã bồi thường và xây dựng hạ tầng đạt 85,97%.

Khu công nghiệp Bá Thiện II

Nhìn chung, các khu công nghiệp của tỉnh được bố trí tập trung gần các đô thị lớn, gần thủ đô Hà Nội, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào ngày càng được hoàn thiện đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Một số khu đã được chủ động xây dựng, tạo ra quỹ đất sạch với mức giá cho thuê hạ tầng hợp lý, tạo được lợi thế cạnh tranh với các tỉnh thành lân cận như: khu công nghiệp Bá Thiện, Bá Thiện II, Bình Xuyên II, đặc biệt năm 2018 khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đi vào hoạt động đã tạo cơ hội tốt để thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh.

Các dự án trong các khu công nghiệp của tỉnh như: Piaggio VN, VPIC1; Partron Vina; Jahwa Vina; Haesung Vina, Exedy, Strong Way, Prime Group... đã và đang sản xuất ra những sản phẩm công nghiệp chủ lực, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần tăng thu ngân sách, trong đó: các dự án FDI đã đóng góp hơn 2,8 tỷ USD vào giá trị tăng thêm của tỉnh, nộp ngân sách hơn 11,6 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 41 nghìn lao động; các dự án DDI đóng góp hơn 5,1 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 1,5 nghìn tỷ đồng và giải quyết việc làm mới cho trên 1,58 nghìn lao động.

Hạ tầng các cụm công nghiệp ngày càng được hoàn thiện. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 18 cụm công nghiệp đã được hình thành và thành lập với tổng diện tích 376,4 ha, trong đó 13 cụm công nghiệp được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng (11 cụm đã thu hút đầu tư), 5 cụm công nghiệp được coi là hình thành, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các cụm công nghiệp là 262,9 tỷ đồng. Nhìn chung, các cụm công nghiệp được giải phóng mặt bằng cơ bản đã triển khai đầu tư hạ tầng và cho thuê đất. Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong cụm công nghiệp là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, các hộ sản xuất là chủ yếu. Việc đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đã giải quyết một phần nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn; đưa dần các cơ sở sản xuất ở các khu dân cư, trong các làng nghề vào khu vực sản xuất tập trung có đầu tư hạ tầng đồng bộ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu dân cư./.

PV
Cùng chuyên mục
Vĩnh Phúc duy trì sự tăng trưởng công nghiệp ở mức cao