Vững vàng đưa kinh tế Việt Nam vượt qua thách thức

(BKTO) - Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; có những thách thức mới xuất hiện, chưa có tiền lệ... Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương (T.Ư), Bộ Chính trị, Ban Bí thư, kinh tế - xã hội của nước ta đạt được nhiều kết quả quan trọng.

3(1).jpg
Quang cảnh Hội nghị T.Ư 8 khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Hội nghị T.Ư 8 khóa XIII (diễn ra từ ngày 02 đến ngày 08/10) thảo luận, đánh giá nhiều vấn đề trọng đại của đất nước để xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp, trong đó có vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội.

Điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu

Có thể nói, từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đất nước ta đứng trước rất nhiều khó khăn, có những khó khăn chưa có tiền lệ, như: Đại dịch Covid-19 kéo dài gây hậu quả nặng nề, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột giữa Nga và Ukraina diễn biến phức tạp; hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; lạm phát tăng cao... tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh chính trị, kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Ở trong nước, dưới tác động của tình hình thế giới và hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ..., kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn; hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đáng chú ý, về kinh tế - xã hội, chúng ta đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định, Việt Nam là một điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.

Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6-6,5%, và là mức tăng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Báo cáo tại Phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Kinh tế vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, điểm sáng đáng chú ý trong kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 là vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2023, có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra...

Khắc phục hạn chế, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua vẫn tồn tại những hạn chế. Năm 2022 là năm đạt kết quả tốt nhất trong nửa nhiệm kỳ qua, nhưng vẫn có 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch năm. Giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, năm 2023, nền kinh tế tiếp tục chịu tác động kép từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm. 9 tháng năm 2023, GDP của Việt Nam tăng trưởng rất thấp, chỉ đạt mức 4,24%. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, với bức tranh kinh tế hiện nay, mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 là thách thức lớn. Nếu không đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay thì sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu của cả nhiệm kỳ là tăng trưởng kinh tế từ 6,5-7%...

Tuy nhiên, thông thường tăng trưởng kinh tế các quý sau sẽ diễn biến khá dần và tăng tốc vào những tháng cuối năm. Đây là cơ sở tạo ra niềm tin vào triển vọng kinh tế của cả năm 2023 cũng như những năm còn lại của nhiệm kỳ. Mặc dù vậy, bối cảnh hiện nay để đạt được mục tiêu của cả nhiệm kỳ, các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các nghị quyết, kết luận của T.Ư, Bộ Chính trị và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023-2024, phát biểu tại Phiên khai mạc Hội nghị T.Ư 8 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị T.Ư tập trung thảo luận, phân tích sâu những đặc điểm nổi bật của năm 2023, làm rõ những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, những thách thức phải tiếp tục vượt qua; chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm. Đồng thời, tập trung dự báo khả năng, tình huống sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 với tinh thần thật sự khách quan, toàn diện.

Tổng Bí thư cũng lưu ý: T.Ư cần chú ý những khó khăn, hạn chế đã và sẽ phải đối mặt, từ đó, xác định rõ ràng, đúng đắn những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của những tháng còn lại của năm 2023 và cho năm 2024; trong đó có sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 01/7/2024.

Với sự năng động, sáng tạo, thẳng thắn, trách nhiệm cùng quyết tâm chính trị cao của Hội nghị T.Ư 8 khóa XIII, chúng ta có cơ sở để tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo vững vàng, sáng suốt của Đảng; nỗ lực đổi mới đồng bộ, có hiệu quả của Quốc hội và sự quản lý, điều hành nhạy bén, quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đất nước ta sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

Hội nghị T.Ư 8 khóa XIII bàn và cho ý kiến kết luận về các vấn đề: Tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm (2024-2026) và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; quy hoạch Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIV và một số vấn đề quan trọng khác.

Cùng chuyên mục
  • Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như thế nào?
    6 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã và đang tiếp tục thu được những kết quả tích cực, như đánh giá của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.
  • Ngày làm việc thứ ba Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII
    6 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Bước sang ngày làm việc thứ ba, Trung ương (T.Ư) thảo luận hai nội dung: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
  • Trung ương thảo luận Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
    6 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Ngày làm việc thứ hai, Trung ương (T.Ư) thảo luận các vấn đề về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới.
  • Trung ương thảo luận tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước
    6 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Ngày làm việc thứ nhất, Trung ương (T.Ư) quyết định thi hành kỷ luật cán bộ; thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 -2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới.
  • Trung ương xem xét, quyết định nhiều vấn đề trọng đại
    6 tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII vào sáng 02/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hội nghị T.Ư lần này xem xét, quyết định nhiều vấn đề trọng đại, phức tạp, nhạy cảm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ.
Vững vàng đưa kinh tế Việt Nam vượt qua thách thức