‘Xác định rõ phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu’

(BKTO) - ‘Để phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã bền vững, trong thập kỷ tới cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, xác định rõ phát triển khu vực kinh tế này là xu thế tất yếu.’



“Năm 2020, đại dịch COVID-2019 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, tuy nhiên nhiều hợp tác xã vẫn duy trì phát triển trong giai đoạn khó khăn này đồng thời góp phần hỗ trợ kinh tế cho các thành viên,” ông Nguyễn Văn Đoàn, Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã với chủ đề “Liên kết, hợp tác cùng phát triển-Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0,” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức, ngày 12/10.

Nhận thức đúng vài trò của kinh tế tập thể

Ông Đoàn cho biết tính đến ngày 31/12, cả nước có 119.248 tổ hợp tác và thu hút gần 1,7 triệu thành viên, tạo ra 1,1 triệu việc làm thường xuyên. Bên cạnh đó, toàn quốc có 26.112 hợp tác xã với 6,1 triệu xã viên và số lao động thường xuyên trên 1,1 triệu người. Về liên hiệp hợp tác xã, cả nước có khoảng 100 liên hiệp với khoảng 22.000 việc làm thường xuyên.

“Nhìn chung trong giai đoạn 2011-2020, phong trào phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã có nhiều tín hiệu mới và đáng khích lệ. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, khu vực hợp tác xã vẫn hoạt động khá ổn định. Hiện, mô hình hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế hộ và cá thể thông qua các dịch vụ hoặc tạo việc làm cho xã viên, nhất là thành viên hợp tác xã nông nghiệp (như giảm chi phí đầu vào, tăng sản lượng đầu ra, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hộ gia đình, xã viên). Điều này đã góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại các địa phương,” ông Đoàn nói.

Từ những kết quả trên, nhận thức của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vai trò của kinh tế tập thể và hợp tác xã cũng được nâng cao. Theo đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đã được quan tâm xây dựng và hoàn thiện. Việc tổ chức bộ máy và công tác quản lý Nhà nước cũng được củng cố, Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã các cấp đã được thành lập từ Trung ương đến địa phương.

Nêu bật vai trò của hợp tác xã trong thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng phó với đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Anh Tú, Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết trên 50% số hợp tác xã đang hoạt động tốt với nhiều loại hình, mô hình hiệu quả. Về lâu dài, đây là lực lượng quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, dịch bệnh, tạo việc làm, tăng thu nhập đồng thời xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu:

“Kinh tế tập thể phát triển không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn có đóng góp quan trọng trong phát triển văn hoá-xã hội, các hoạt động cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh… trong việc phát huy sức mạnh thành viên, hộ gia đình. Từ đây sẽ tạo tiền đề phát triển sản xuất lớn, ổn định xã hội và phát triển bền vững,” ông Tú nhấn mạnh.

Giải quyết những hạn chế trong sản xuất riêng lẻ

Hiện nay, Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Theo ông Đoàn, các hợp tác xã sẽ có nhiều cơ hội học hỏi, cọ xát và nâng cao năng lực cũng như tiếp nhận công nghệ sản xuất và quản lý mới, thu hút đầu tư nước ngoài…

Kinh tế số sẽ là “ đòn bẩy” quan trọng giúp khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhờ đó tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, cắt giảm chi phí, phát triển sản xuất-kinh doanh và tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Tại diễn đàn, các diễn giả có chung quan điểm mô hình hợp tác xã với lợi thế về quy mô, hợp tác từ nhiều thành viên sẽ trở thành sức mạnh cộng đồng thích ứng với điều kiện cạnh tranh thị trường đồng thời rất phù hợp để giải quyết vấn đề hạn chế trong việc sản xuất riêng lẻ của người nông dân.
(Ảnh: Vietnam+)
Tuy nhiên, các diễn giả cũng chỉ ra cạnh tranh hàng hóa sẽ diễn ra rất gay gắt trên cả thị trường nội địa và quốc tế. Theo đó, các sản phẩm của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của các sản phẩm mới, kể cả sản phẩm nội địa và đặc biệt là sự xâm lấn của thị trường nước ngoài, sau khi các hàng rào thuế quan dần được xoá bỏ theo các thoả thuận thương mại quốc tế. Ngày nay, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế nguồn lao động dồi dào trong xã hội, hàng triệu lao động có thể sẽ mất và phải chuyển đổi việc làm…

Đóng góp một số giải pháp tại hội nghị, ông Đoàn kiến nghị để phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã bền vững, trong thập kỷ tới cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã, khẳng định vị trí, vai trò của khu vực kinh tế này trong điều kiện mới.

“Xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu,” ông Đoàn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Đoàn cho rằng các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách cũng như các cơ chế ưu đãi để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp bản chất và tránh bao cấp. Công tác quản lý Nhà nước tại các Ban chỉ đạo đổi mới cũng cần được nâng cao. Đồng thời, vai trò của hệ thống Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam phải được củng cố, để từ đó góp phần đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế tập thể, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào hợp tác xã mạnh.

“Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển sang nền kinh tế thị trường đầy đủ thì việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một thể chế kinh tế tất yếu. Kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn sẽ rất khó khăn, không có khả năng cạnh tranh để tồn tại,” ông Đoàn nói./.
Theovietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
‘Xác định rõ phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu’