VRG đối mặt nhiều khó khăn do giá bán sản phẩm giảm mạnh

(BKTO) - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) xây dựng kế hoạch sản lượng khai thác cao su năm 2023 là 425.000 tấn, thu mua 80.115 tấn và tiêu thụ 507.985 tấn… Doanh thu dự kiến của VRG vào khoảng 3.792 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.395 tỷ đồng.

3.jpg
Người lao động của VRG khai thác mủ cao su. Ảnh: VRG

Đó là những số liệu vừa được thông tin tại Hội nghị giao kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 của VRG được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tới 41 điểm cầu ở trong nước và Lào, Campuchia.

Cụ thể, năm 2023, VRG đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) phê duyệt với sản lượng khai thác cao su, sản lượng thu mua và sản lượng tiêu thụ như trên.

Đồng thời, VRG cũng được phê duyệt sản lượng gỗ phôi là 285.100 m3, gỗ ghép tấm 11.500 m³, gỗ tinh chế 10.850 m3, MDF 1.056.100 m³. Sản lượng găng tay cao su 900 triệu cái, băng tải cao su 182.000 m2; hơn 1,1 triêu quả bóng các loại; nệm, gối cao su 59.200 cái, đất khu công nghiệp cho thuê 100 ha.

Với các chỉ tiêu cơ bản nêu trên, doanh thu dự kiến sẽ là 3.792 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.395 tỷ đồng. Các chỉ tiêu tài chính này cũng được coi là thách thức trong bối cảnh giá bán mủ cao su - sản phẩm cốt lõi của Tập đoàn - suy giảm mạnh.

Tới nay, mức giá bán mủ cao su bình quân chỉ khoảng 33 triệu đồng/tấn (giảm 6-6,5 triệu/tấn so với cùng kỳ) nên kết quả thực hiện 3 tháng đầu năm của VRG giảm rất lớn so với thực hiện cùng kỳ năm trước.

Để khắc phục khó khăn, VRG chủ trương tiếp tục tiết giảm suất đầu tư, tăng sản lượng khai thác, tùy theo đặc điểm tình hình và năng lực của từng đơn vị để đưa ra mức tiết giảm hợp lý.

Đồng thời, VRG đang bám sát kế hoạch khối lượng năm 2023 được giao, đặc biệt trên 5 lĩnh vực lớn gồm là khu vực nông nghiệp, khu công nghiệp, công nghiệp cao su, chế biến gỗ và thủy điện, để chỉ đạo thực hiện hoàn thành vượt mức về khối lượng sản xuất, khai thác, chế biến, tiêu thụ… nhằm đảm bảo nguồn thu ngay cả khi giá bán có sự suy giảm; kiểm soát chặt chi phí, giá thành theo hướng phải cân đối được giá bán đầu ra để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận.

Về đầu tư, VRG chú trọng đến các hạng mục, dự án có hiệu quả kinh tế cao và cấp thiết nhằm gia tăng năng lực sản xuất, hạn chế tối đa các khoản đầu tư làm phát sinh thêm chi phí.

Theo đó, Tập đoàn tập trung đầu tư phát triển các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các dự án chế biến gỗ quy mô lớn… như định hướng phát triển trong Đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021-2025.

VRG cũng tập trung hoàn thiện hồ sơ đề xuất tăng vốn điều lệ, sớm báo cáo UBQLV thống nhất về chủ trương trước khi thực hiện nhằm tái cơ cấu lại nguồn vốn của Tập đoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Phó Chủ tịch UBQLV Đỗ Hữu Huy dự báo, năm 2023 tiếp tục có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen đối với các ngành, lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn. Hơn nữa, chi phí đầu vào như tiền thuê đất, chi phí nhiên liệu, năng lượng, tiền lương… có chiều hướng tăng. Đây là khó khăn chung của các doanh nghiệp, trong đó có VRG.

Trao đổi về nhiệm vụ của VRG và các đơn vị thành viên, Phó Chủ tịch UBQLV Đỗ Hữu Huy yêu cầu Người đại diện phần vốn nhà nước tại VRG phải thực hiện đầy đủ, kịp thời ý kiến chỉ đạo của Ủy ban, tăng cường vai trò trách nhiệm của Tổ đại diện vốn nhà nước tại Tập đoàn và đại diện vốn Tập đoàn tại các doanh nghiệp trong thực thi nhiệm vụ được giao.

Về phía lãnh đạo Tập đoàn, cần chủ động đánh giá, dự báo thị trường để có phương án kinh doanh linh hoạt, phù hợp và hiệu quả, giảm thiểu rủi ro; có giải pháp đảm bảo thu hút nguồn lao động cho các đơn vị; tăng cường ứng dụng công nghệ; chuyển hướng đầu tư vào các lĩnh vực, sản phẩm, các hạng mục, dự án có hiệu quả và cấp thiết nhằm gia tăng năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

VRG cần tập trung tối đa nguồn lực, phấn đấu triển khai đầu tư 1-2 khu công nghiệp mới hoặc mở rộng trong năm 2023 để góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo động lực thực hiện công tác cơ cấu lại doanh nghiệp, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề kinh doanh như định hướng tại Đề án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2021-2025.

Ông Trần Công Kha - Chủ tịch HĐQT của VRG nhận định, trước tình hình giá bán mủ cao su, các mặt hàng gỗ liên tục giảm, thị trường tiêu thụ trầm lắng, việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn nhiều vướng mắc…, để thực hiện được các chỉ tiêu kế hoạch mà UBQLV giao, đòi hỏi phải có sự nỗ lực và quyết tâm lớn của toàn Tập đoàn.

Do đó, tập thể lãnh đạo VRG, ban điều hành tại các đơn vị thành viên cần cụ thể hóa các chỉ đạo của UBQLV bằng các giải pháp điều hành linh hoạt, như quản lý, kiểm soát giá thành sản phẩm ở mức thấp nhất có thể ngay từ đầu năm, làm sao để đảm bảo mức lương cho người lao động, tiết giảm tối đa các loại chi phí khác trong cơ cấu giá thành.

Cần tiếp tục tinh gọn bộ máy quản lý gián tiếp, cắt giảm các chi phí không cần thiết để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh; tập trung mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của từng đơn vị, chú trọng những thị trường mới, các nhà sản xuất trực tiếp; đề ra các giải pháp phù hợp, chủ động nâng cao hiệu quả sử dụng đất phù hợp ở từng địa phương… Mục tiêu cuối cùng là gia tăng hiệu quả sản xuất - ông Trần Công Kha nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
VRG đối mặt nhiều khó khăn do giá bán sản phẩm giảm mạnh