Ảnh minh họa |
Hôm qua là ngày đầu tiên học sinh cấp II, cấp III tại Hà Nội đi học trở lại sau đợt nghỉ dài phòng, chống dịch Covid-19. Tại Trường THCS, THPT Marie Curie (Hà Nội), một tấm biển bắt mắt được dựng lên ở sân trường với dòng chữ: “Chúc mừng các con trở lại trường. Hãy trân quý những ngày thầy trò được ở bên nhau! Giữ gìn sức khỏe của mình và của mọi người!” Cùng với đó, tại các dải phân làn, học sinh nghiêm túc giữ khoảng cách, lần lượt đo thân nhiệt và nhận khẩu trang nhà trường tặng trong niềm vui hân hoan được trở lại trường sau nhiều ngày xa cách.
Trước đó, nhà trường đã có thư ngỏ gửi cha mẹ học sinh nên đo thân nhiệt trước khi con đi học, nếu sốt, ho thì cho con ở nhà và khám y tế. Nhà trường đã để dung dịch rửa tay ở khắp nơi: Cổng trường, sân trường, trước cửa thang máy, hành lang, trước cửa lớp học... Nhiều trường công lập ở Hà Nội mới tạm xếp thời khóa biểu của học sinh trong tuần đầu tiên trở lại với lịch học 3 buổi/tuần, hoặc 1 buổi/ngày.
Tuy nhiên, nhiều trường tư như Trường THCS, THPT Marie Curie do sĩ số học sinh ít nên đã bố trí được cho toàn bộ học sinh học cả tuần tại trường và tổ chức bán trú. Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Marie Curie chia sẻ: “Ngày hôm nay có ý nghĩa hơn cả ngày khai giảng năm học mới. Sáng nay, nhìn từng học sinh đeo cặp sách, mặc đồng phục của trường bước xuống từ những chiếc xe buýt của trường tôi mới cảm nhận hết giá trị của điều tưởng như rất đỗi bình thường ấy”.
Trong khi học sinh tiểu học và mầm non tại Hà Nội sẽ đi học vào tuần tới (11.5) thì tại Hải Dương, hôm qua là ngày đầu tiên, các cấp mầm non và tiểu học đi học trở lại. Trường Tiểu học Hải Tân, tỉnh Hải Dương có 1.038 học sinh chia làm 33 lớp, mỗi lớp 35 học sinh nên nhà trường không phải chia ca, tách lớp mà vẫn bảo đảm giãn cách mỗi học sinh 1m.
Ngay từ sáng nhà trường đã thực hiện đo thân nhiệt từ cổng trường, tuyệt đối không để phụ huynh vào trường. Cô Bùi Thị Thu Hường, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dù là buổi đầu nhưng chỉ vắng 2 học sinh. “Với cấp 1, học sinh còn nhỏ tuổi, hiếu động, các thầy cô giáo phải liên tục nhắc nhở đeo khẩu trang, khử khuẩn và thực hiện đúng cự ly dãn cách.
Trong giờ ra giải lao, các em không được ra ngoài, chúng tôi phải cố gắng duy trì bằng cách đọc truyện, học hát... Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là do không học bán trú nên khi phụ huynh đợi và đón con ở cổng trường khá vất vả. Đặc biệt, với khối lớp 1, các thầy cô giáo phải đưa trẻ ra tận cổng trường”, cô Hường cho hay.
“Chống dịch nhưng vẫn phải vui học”
Theo ghi nhận tại các địa phương, để chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại, các trường đều đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học; trang bị thiết bị đo thân nhiệt, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn... Khi học sinh tới lớp, các trường chú trọng giãn cách, như chia lớp học để giảm sĩ số học sinh trên lớp; chia ca sáng chiều phù hợp với các khối lớp; kết hợp giữa dạy học trực tiếp và dạy học qua internet, trên truyền hình…
Trong buổi học đầu tiên, Trường Tiểu học Vinh Tân, Nghệ An cho khối lớp 3, 4, 5 học buổi sáng, khối lớp 1, 2 học buổi chiều. Ngoài ra, trường dành dãy phòng học, nhà đa chức năng vừa khánh thành khá rộng rãi cho các lớp có sĩ số đông từ 40 - 45 em/lớp. Các lớp có số lượng học sinh ít hơn thì kê thêm bàn ghế để bảo đảm khoảng cách giữa các học sinh đạt tối thiểu 1m.
Tại Trường Trần Phú, Hà Nội, mỗi lớp học được chia thành 2, bảo đảm không quá 30 học sinh/lớp; đồng thời trường vẫn tiến hành giảng dạy trên truyền hình và trực tuyến; ưu tiên các thầy cô giảng dạy cho học sinh lớp 12 nhằm bảo đảm việc ôn tập và thi tốt nghiệp THPT.
Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định đã đón học sinh trở lại từ ngày 27.4. Thầy Nguyễn Trung Sỹ, giáo viên bộ môn Toán cho biết, phần lớn học sinh có ý thức học tập và chấp hành công tác phòng dịch tốt. Học sinh tan học được chia thành 3 ca để về, mỗi ca cách nhau 10 phút. Để bảo đảm tiến độ học tập, thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã có ý tưởng sáng tạo trong các hoạt động tập thể với phương châm: “Chống dịch nhưng vẫn phải vui học”.
Theo đó, để lan tỏa cảm hứng học tập tích cực, các em học sinh đã quay video, làm các bản tin chào buổi sáng, điểm tin hoạt động trong tuần, chuyên mục khối, tổ chức cuộc thi Lăng kính khoa học... “Nhiều học sinh chia sẻ với tôi rằng, các hoạt động trực tuyến online như vậy đã mở ra một hướng đi mới cho công tác Đoàn thời hậu Covid. Điều này không chỉ xây dựng kỹ năng mềm cho học sinh trường chuyên mà còn giúp các em hiểu rằng, cuộc sống luôn cần đổi mới và thích nghi với hoàn cảnh, từ đó, mỗi người sẽ vượt qua được giới hạn bản thân”, thầy Nguyễn Trung Sỹ chia sẻ.
Theo Daibieunhandan.vn