Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như thế nào?

(BKTO) - Cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã và đang tiếp tục thu được những kết quả tích cực, như đánh giá của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.

2.jpg
Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh. Ảnh: ST

Bước đầu khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” là thành công đáng ghi nhận của cuộc đấu tranh PCTNTC vừa qua. Chúng ta đã thúc đẩy, nhân rộng, tạo sức mạnh phòng, chống từ cơ sở, theo tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, với sự đóng góp thiết thực của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh).

Ngày 02/6/2022, Ban Bí thư Trung ương (T.Ư) Đảng, khóa XIII ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Đến tháng 6/2023, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTNTC đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Nhiều kết quả, bài học kinh nghiệm, giải pháp tiếp theo đã được chỉ rõ, phân tích, đánh giá với thái độ thẳng thắn, cầu thị, kiên quyết.

Kết quả thực tế cho thấy: Chỉ qua một năm, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã khẩn trương được thành lập và đi vào hoạt động. Qua thống kê cụ thể, các Ban chỉ đạo cấp tỉnh tích cực vào cuộc, tiến hành rà soát và đưa 600 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện Ban Chỉ đạo cần tập trung xử lý. Với sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, các địa phương trên toàn quốc đã khởi tố 530 vụ án, 1.858 bị can về tội tham nhũng, tăng nhiều so với cùng thời gian năm 2021 trước đó.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những kết quả bước đầu, chưa tạo được sự đồng bộ, chưa phát huy được sức mạnh của tất cả các địa phương. Vì vậy, Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhất là các địa phương, cơ sở phải kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh cuộc đấu tranh PCTNTC. Một trong những mục tiêu, giải pháp quan trọng cần được triển khai thực hiện, đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra vào ngày 19/6/2023, khi phát biểu kết luận tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh: “Tập trung chỉ đạo, phát hiện, xử lý kịp thời, dứt điểm những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn; những vấn đề cấp bách, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương cơ sở”. Yêu cầu đặt ra là: “Cần tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm từ sớm, từ xa không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”.

Cũng theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi phát hiện thấy sai phạm thì phải tiến hành xử lý “kiên quyết, nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự”; bảo đảm không có ngoại lệ, không có vùng cấm, không kể người đó là ai, đồng thời: “không chịu sự tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.

Từ kinh nghiệm thành công của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTNTC, chúng ta cần nhấn mạnh cố gắng của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, phối hợp chặt chẽ với T.Ư và phát huy tác dụng, hiệu quả của cơ quan PCTNTC ở địa phương, cụ thể là vai trò của cơ quan chức năng, cơ quan pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở. Phải chú trọng tăng cường sự đoàn kết thống nhất, giữ gìn và nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn cho các cơ quan và cán bộ thực hiện nhiệm vụ PCTNTC, bảo đảm cho lực lượng này thật sự liêm chính, đủ uy tín, khả năng hoàn thành trọng trách của mình.

Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm thành công qua một năm thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, trong đó có bài học: “Phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan truyền thông và báo chí; doanh nghiệp, doanh nhân; sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong PCTNTC”.

Từ đó Tổng Bí thư và Đảng, Nhà nước ta yêu cầu: “Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân trực tiếp phản ánh, tố giác tham nhũng, tiêu cực, góp ý với cấp ủy về công tác cán bộ”. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tiếp công dân, đối thoại với công dân, tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề, nội dung mà nhân dân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, nhất là những vấn đề, nội dung liên quan đến đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Một trong những biện pháp vừa qua đã được một số địa phương triển khai thực hiện có kết quả, cần tiếp tục tiến hành trong thời gian tới, là: “Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần lập đường dây nóng hoặc phương thức phù hợp để tiếp nhận những thông tin về công tác chống tham nhũng, tiêu cực của nhân dân”.

Sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong đó có sức mạnh tổng hợp của Ban Chỉ đạo T.Ư và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC, tạo cơ sở vững chắc để chúng ta tuyệt đối tin tưởng: “Công tác PCTNTC trong thời gian tới sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt hiệu quả cao hơn nữa. Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của nhân dân”./.

Cùng chuyên mục
  • Phát huy dân chủ và dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền
    7 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Các cấp ủy đảng, chính quyền Thành phố Hà Nội đã nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện, ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
  • Đừng để bị dân tẩy
    7 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng đến việc xây dựng, giữ vững, tăng cường mối đoàn kết giữa cán bộ với nhân dân. Trong đó, làm thế nào để tránh bị “dân tẩy” là vấn đề quan trọng được quan tâm, có nhận thức đúng và giải pháp thực hiện hiệu quả.
  • Không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn
    7 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Chủ động phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực”. Và “Chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện từ nội bộ để chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn”.
  • Muốn ngăn được lãng phí?
    7 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Chống lãng phí luôn là quyết tâm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thường xuyên xác định, thực hiện trên thực tế.
  • Hồ Chủ tịch với những vấn đề cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
    8 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay ngày hôm sau, ngày 03/9/1945, tại Bắc Bộ phủ, Hồ Chủ tịch đã chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để bàn và giải quyết nhiều nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước non trẻ.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như thế nào?